Xin hợp tác khai thác đất vàng công sản rồi bán đứt

Khu đất vàng tại số 33 đường Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 có tổng diện tích 6.274,5m2 là tài sản Nhà nước giao cho Công ty TNHH Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) quản lý, sử dụng, từ sau giải phóng đến nay. Vinafood 2 là doanh nghiệp Nhà nước về kinh doanh lúa gạo, thuộc Bộ NN&PTNN.

4 cơ sở nhà, đất thuộc khu đất vàng này được Vinafood 2 sử dụng bố trí làm nhà ở cán bộ - công nhân viên.

{keywords}
 Vị trí khu đất vàng nằm ngay giữa trung tâm quận 1, TP.HCM

Xuất phát từ đề xuất của Vinafood 2, năm 2010, UBND TP.HCM giao 4 cơ sở nhà, đất cho đơn vị này để lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, với thời hạn giao đất 50 năm. Thực tế, Vinafood 2 chưa hề lập dự án để trình các cấp có thẩm quyền, chưa lập phương án bồi thường, di dời các hộ dân gồm 150 nhân khẩu đang sinh sống trên đất.

Trước đó, năm 2008, UBND TP.HCM có quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình hiện hữu trên khu đất là 643 tỷ đồng, để làm căn cứ yêu cầu Vinafood 2 nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất.

Giai đoạn năm 2010 - 2015 Vinafood 2 không hề triển khai dự án nào trên khu đất vàng, mà sử dụng giấy tờ để thế chấp ngân hàng vay hơn 518 tỷ đồng, trả nợ cho các công ty con.

Đến năm 2015 Vinafood 2 họp HĐTV, ban hành nghị quyết, thống nhất chủ trương liên kết với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (gọi tắt la công ty Việt Hân) của đại gia Đinh Trường Chinh, để thực hiện dự án theo công năng đã được phê duyệt.

Hai bên thoả thuận cho ra đời một liên doanh là Công ty TNHH thương mại – dịch vụ - xây dựng Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn). Liên doanh này có vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Bộ NN&PTNN, Vinafood 2 đề xuất góp 20% vào dự án, 80% còn lại Công ty Việt Hân góp bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, quá trình đó Vinafood 2 “đánh lận con đen”. Cụ thể, có lúc Vinafood 2 xin chủ trương góp 20% vốn này bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng đất. Nhưng có lúc “đánh tráo” câu chữ, 20% là một phần giá trị tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất.

Đáng nói, năm 2015 tổng giá trị khu đất vàng chỉ được tính là 730 tỷ đồng.

Đến ngày 25/12/2015 Vinafood 2 đã ký bán 4 cơ sở nhà, đất nói trên cho Công ty Việt Hân. Điều kỳ lạ, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn (tức công ty liên doanh có 20% vốn của Vinafood 2), lại dùng chính tiền vốn góp điều lệ để mua và chi trả cho Vinafood 2 số tiền 570 tỷ đồng, sau khi cấn trừ 160 tỷ đồng vốn góp của Vinafood 2 vào công ty liên doanh.

Chỉ 4 ngày sau, Vinafood 2 ký hợp đồng với Công ty Việt Hân bán luôn 20% vốn góp trong công ty liên doanh, lấy 160 tỷ đồng.

Và như thế, bằng chiêu xin chủ trương hợp tác đầu tư, góp vốn thành lập liên doanh thực hiện dự án, Vinafood 2 đã bán trót lọt đất vàng công sản cho tư nhân với giá rẻ.

Nhiều lần làm trái chỉ đạo Thủ tướng

Thêm chiêu thức mua bán lòng vòng kỳ lạ xung quanh khu đất vàng này cũng được làm rõ.

Ngay sau khi được cấp giấy CNĐKKD lần 1, ngày 30/1/2016 Công ty Việt Hân bán 99% vốn góp, tương đương 792 tỷ đồng trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho một cá nhân là bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng.

Vừa được cấp giấy CNĐKKD lần 2, ngày 3/2/2016 bà Hồng bán 99% vốn góp, trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty CP Bất động sản Mùa Đông. Nhưng giá trị 99% vốn góp này bỗng dưng vài ngày tăng vọt từ 792 tỷ đồng lên 1.980 tỷ đồng. Và ngay trong ngày hôm đó, Sở KHĐT cấp giấy CNĐKKD thay đổi lần 3.

{keywords}
Các hộ dân sinh sống trên "đất vàng" khiếu kiện tập thể, kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ

Về nhân vật Hoàng Ngọc Cẩm Hồng trong giao dịch này có nhiều nghi vấn. Khi chuyển nhượng vốn góp và thủ tục đăng ký thành viên, bà Hồng dùng tư cách công dân Việt Nam. Nhưng khi khai thuế thu nhập thì bà này dùng quốc tịch nước ngoài để được áp dụng thuế suất cho cá nhân không lưu trú là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng vốn góp.

Rất nhanh, Công ty Việt Hân và Công ty Bất động sản Mùa Đông chuyển nhượng 100% vốn góp trong liên doanh, và giá hợp đồng tăng từ 1.980 tỷ đồng thành 2.250 tỷ đồng. Hai công ty sở hữu là Công ty CP Saigon Dimension chiếm 60% và Công ty Đầu tư BOB chiếm 40%.

Kết luận Thanh tra chỉ ra, quá trình Vinafood 2 xin chủ trương đầu tư dự án, thành lập liên doanh thực hiện dự án rồi bán đứt lô đất vàng, thoái vốn trong công ty liên doanh, Bộ NN&PTNN, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM… đều có những văn bản hướng dẫn. Nhưng Vinafood 2 đã không thực hiện.

Có 4 ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vụ việc này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Vinafood 2 đều làm trái các ý kiến chỉ đạo này.

Trong đó có những nội dung quang trọng như: Vinafood 2 không lập phương án sắp xếp, bồi thường, hỗ trợ di dời các hộ dân sống trên khu đất để trình cơ quan có thẩm quyền. Hay như Vinafood 2 không xây dựng phương án góp vốn, thoái vốn… trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Kết luận thanh tra chỉ ra, Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đã lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thế chấp khu đất vay hàng ngày tỷ đồng từ ngân hàng, trái quy định.

Như đã nêu ở trên, khi có giấy tờ của khu đất, Vinafood 2 thế chấp vay hơn 518 tỷ đồng, trả nợ cho các công ty con.

Sau này, Công ty Việt Hân có giấy tờ của khu đất và chứng thư xác định tài sản bảo đảm hơn 7.200 tỷ nên đã thế chấp vay của ngân hàng hơn 6.300 tỷ đồng. Khi đó, Việt Hân còn vẽ ra dự án khống, có tên là The Goldmark Preminum Tower trên chính lô đất vàng mua của Vinafood 2.

Trên cơ sở làm rõ các nội dung, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan tiến hành các bước, thủ tục pháp lý thu hồi 4 cơ sở nhà đất mà Vinafood 2 đã bán cho tư nhân.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục phát hiện nhiều lô 'đất vàng' lọt tay tư nhân

Thanh tra Chính phủ tiếp tục phát hiện nhiều lô 'đất vàng' lọt tay tư nhân

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, làm rõ vi phạm trong việc quản lý và sử dụng 12 cơ sở nhà đất có nguồn gốc đất công.

Mai Khuê