Một nửa số người dân Mỹ không tán thành cách điều hành công việc của ông Trump ở cương vị tổng thống. (Ông Barack Obama cũng có mức đánh giá tương tự khi còn đương chức!) Một nửa số người dân Mỹ cho rằng tổng thống quản lý kinh tế còn kém cỏi, và số người không tán thành cách quản lý đại dịch của ông còn cao hơn thế. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở ngang mức của cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930, thị trường chứng khoán sụp đổ và nợ công quốc gia đã vượt trên mức GDP hàng năm của nước Mỹ. Tính đến nay, đại dịch đã cướp đi hơn 100.000 sinh mạng.
Đảng Dân chủ vẫn đang tiếp tục khiến ông Trump điêu đứng với các cáo buộc luận tội cả mới cả cũ và nhiều vụ điều tra vô căn cứ nhằm ngăn cản ông tái đắc cử. Trước đó, phe này đã thất bại toàn tập trong chiến dịch chống lại ông bao gồm nỗ lực kéo dài 3 năm để vẽ lên một tổng thống Mỹ cấu kết với Nga hoặc là điệp viên của Nga; cuộc chiến luận tội Tổng thống với cáo buộc xung quanh vụ bê bối Ukraine liên quan đến hai cha con ông Joe Biden và Hunter Biden; những vụ kiện cáo liên quan đến việc tiếp cận hồ sơ tài chính của ông Trump (và gia đình ông), và vô số thách thức pháp lý đã bị hủy bỏ.
Quyền lực tổng thống của ông Trump phụ thuộc vào đa số với tỷ lệ sít sao – chỉ 3 ghế tại Thượng viện. Nếu đảng Cộng hoà không tiếp tục kiểm soát Thượng viện thì ông sẽ gần như bất lực trong nhiệm kỳ thứ hai. Đảng Cộng hoà của ông Trump đang phải bảo vệ 23 ghế tại Thượng việc trong kỳ bầu cử tháng 11 tới đây và thế đa số của ông chỉ là phù du.
Đáng lo ngại hơn nữa, các thượng nghị sỹ sẽ tranh cử đợt này là những người thường dễ mất tinh thần và đang ngày càng trượt xa khỏi ông Trump cũng như khỏi các chính sách của ông.
Có khoảng 5 Thượng nghị sĩ Cộng hòa thường bỏ phiếu theo phe Dân chủ, khiến thế đa số của đảng Cộng hòa gặp khó khăn trong nhiều vấn đề. Trong số những thượng nghị sỹ Cộng hoà bất đồng chính kiến phải kể đến ông Mitt Romney, người đã hai lần thất bại trong các kỳ bầu cử tổng thống trước đây.
Đảng Cộng hoà không nắm quyền đa số tại Hạ viện và họ cần chiếm được 21 ghế để giành lại quyền kiểm soát. Đảng Cộng hòa đã mất Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2018 do sự phản ứng dữ dội chống lại ông Trump.
Nhận thấy gót chân Asin của người đứng đầu nước Mỹ, các đối thủ của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Iran, Iraq, Nga, Triều Tiên và Liên minh châu Âu đang thử thách quyết tâm của ông. Chẳng hạn như việc Iran và Triều Tiên đang tăng cường các chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông chính thống đã phát động các cuộc tấn công liên tục, chưa từng có, thường là vô căn cứ để chống lại các chính sách, lợi ích kinh doanh và cá tính của ông Trump; trong khi đó lại dành mọi sự ưu ái cho chương trình nghị sự“cải tổ toàn diện nước Mỹ” của ông Biden, một chương trình không gây được gấn tượng mà chỉ khiến người ta ngộp thở; lờ đi năng lực lãnh đạo của ông Biden khi còn là Phó Tổng thống cho ông Obama; và biện minh cho hành động nhiều lần đụng chạm các bé gái và các phụ nữ tại các sự kiện công cộng của ông này.
Tình thế khó khăn cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump có lẽ là thách thức lớn nhất mà bất kỳ tổng thống nào của nước Mỹ đã phải đối mặt.
Tháng 1, Tổng thống Trump vẫn đang thực hiện chiến lược “Giữ nước Mỹ vĩ đại”. Ông nắm trong tay một nền kinh tế đến kỳ khởi sắc: tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, mức lương thực tế tăng, doanh thu doanh nghiệp và doanh thu thuế chính phủ đều ở mức cao. Y tế thậm chí không nằm trong số những vấn đề đáng lo ngại.
