Trong vài phiên gần đây, nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng trở lại, qua đó giúp chỉ số VN-Index trở lại vùng đỉnh cao lịch sử 1.520-1.536 điểm. Dòng vốn ngoại có những dấu hiệu tích cực và được cho là sẽ sớm trở lại với cổ phiếu Việt.
Theo SSI Research, dòng vốn ngoại cải thiện vào nửa cuối tháng 3 và sẽ sớm quay trở lại với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá. Khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân vào dòng cổ phiếu ngân hàng, hưởng lợi từ giá hàng hóa và nhóm tiềm năng khi nền kinh tế mở cửa.
Đến nay, Việt Nam đã có lộ trình rõ ràng hơn trong việc mở cửa lại nền kinh tế, bao gồm mở cửa hoàn toàn biên giới và chuyển dịch chính sách khi coi Covid-19 chỉ là “bệnh đặc hữu” thay vì “đại dịch” như trước, củng cố lại niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài.
Về mặt định giá, chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) ước tính năm 2022 của Việt Nam đang chỉ ở mức 14,1 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực và đây cũng là mức định giá tốt để đầu tư dài hạn.
Khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng được kỳ vọng sẽ sớm quay trở lại. |
Trong tháng 3, căng thẳng địa chính trị và động thái của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn trên thế giới tiếp tục tác động tới tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vào Việt Nam không nằm ngoài xu hướng. Các quỹ ETF rút ròng mạnh hồi đầu tháng, có sự cải thiện nhẹ vào cuối tháng.
Cụ thể, tổng dòng vốn ETF âm -650 tỷ đồng trong tháng 3 trong đó 4 quỹ lớn liên tục bị rút ròng bao gồm VFM VN30 (-435 tỷ), SSIAM VNFIN Lead (-200 tỷ), VanEck (-447 tỷ) và FTSE Vietnam (-130 tỷ). Ngược lại, VFM VNDiamond và Fubon là hai quỹ vẫn ghi nhận dòng tiền vào.
Dòng vốn có tín hiệu tích cực trở lại từ cuối tháng 3, đặc biệt là nhờ lực mua từ quỹ VFM VNDiamond sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF". Quỹ này bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam. Tính chung cho quý I, dòng vốn ETF vẫn ghi nhận mức vào ròng 172 tỷ đồng, chủ yếu lực mua đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.
Các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng, ở mức 588 tỷ đồng trong tháng, thấp hơn so với tháng 2 (-968 tỷ đồng), trong đó dòng tiền cũng ghi nhận tích cực trong nửa cuối tháng 3. Tính chung quý I, các quỹ chủ động rút gần 1.100 tỷ đồng, có sự cải thiện so với mức bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Tương tự, giao dịch khối ngoại bán ròng đã thực hiện bán ròng 7.700 tỷ đồng trong quý I, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng tiền đầu tư toàn cầu thận trọng
Dòng tiền vào các tài sản tài chính toàn cầu tiếp tục suy giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục. Trong tháng 3, căng thẳng địa chính trị cùng với động thái của các NHTƯ lớn và lo ngại về suy thoái kinh tế tác động tới tâm lý nhà đầu tư và mức phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính.
Theo khảo sát ở các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục tiếp tục tăng lên 5,9% từ mức 5,3% trong tháng 2, tương đương với tỷ trọng vào thời điểm tháng 2 và tháng 3 năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Dòng vốn có xu hướng giảm rút khỏi Việt Nam. |
Vốn vẫn ghi nhận vào ròng trên thị trường cổ phiếu, tuy nhiên tổng giá trị tiếp tục giảm so với tháng 2. Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu đã có sự cải thiện, nhưng vẫn giảm nhẹ do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.
Dòng vốn cổ phiếu toàn cầu mặc dù vào ròng nhưng giá trị giảm rõ rệt so với tháng trước, trên cả hai thị trường phát triển và đang phát triển. Thị trường Mỹ vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với lượng mua ròng hơn 53 tỷ USD, tăng 40% so với tháng 2 và là mức vào ròng mạnh nhất trong vòng 11 tháng qua, nhờ kỳ vọng về kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, cũng như thị trường đã điều chỉnh mạnh trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3 đã phần nào phản ánh những thông tin tiêu cực.
Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường mới nổi giảm mạnh 47,2%, xuống chỉ còn mua ròng 6,8 tỷ USD, chủ yếu do dòng tiền vào Trung Quốc giảm nhiệt. Cụ thể, lo ngại việc áp dụng chính sách ”Zero Covid” trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng nhanh sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, khiến dòng vốn vào Trung Quốc chỉ đạt 1,5 tỷ USD trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Dòng tiền cổ phiểu mua ròng tại các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu hàng nguyên vật liệu thô. Giá hàng hóa vẫn duy trì đà tăng mạnh mẽ giúp dòng tiền vẫn tiếp tục phân bổ vào các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nguyên vật liệu thô, đặc biệt là khu vực ASEAN như Indonesia hay Malaysia.
Thời gian tới, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ khó lường hơn khi nhiều lo ngại về tình trạng thị trường “gấu” đã xuất hiện trên thị trường cổ phiếu. Theo khảo sát từ Bank of American Merill Lynch trong tháng 3, khả năng suy thoái kinh tế đã trở thành rủi ro lớn thứ hai mà các nhà quản lý quỹ lo ngại, chỉ sau cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Các cuộc khủng hoảng địa chính trị có tác động mạnh mẽ nhưng tương đối ngắn hạn, trong khi đó lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ có tác động dài hạn hơn tới việc phân bổ dòng vốn vào thị trường cổ phiếu.
Trên thực tế, có tới 64% nhà quản lý quỹ trong khảo sát cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ kém đi trong vòng 12 tháng tới (tăng từ tỷ lệ 20% trong khảo sát tháng 2). Do vậy, dòng tiền vào thị trường trái phiếu có thể được cải thiện do nhu cầu phân bổ tỷ trọng vào các tài sản ít rủi ro tăng trong bối cảnh khó lường của thị trường toàn cầu.
V. Hà
Người dân gửi ngân hàng hơn trăm nghìn tỷ đồng trong một tháng
Trong khi dòng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã rút ra khỏi ngân hàng trong tháng 1, dòng tiền gửi ngân hàng của người dân có xu hướng tăng trở lại.