Lợi dụng việc bán hàng online đang nở rộ, nhiều đối tượng đã đăng tin tuyển dụng nhân viên giao hàng trên mạng xã hội. Khi có người đến xin việc, các đối tượng này yêu cầu bị hại phải đặt cọc số tiền khá lớn để làm tin, rồi mới trao hàng hóa đã hết hạn sử dụng hoặc giá trị kém hơn số tiền đặt cọc để chiếm đoạt.

Chiêu thức “đặt cọc tiền”...

Không có công ăn việc làm, với tài khoản “Kim Tuyen” và “Tuan Anh”, cặp vợ chồng Vũ Thị Kim Tuyến (SN 1996) và Ngô Anh Tuấn (SN 1993), trú tại tỉnh Hưng Yên đã vào trang mạng “Nguoi tim ship - Ship tim nguoi” đăng nội dung cần tuyển người giao hàng hóa. Thù lao cho mỗi lần chuyển hàng tùy thuộc vào giá trị hàng, cũng như thời gian, địa điểm cần chuyển.

Sau khi đăng thông tin, nhiều người lao động, nhất là học sinh, sinh viên muốn làm thêm đã liên hệ với vợ chồng Tuyến, Tuấn để nhận việc. Nhằm chiếm đoạt tiền của người chuyển hàng, cả hai yêu cầu họ phải để lại một số tiền đặt cọc lớn hơn nhiều lần so với giá trị thật của hàng hóa cần chuyển. Sau khi ứng tiền cho vợ chồng Tuấn, Tuyến, người giao hàng được các đối tượng cung cấp số điện thoại của người nhận hàng để hẹn thời gian, địa điểm giao hàng.

{keywords}

Đối tượng Tuyến bị bắt giữ

Tuy nhiên, khi người giao hàng điện thoại cho đối tác thì không thể liên lạc được... Nhiều trường hợp người giao hàng sau khi đợi mãi vẫn không gặp được người nhận hàng, quay về gặp vợ chồng Tuyến, Tuấn để lấy lại tiền đặt cọc và tiền công thì cặp vợ chồng này tìm cách bỏ trốn hoặc viện đủ lý do để không trả tiền. Với thủ đoạn này, nhiều người đã bị vợ chồng Tuấn, Tuyến lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Một trong số những bị hại của Tuyến, Tuấn là anh Phan Huy Điều, ở Hà Nội. Ngày 12-12-2015, Tuyến hẹn gặp anh Điều ở cổng chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội và giao 7kg thịt sấy khô. Lấy lý do lần đầu “hợp tác” và muốn đảm bảo chắc chắn số hàng không bị chiếm đoạt, Tuyến yêu cầu anh Điều phải để lại cho mình hơn 2 triệu đồng.

Nhận số điện thoại của khách do Tuyến đưa, sau 3 ngày cố gắng liên lạc nhưng không gặp khách, anh Điều trả lại hàng cho Tuyến và đòi tiền đặt cọc. Lúc này, vợ chồng Tuyến, Tuấn nói tiền đặt cọc đã tiêu hết, nhưng trước sự cương quyết của anh Điều , cặp vợ chồng này đã đưa cho anh Điều 1 chiếc xe máy kiểu dáng Dream để làm tin và hẹn khi nào có tiền thì trả sau.

Đề phòng “dính bẫy” hóa đơn

Trường hợp của anh Điều vẫn còn “may mắn” vì chỉ bị lừa một lần. Có những trường hợp khác đã bị ăn “quả đắng” vài lần, nhưng khi quay lại đòi tiền vẫn không lấy được một xu từ các đối tượng lừa đảo. Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy cho biết: “Vụ án này được xem là điển hình cho thủ đoạn lừa đảo chuyển hàng.

Trước đó, đã có trường hợp sinh viên bị lừa đảo bằng hình thức cầm hóa đơn vào cửa hàng để thu tiền hộ. Đối tượng ăn mặc lịch sự, điều khiển xe máy lượn lờ ở khu vực xung quanh các bến xe buýt gần trường đại học. Khi phát hiện sinh viên, học sinh có tài sản mang theo người như điện thoại đắt tiền, máy tính xách tay… chúng sẽ tìm cách tiếp cận.

Khi bị hại không cảnh giác, đối tượng đặt vấn đề đang đi thu tiền hàng và nhờ học sinh, sinh viên này vào cửa hàng gần đó lấy giúp. Để tạo niềm tin cho các bị hại, chúng đưa ra một hoặc nhiều hóa đơn có đóng dấu đỏ ghi số tiền cần thu và hứa hẹn sau khi lấy được tiền sẽ trả công hậu hĩnh. Lóa mắt trước khoản “hoa hồng” mà đối tượng đưa ra, nhiều học sinh, sinh viên đã mắc bẫy.

“Các đối tượng lừa đảo đã tính toán rất kỹ thủ đoạn cũng như lựa chọn “con mồi”. Hầu hết bị hại đều là học sinh, sinh viên cũng như người làm thuê, lao động tỉnh ngoài. Tùy từng trường hợp cụ thể mà chúng ra giá tiền đặt cọc khác nhau. Ngay như trong vụ án vợ chồng Tuyến, Tuấn lừa đảo, qua điều tra, người bị hại đều là sinh viên, người ở tỉnh ngoài về Hà Nội làm thêm. Có những trường hợp sau khi biết vợ chồng này lừa đảo đã quay lại đòi tiền còn bị các đối tượng đe dọa” - Thượng tá Nguyễn Đức Minh cho biết.

Đại diện chỉ huy CAQ Cầu Giấy khuyến cáo, xu hướng kinh doanh hàng hóa online đang rất phát triển, đem lại sự tiện dụng, thuận lợi cho cả người mua, kẻ bán. Tuy nhiên, muốn hàng hóa đến được với người mua thì phải qua một khâu trung gian là chuyển hàng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã lên mạng đăng tin tìm người làm thêm nhất là sinh viên, học sinh để lừa đảo.

Mùa hè sắp tới cũng là khoảng thời gian các học sinh, sinh viên đi làm thêm rất nhiều. Không loại trừ những đối tượng lừa đảo khác sẽ sử dụng lại thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy những người nhận việc giao hàng cần chọn lọc cơ hội làm việc, nâng cao cảnh giác kẻo tiền mất tật mang.

(Theo An ninh thủ đô)