Mặc dù, chiêu trò không mới, nhưng nhiều người cao tuổi vẫn trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo hết lần này đến lần khác.
Mới đây vụ việc một cụ ông bị đối tượng lừa đảo “giả danh công an gọi điện” chiếm đoạt tài sản với số tiền 5,5 tỷ đồng khiến dư luận hoang mang. Không chỉ là các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, thời gian qua còn rộ lên chiêu trò mời tham dự sự kiện, hội thảo “bán hàng tri ân”, “chỉ tặng không bán” để bán sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả, hàng nhái và bán với giá "cắt cổ". Bức xúc hơn cả là các đối tượng thường nhằm vào nhóm người cao tuổi, để lừa đảo, gây nhức nhối trong dư luận.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch phân tích, các đối tượng giở chiêu trò hết sức tinh vi, đánh đúng vào tâm lý người già là có thời gian và luôn thích được quan tâm, thích được tặng quà nên lập kế hoạch lừa đảo theo hình thức bán hàng, tặng quà khuyến mại. Trong khi đó, con cháu thì bận rộn với công việc, học tập và rất nhiều việc cá nhân khác, không có thời gian quan tâm tới người cao tuổi.
Khi đang cô đơn, cần người chia sẻ thì các cụ lại có người quan tâm, hỏi han mời chào đi hội thảo, đi du lịch, đi chơi được quảng cáo là miễn phí nên không ít người cao tuổi có suy nghĩ “miễn phí thì tội gì không đi”. Vậy là, chiếc bẫy “giăng sẵn” của các đối tượng nhắm vào người già đã "bắt" được bao "con mồi" một cách dễ dàng như thế.
Hơn nữa, những kẻ lừa đảo còn nắm được tâm lý người già là dù đã lớn tuổi, dù đã nghỉ công tác ở cơ quan, đơn vị... nhưng vẫn muốn kiếm thêm thu nhập để sống có ích và không phụ thuộc con cháu. Thế nên khi được các đối tượng mời chào là chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ 3-5 triệu hằng tháng là có thể mang lại lợi nhuận gấp 4-5 lần thì người cao tuổi tin ngay và dễ dàng “sập bẫy”.
Đôi khi chỉ vì được tặng một chai dầu ăn hay nước mắm mà các cụ hăng hái tham dự hội thảo. Những câu chuyện này có thể nói là khá phổ biến hiện nay. Những người già khi nhận ra bị lừa thì đã muộn. Nhiều cụ “nhẹ dạ cả tin” đã mua phải sản phẩm với giá cao hơn thị trường, chưa bàn đến chất lượng tốt xấu, thật giả.
Thích mua nhiều để được tặng nhiều, không ít người lớn tuổi đã bỏ tiền triệu để mua, thậm chí vay mượn tiền để mua. Bằng chiêu trò lôi kéo, mời mọc tham dự hội thảo tại một khách sạn cao cấp và lấy niềm tin của khách hàng bằng quà tặng, nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo mua hàng giá rẻ, nhưng thực chất là giá rất cao và chất lượng sản phẩm thì vô cùng tệ.
Nhiều người cao tuổi thường có thói quen giữ một khoản tiền tiết kiệm sau nhiều năm dành dụm, chắt chiu để dưỡng già. Thế nên khi bị lừa mất những khoản tiền lớn như vậy thì trở nên buồn rầu, u uất, thậm chí suy nghĩ tiêu cực...
Có hàng trăm, hàng nghìn người già từ thành thị tới nông thôn đã nhẹ dạ, cả tin trước chiêu trò “hội thảo - khuyến mại”, số tiền lừa đảo ít thì vài triệu, nhiều có khi lên tới hàng chục, hàng trăm triệu... Vậy quy định pháp luật hiện hành xử lý hành vi này như thế nào?
Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch cho biết, đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản, bán hàng giả, hàng nhái... nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Tùy tính chất, mức độ hành vi mà mức độ xử lý với các khung hình phạt khác nhau, thường là nặng vì ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân, có thể lên tới hàng chục năm tù.
Đáng lo hơn khi các đối tượng này thường nhờ những người có uy tín tại địa phương như Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đưa giấy mời đến tận tay người dân để tạo niềm tin, thậm chí còn mang tổ chức “Hội Người cao tuổi” ra để bảo lãnh.
Người cao tuổi thật khó để có thể tránh được cái bẫy do các đối tượng “giăng sẵn”. Người già bị nhiễu loạn thông tin trước quá nhiều quảng cáo không được kiểm soát về nội dung, không biết sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt...
Trên thực tế không ít các doanh nghiệp, công ty lợi dụng chiêu trò tổ chức sự kiện, hội thảo để lừa bán hàng đã bị người dân tố cáo, bị cơ quan chức năng tuýt còi, yêu cầu dừng hoạt động... Nhưng dường như vẫn không hiệu quả.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, do lợi nhuận quá lớn và lòng tham nên các đối tượng đã dùng rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi khiến các cơ quan quản lý đôi khi lúng túng, không biết phải xử lý ra sao. Đến khi tham mưu ý kiến cấp trên, tìm ra lỗi vi phạm thì các đối tượng lại chuyển sang địa bàn khác hoạt động.
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, các cơ quan chức năng và đặc biệt là chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý triệt để thì chiêu trò “hội thảo – khuyến mại” mới không còn đất sống.
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng đưa ra lời khuyên, khi chẳng may “sập bẫy” các đối tượng này và phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả, hàng nhái... người cao tuổi cần lên tiếng tố cáo lên cơ quan chức năng để các đối tượng không còn cơ hội để đi lừa các nạn nhân khác, đồng thời phải chịu trừng trị thích đáng, góp phần ngăn chặn những sự việc tương tự tiếp tục xảy ra. Bản thân con cháu cũng cần quan tâm tới ông bà, cha mẹ mình nhiều hơn, tránh để người cao tuổi bị rơi vào bẫy “hội thảo - khuyến mại”.
Chính quyền địa phương cũng cần siết chặt việc giới thiệu hoặc cho phép những đơn vị, nhóm người kinh doanh đến quảng cáo, bán hàng trá hình. Khi có nghi ngờ, người cao tuổi hãy nói với người thân, con cháu hoặc báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc gọi điện đến Tổng đài 113; hotline 069.219.4053 để được tư vấn, giải quyết.
Theo VOV News