Chiều nay, tọa đàm “Làm sao đưa Việt Nam khỏi Top 20 thế giới về lây nhiễm mã độc?”

Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT ghi nhận, trong 10 tháng đầu năm 2018, có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

CNTT những năm gần đây đang ngày càng được ứng dụng vào mọi mặt đời sống xã hội. Mạng Internet đang thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, và ngày càng có nhiều thiết bị thông minh kết nối vào mạng. Những thiết bị này khi bị lây nhiễm các loại phần mềm độc hại (gọi tắt là mã độc) sẽ gây mất an toàn thông tin, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Cùng với đó, nhận thức về an toàn thông tin mạng, virus máy tính của nhiều người dùng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế đã đưa đến tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam luôn ở mức cao.

Thực tế, Việt Nam trong nhiều năm đã bị các hãng bảo mật quốc tế xếp vào nhóm nước có tỷ lệ lây nhiễm mã độc cao. Đơn cử như, năm ngoái, Symantec công bố danh sách Top 10 các nước khởi phát tấn công mạng nhiều nhất thì Việt Nam cũng có tên. Còn theo trang securelist.com, trong quý IV/2017, với 637.395 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (Botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet. Thông tin từ các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng cho biết, trong năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã có một số cuộc tấn công mạng sử dụng mã độc làm thiệt hại nghiêm trọng cho cơ quan, tổ chức ở Việt Nam.

Trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương vào cuối tháng 10/2018 đề nghị tăng cường, nâng cao năng lực về phòng chống mã độc, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cũng đã cho biết, qua theo dõi, giám sát trên không gian mạng, Cục nhận thấy tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại (mã độc) tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm.

Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, trong 10 tháng đầu năm nay, có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP ( địa chỉ các máy tính, thiết bị điện tử khác nhận diện và liên lạc với nhau trên mạng Internet - PV) của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn. Số liệu thống kê mới nhất từ các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT cho hay, chỉ riêng trong tháng 11/2018 vừa qua, có hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet). 

Ở góc độ vĩ mô, từ năm 2016, trong Quyết định 898 phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, phát tán thư rác cao trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Với mục tiêu cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 14 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là cơ quan nhà nước nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục An toàn thông tin đã chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), các doanh nghiệp an toàn thông tin nhất là doanh nghiệp làm an toàn thông tin trong nước như Viettel, VNPT, BKAV, CMC InfoSec… xây dựng và triển khai kế hoạch bóc gỡ, xử lý, khắc phục mã độc, trước hết tập trung vào các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 11/2018 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 10/12 vừa qua, với lĩnh vực An toàn, an ninh mạng, trong tháng 12 này, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược đưa Việt Nam thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng; Đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng nội địa; dự án Xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin các cuộc tấn công mạng, mối đe dọa, nguy cơ về an toàn thông tin trên mạng…

Với mục đích tạo cơ hội để đại diện các cơ quan, doanh nghiệp và người dùng trong cả nước được trao đổi, chia sẻ và nghe tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin, phòng chống mã độc tại Việt Nam, hôm nay, ngày 12/12/2018 ICTnews tổ chức tọa đàm trực tuyến “Làm sao đưa Việt Nam khỏi Top 20 thế giới về lây nhiễm mã độc?” với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT, Sở TT&TT Hà Nội và đại diện 3 doanh nghiệp nghiệp Viettel, Bkav, CMC InfoSec.

Buổi tọa đàm trực tuyến sẽ được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên ICTnews.vn. Các độc giả quan tâm đến tọa đàm có thể đặt câu hỏi và gửi về cho Ban Tổ chức theo địa chỉ [email protected] hoặc [email protected].