Đã có lúc, mẹ định buông xuôi trước thói biếng ăn của con, nhưng rồi nhìn con, xót con, mẹ lại xoay xở tìm "chiến lược" mới và nhờ đó, đã truyền được cảm hứng ăn uống cho con.

“Cách đây 1 tháng thôi, bữa ăn nào với mẹ con mình cũng đều là 1 cuộc chiến. Cứ ngồi vào ghế ăn là con hò hét, không chịu há mồm, hất đổ hết cháo, đòi trèo ra khỏi ghế...

Con 5 tháng rồi không lên lạng nào, ăn dặm thì từ bột đến cháo đủ kiểu con đều không hợp tác, nhất định không chịu cho đút, chỉ thích tự cầm chơi rồi ăn linh tinh thôi. Nhiều lúc mẹ bất lực cũng định kệ con luôn! Nhưng mấy hôm thay đổi thời tiết, con lại hay nôn trớ, sụt hẳn gần 1kg. Nhìn con càng ngày càng gầy chóp chép, mẹ cũng xót ruột. Mà càng ép con lại càng ghét ăn.

{keywords}

Trước khi mẹ áp dụng "chiến thuật" mới, bé Bánh không hào hứng với các bữa ăn.

Vậy là mẹ quyết thay đổi chiến lược. Và đúng thật, sau khi nghiên cứu và thực hành các cách với đủ mọi chiêu trò... cuối cùng mẹ cũng đã thành công, khi cả tuần nay mỗi bữa con đều ăn hết 1 bát cháo to, thòm thèm còn uống thêm bình sữa, thỉnh thoảng gặm nhấm thêm rau củ quả và lên hẳn 5 lạng”.

Đó là những dòng tâm sự rất thật của bà mẹ trẻ Huyền Anh (27 tuổi, đang làm biên tập viên truyền hình ở Hà Nội) về “cuộc chiến” cho con ăn. Nhờ những “chiến lược” cho con ăn mới mà mẹ Huyền Anh không chỉ trị con biếng ăn thành công mà còn truyền được cảm hứng ăn uống cho cậu con trai út - bé Bánh. Từ một đứa trẻ lười ăn, mải chơi đến không thiết tha gì ăn uống, hiện tại bé Bánh đã rất hào hứng với mỗi bữa ăn.

1. Chờ con biết đói

Thay vì cứ căn đúng giờ cho con ăn theo lịch, mẹ cố chờ đến khi con đói mới bắt đầu cho ăn. Thời gian đầu các mẹ sẽ phải chờ khá lâu nhưng đừng sốt ruột. Thậm chí khi con đã biết đói, nên để con chờ 1 lúc rồi mới ăn để con biết rằng không phải cứ đòi là được ăn luôn. Ngay cả khi cho bé ăn, bạn cũng phải chờ bé há miệng to, tỏ ra hào hứng thì mới đút nhé.

Nếu như bé đang ăn dở mà không ăn nữa thì bạn cũng phải dừng lại ngay, không ép, kệ cho con chơi 1 lúc, để 5-10 phút sau rồi mới cho con ăn tiếp. Khi “bỏ mặc” con ăn như vậy, bạn phải xác định 1 vài lần ăn cháo hộ con luôn, nhưng phải ăn trước mặt con để con biết rằng không ăn là sẽ hết. Tuyệt đối không có chuyện ép con ăn.

2. Dạy con biết đòi ăn

Nghe thì tưởng là khó nhưng đôi khi chỉ 1 chút thay đổi từ chính cách sinh hoạt của mình cũng sẽ mang lại nhiều bất ngờ. Thay vì ép con ăn như mọi khi, cứ khi nào ăn gì mẹ lại mang ra ngồi ăn trước mặt con, ăn với vẻ rất ngon miệng. Mới đầu, có thể bé sẽ không để ý, nhất là những bé biếng ăn. Nhưng dần dần, chính bản năng sẽ làm bé muốn khám phá xem mẹ ăn gì mà ngon thế và cũng muốn thử xem!

{keywords}

Với bé Bánh, mỗi bữa ăn như một cuộc khám phá.

Tất nhiên là mẹ không được cho bé ăn nhé! Kể cả cho giả vờ cũng sẽ phản tác dụng ngay, vì bé sẽ thấy việc đòi ăn quá dễ dàng. Cứ thế, hàng ngày, được nhìn thấy những thứ hấp dẫn mà người lớn ăn, bé sẽ bứt rứt, khó chịu và dần hình thành thói quen đòi ăn.

Chỉ cần vài ngày thôi, “thời cơ chín muồi” sẽ đến. Đó là ngày mẹ bê bát cháo đặt trước mặt con, đợi khi nào con thật đói và lao ra đòi ăn, lúc ấy chỉ cần mẹ đút, con sẽ ăn thun thút. Có một mẹo nhỏ để “dụ” con đó là mẹ sẽ phải giả vờ ăn hoặc ăn thật vài thìa để khơi dậy ham muốn ăn uống cho con.

3. Dừng lại khi con không thích

Một trong những thói quen của rất nhiều bà mẹ là ép con ăn thêm, ép ăn cho bằng hết. Đôi khi, con ăn còn 1-2 thìa nữa cũng phải nịnh nọt, dụ dỗ bằng mọi chiêu trò cố để con ăn hết sạch mới thôi. Vô hình trung, chỉ 1-2 thìa cháo đó đã khiến con từ thích ăn trở thành sợ ăn và ngày càng biếng ăn. Vì vậy, hãy dừng lại ngay khi trẻ không còn muốn ăn nữa để đảm bảo những bữa sau, trẻ không sợ ăn, chán ăn.

Sau 2 tuần áp dụng 3 “chiến thuật” trên, mẹ Huyền Anh chia sẻ, từ một đứa trẻ còi, biếng ăn, bé Bánh đã tăng được 1kg. Điều quan trọng hơn cả là mỗi bữa bé ăn nhiều thêm một chút. Hiện tại, mỗi ngày bé duy trì uống khoảng 1 lít sữa, 2 bát cháo đặc và 1 bữa ăn bốc. Nếu như trước kia, mỗi bữa ăn với hai mẹ con là một cuộc chiến thì hiện tại, các bữa ăn đều hết sức nhẹ nhàng, bé tỏ ra thích thú, hào hứng trước mỗi bữa ăn.

(Theo Trí thức trẻ)