Nhận danh sách các ca F0 cần được hỗ trợ khám, điều trị từ phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM) chuyển sang, các chiến sĩ quân y nhanh chóng chuẩn bị thuốc men, dụng cụ thăm khám rồi lên đường.
Dưới sự dẫn đường của dân quân tự vệ, Trung tá Đỗ Trọng Huỳnh, bác sĩ quân y (Học viện Quân y) và 2 học viên quân y đã có mặt tại nhà bệnh nhân Huỳnh Văn Châu (81 tuổi) ở đường 3C, khu phố 5. Do tuổi cao nên chỉ sau 2 ngày phát hiện dương tính với Sars-Cov-2, ông Châu đã phải cần tới sự trợ giúp của bình oxy.
Các chiến sĩ quân y chạy khắp các ngõ hẻm để điều trị cho F0 |
Vừa bước vào nhà, bác sĩ Huỳnh và các đồng đội nhanh chóng tiến hành thăm khám cho ông Châu. Rất may, nồng độ oxy trong máu, huyết áp của bệnh nhân đều ổn định.
Gia đình ông Châu có 5 người thì 4 người dương tính. Sức khỏe các thành viên đều ổn định nên cả gia đình được điều trị tại nhà. Các bác sĩ tại Trung tâm y tế lưu động thường xuyên tới thăm khám, cấp phát thuốc.
Thấy các chiến sĩ quân y xuất hiện tại nhà, vợ chồng anh Võ Hạ ở đường 3B khá bất ngờ vì anh vừa gọi điện nhờ hỗ trợ chưa lâu. Cả hai vợ chồng anh đều dương tính. Dù không có triệu chứng gì bất thường nhưng do quá lo lắng nên anh đã liên hệ với Trung tâm y tế lưu động của phường nhờ tới khám.
Nhận được thông tin cần điều trị, các bác sĩ nhanh chóng có mặt tại nhà F0 |
Nhận túi thuốc từ tay chiến sĩ quân y, vợ chồng anh Hạ liên tục gửi lời cảm ơn. “Vợ chồng tôi thuê trọ, tôi cứ nghĩ mình không phải dân gốc ở đây sẽ không được quan tâm, chăm sóc như dân bản địa, không ngờ tôi vừa báo đã có các bác sĩ đến nhà khám và cho thuốc nhanh như thế này”, anh Hạ xúc động cho biết.
Trung tá Đỗ Trọng Huỳnh thăm khám cho cụ bà 79 tuổi |
Các chiến sĩ quân y tiếp tục luồn qua các con hẻm nhỏ, để đến từng nhà người bệnh. Thoáng thấy bóng dáng các anh, người dân phấn khởi gọi nhau, “bộ đội kìa, bộ đội tới kìa”.
Vợ chồng anh Võ Hạ bất ngờ khi được các bác sĩ quân y thăm khám và phát thuốc |
Dù trong danh sách chỉ có một gia đình ở đường số 8 cần thăm khám nhưng khi các bác sĩ đến, 4-5 hộ dân vội chạy tới nhờ bác sĩ tới khám cho gia đình mình. Không nề hà, các anh vui vẻ tới từng nhà, khám cho từng người. Đa số các hộ này nếu một người bị mắc thì cả gia đình 4-5 người đều bị lây nhiễm.
Các chiến sĩ trao đổi về tình trạng bệnh của F0 |
Nghe tiếng hỏi han của các chiến sĩ quân y, những người thuê trọ ở nhà 2E, đường số 7 trút được lo âu. Nhà trọ này có 15 phòng thì có tới 4 phòng với gần 20 người nhiễm bệnh. Số lượng mắc quá đông khiến người dân trọ tại đây và chủ nhà vô cùng lo lắng, phòng nào cũng đóng kín cửa.
Kín mít trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi ròng ròng, Trung tá Huỳnh và đồng đội vừa khám, vừa động viên người dân bình tĩnh, đợi cơ quan chức năng giải quyết.
Điều trị cho gần 30 F0, 12h30 tổ của trung tá Huỳnh mới quay trở về. Các anh chỉ kịp ăn tạm phần cơm, nghỉ ngơi tới 13h30 lại tiếp tục công việc.
Hết dịch mới trở về
Nghe lời kêu gọi của Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, Trung tá Huỳnh cùng nhiều đồng đội vào Sài Gòn tham gia chống dịch. Anh được phân công về Trung tâm Y tế lưu động phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Cùng với 2 học viên của Học viện Quân y, hàng ngày anh Huỳnh và đồng đội đến từng nhà bệnh nhân F0 để khám, chữa bệnh và phát thuốc.
Nhà bệnh nhân rào kín, các anh phải khám cho họ từ phía ngoài |
Dù Trung tâm Y tế lưu động phường Bình Hưng Hòa A có 2 tổ, nhưng số lượng bệnh nhân trên địa bàn quá đông, với 335 người đang được điều trị nên các bác sĩ làm việc gần như liên tục. Đêm đến, các anh còn thay phiên nhau trực cấp cứu.
Ghi tình trạng bệnh của từng bệnh nhân |
Có những hôm 2-3h sáng nhận được điện thoại của bệnh nhân kêu khó thở, các anh vội bật dậy, ôm bình oxy tới cấp cứu cho người bệnh.
“Hôm nào mà trực cấp cứu là coi như cả đêm không ngủ, sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường, anh em ai cũng mệt, nhưng vì nhân dân nên động viên nhau cố gắng”, Trung tá Huỳnh cho hay.
Năm nay mới bước vào năm thứ 4 của Học viện Quân y, nhưng hạ sĩ Trần Gia Khánh vẫn xung phong lên đường chi viện cho miền Nam. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng Khánh bắt nhịp với công việc nhanh chóng không thua kém bất kỳ đồng đội nào. Khi vào việc, Khánh thoăn thoắt đo nồng độ oxy, huyết áp, hỏi han sức khỏe một cách nhiệt tình khiến bệnh nhân và gia đình yên tâm và tin tưởng trị bệnh.
Sau giờ làm việc, các anh nghỉ ngơi trên chiếc giường dã chiến |
Ngày xung phong vào Nam, Khánh báo tin cho cha mẹ. Nhận được điện thoại của con trai, cả gia đình như “ngồi trên đống lửa”. Lúc này, Khánh động viên mọi người ở nhà yên tâm: “Khi nào chiến thắng con sẽ về”.
Thanh Phương
Cảnh sát biển gỡ rào chắn đưa F0 đi cấp cứu ở TP.HCM
Xe cấp cứu tới trước hẻm nhà bệnh nhân F0 thì mới phát hiện con hẻm đã bị rào kín, tìm lối khác không có, Trung úy Nhã và các đồng nghiệp phải gỡ rào chắn, lấy lối đưa bệnh nhân đi cấp cứu.