Dưới đây là những bí mật được giữ kín trong giới kinh doanh nhà hàng - ẩm thực, dùng để "móc túi" khách một cách công khai thông qua những mánh khóe.
Không sử dụng ký hiệu tiền tệ
Nhiều nhà hàng chỉ liệt kê giá menu đơn giản bằng những con số và bỏ qua ký hiệu tiền tệ. Điều này không phải do họ muốn... tiết kiệm mực in thực đơn mà đơn giản vì ký hiệu này không nhắc nhở khách hàng rằng việc họ làm là đang tiêu tiền.
Những nghiên cứu chỉ ra sự vắng mặt của đơn vị tiền tệ sẽ khiến khách hàng bỏ ra nhiều tiền hơn một cách đáng kể.
Sử dụng chiến lược miêu tả
Nghiên cứu của trường Đại học Cornell, Mỹ tiết lộ rằng những món ăn được miêu tả một cách “thích hợp” sẽ khiến món ăn đó hấp dẫn và nổi tiếng hơn đối với khách đến ăn.
Còn theo một nghiên cứu khác từ trường Đại học Illinois tại Urbana - Champaign, Mỹ, những thực đơn mô tả công phu và hấp dẫn có thể giúp tăng doanh thu lên 27% với những thực đơn bình thường khác. Ví dụ, thay vì ghi "bít tết và khoai tây chiên", nhà hàng sẽ bán cho thực khách một món nghe mỹ miều hơn như "thăn lưng bò 28 ngày tuổi thơm ngon và khoai tây chiên cắt tay".
In hình ảnh lên thực đơn
Một thực đơn có chứa hình ảnh khiến khách hàng bị kích thích vị giác. |
Với một thực đơn có chứa hình ảnh, bên cạnh việc khách hàng có thể dễ hình dung món ăn của mình ra sao, họ còn có xu hướng bị kích thích vị giác hơn nữa.
Vì vậy, dù giá của món ăn có thể hơi cao một chút, thực khách vẫn sẵn sàng trả tiền, qua đó tăng doanh thu cho nhà hàng.
Đặt tên món ăn thật sang chảnh
Thủ thuật này khá hiệu quả, nó kích thích sự tò mò của thực khách. Tên món ăn càng sang chảnh, càng khó hiểu thì khả năng khách hàng sẽ gọi những món ăn này càng cao hơn.
"Nghệ thuật" sắp xếp đồ ăn: Món rẻ tiền nhất ở cuối cùng
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tâm lý chung của thực khách là nhìn vào góc trên bên phải trước tiên, sau đó mới dịch chuyển dần xuống khu vực góc dưới cùng bên trái.
Biết được điều này, các nhà hàng thường đặt những món ăn đắt tiền, ngon mắt nhất lên trên, còn những món rẻ nhất được giấu xuống cuối dòng. Đó chính là lý do bạn không bao giờ tìm được những món ăn có giá vừa phải trong 10 giây đầu tiên nhìn vào cuốn menu.
Sử dụng món "mồi" với giá cắt cổ
Trong các thực đơn, sẽ luôn có một món ăn siêu đắt, thậm chí có thể đắt gấp đôi món ăn... đắt nhì, để làm mồi nhử.
Khách hàng phần lớn là không chọn những món đó mà gọi những món rẻ hơn nó một chút và khiến họ có cảm giác như thế là hợp lý.
Chiến thuật "mồi kép"
Thực ra chiến thuật "món mồi" vẫn chưa đủ đâu, vì vẫn có trường hợp khách hàng bất chấp lựa chọn món rẻ nhất cơ mà.
Nhưng các nhà hàng cũng tính hết rồi. Món rẻ hơn cả thực chất là món mang lại lợi nhuận nhiều nhất, dựa trên chi phí bỏ ra và giá bán thu về. Vậy nên dù bạn có chọn món nào, nhà hàng vẫn có lợi mà thôi.
Bẫy đóng khung
Trong các thực đơn, bạn sẽ thấy một số món ăn được đóng khung rất bắt mắt và trang trọng. Đó là vì các nhà hàng muốn bạn chú ý hơn đến chúng.
Các món ăn này cũng được sử dụng những tên gọi nghe rất cổ điển, rất... Tây và sang trọng, khiến thực khách có xu hướng gọi luôn dù chẳng hiểu nó là món gì.
Trên thực tế, có thể chúng cũng không khác gì so với những món ăn khác, chỉ thêm một vài gia vị, nguyên liệu khác mà thôi.
Một món ăn với hai kích thước khác nhau
Cùng một món ăn trên thực đơn nhưng lại có 2 lựa chọn: một phần lớn và một phần nhỏ. Chiến lược này khá hiệu quả, đa số mọi người nghĩ rằng "hay gọi phần nhỏ để ăn thử, cũng không tốn kém mấy", thường thì món này sẽ được bán đi kèm chứ không phải là món chính nhưng lợi nhuận thì cũng không thua kém gì.
Bàn đặt ở vị trí đặc biệt trong nhà hàng
Vị trí chỗ ngồi cũng là yếu tố giúp mọi người ăn nhiều và gọi nhiều món hơn. Hầu như tất cả các nhà hàng đều có một không gian ấm cúng và tách biệt dành cho khách quen và khách vip.
Thông thường khi ở nơi khuất, thực khách có xu hướng ăn nhiều hơn vì không phải e ngại người khác nhìn thấy. Vì thế, khi những khách hàng "tiềm năng" đến quán thì phục vụ sẽ mời vào những vị trí này thì hóa đơn thanh toán sẽ tăng lên đáng kể.
Đồ ăn nhẹ miễn phí
Thật tuyệt vời khi đang chờ đợi món chính ra thì được người phục vụ mang ra ít đồ ăn nhẹ như bánh quy, khoai tây chiên... Nhiều người cứ nghĩ phục vụ thật chu đáo nhưng sự thật là những món ăn nhẹ miễn phí này chứa lượng muối cao, khiến cho thực khách cảm thấy khát nước, buộc phải gọi đồ uống và điều này sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà hàng.
Kích thước đĩa
Những nhà tâm lý học đã chứng minh rằng thực khách sẽ cảm thấy no hơn khi dùng đĩa nhỏ trong bữa ăn. Những nhà hàng buffet thường xuyên áp dụng chiến thuật này để giảm lãng phí thực phẩm vì thực khách có xu hướng lấy nhiều thức ăn hơn cần thiết.
Âm nhạc
Một số nghiên cứu cho thấy rằng nhạc cổ điển làm bạn cảm giác mình giàu có hơn, đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn cho thói quen ăn uống bình thường của mình.
Ánh sáng
Các nhà hàng đắt tiền thường sử dụng ánh sáng có vẻ yếu ớt, mờ ảo để thực khách có thể thư giãn. Họ sẽ dành nhiều thời gian hơn trong nhà hàng khi có một không gian dễ chịu như vậy và chắc chắn, khi ngồi lâu thì sẽ gọi nhiều món hơn.
Người phục vụ thân thiện
Những người phục vụ vui vẻ, thân thiện thường là bộ mặt của cửa hàng. Khách hàng đôi khi ghé nhà hàng không phải vì món ăn ngon mà vì có những người phục vụ rất dễ thương, coi họ như thượng đế. Khi đã tin tưởng, những người phục vụ sẽ bắt đầu nói về những ưu đãi và gợi ý thêm các món tráng miệng để móc túi thực khách.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)