Hiệu suất kinh tế như vậy thực sự là một tấm vé đảm bảo cho việc ông sẽ tái đắc cử. Nhưng ngay sau đó, đại dịch Covid-19 đã phá huỷ toàn bộ nền kinh tế, khiến 40 triệu người Mỹ mất việc làm và số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa lên đến con số kỷ lục. Nước Mỹ đã phải vay tiếp 6 nghìn tỷ thêm chồng lên khoản nợ hiện tại 25 nghìn tỷ để chống đỡ nền kinh tế.
Niềm hy vọng duy nhất lúc này của ông Trump là người dân Mỹ không đổ lỗi cho ông về thảm hoạ và tin tưởng rằng chỉ ông mới có thể vực dậy nền kinh tế.
Ông Trump bắt đầu áp dụng chiến lược hai mũi nhọn từ đầu tháng 2 sau khi virus Covid-19 bắt đầu lan rộng và nền kinh tế bắt đầu ngừng hoạt động.
Ông Trump đã quyết định biến việc quản lý đại dịch của mình thành chủ đề cho chiến dịch trung tâm. Ông cho thiết lập Đội đặc nhiệm gồm những người đứng đầu cơ quan chính phủ và các chuyên gia để đưa ra các chính sách và hướng dẫn giải quyết khủng hoảng. Ông đã chọn mô hình tiếp cận “Toàn chính phủ” đầy sáng tạo.
Ông huy động quân đội tham gia quản lý tất cả mọi việc, từ mua sắm, nhân viên y tế, xây dựng bệnh viện, vận chuyển và thậm chí cả phát triển vắc-xin. Ông tạo dựng được mối quan hệ đối tác chưa từng có tiền lệ với các công ty dược phẩm, nhà sản xuất thiết bị y tế và các cửa hàng bán lẻ thuốc. Chính các thành viên của Đội đặc nhiệm cũng là những chuyên gia đầu ngành có tầm ảnh hưởng lớn đã công khai khen ngợi nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng trong các cuộc họp báo và khi họ xuất hiện trên truyền thông.
Những nỗ lực của ông Trump rất ít khi được ghi nhận. Ngoại trừ các đơn vị quân sự và doanh nghiệp tư nhân, tất cả các nơi còn lại đều đã thất bại trong việc quản lý nỗ lực chống đại dịch. Các mô hình dự báo về tử vong và nhiễm bệnh đều không chính xác, các khuyến nghị về việc đeo khẩu trang thì trước sau bất nhất, và ước tính các thiết bị y tế và giường bệnh cần thiết không có giá trị gì. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đã cho ra những bộ dụng cụ xét nghiệm vi rút đầu tiên bị lỗi vì phòng thí nghiệm của họ làm ô nhiễm bộ dụng cụ thử.
Nhân sự của các cơ quan đặc nhiệm phụ trách đại dịch đều là những người đã được bổ nhiệm dưới thời chính quyền Obama; đây là những người đã thất bại trong việc quản lý đại dịch SARS khiến 40,000 người dân Mỹ thiệt mạng. Ông Trump đã cố gắng đổ lỗi cho họ nhưng giới truyền thông không màng nhìn lại cách điều hành của ông Obama khi đó.
Ông Trump và đội đặc nhiệm tổ chức họp báo hàng ngày trong suốt hơn hai tháng. Thay vì được ghi nhận cho sự minh bạch và trách nhiệm, ông lại bị chỉ trích là đã biến các cuộc họp báo này thành sự kiện vận động tranh cử cho mình. Các phóng viên thì cố tận dụng các cuộc họp này để làm mất mặt tổng thống. Như vậy, phần chủ chốt này của chiến lược tranh cử đã trở thành phản tác dụng.
Ông Trump quyết định giảm nhẹ trọng tâm đại dịch và tập trung nhiều hơn vào việc mở cửa lại nền kinh tế. Ông thành lập Nhóm cố vấn quốc gia gồm các CEO hàng đầu, đại diện cho từng lĩnh vực kinh tế. Gần như tất cả các tên tuổi lớn trong kinh doanh đều tham gia, khiến sáng kiến này nhận được nhiều lời khen ngợi.
Ông Trump đã gây áp lực lên các thống đốc tiểu bang và các thị trưởng để mở lại nền kinh tế nhằm ngăn chặn một cuộc tàn sát kinh tế. Kế hoạch của ông là khuyến khích các tiểu bang chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trở lại tuỳ theo tình hình của bang mình. Khẩu hiệu mới “Chuyển tiếp lên vĩ đại” đã được ông đưa ra để thúc đẩy sáng kiến của mình.
Ngay lập tức, các tiểu bang do các thống đốc Cộng hòa lãnh đạo bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại trong khi các tiểu bang của phe Dân chủ vẫn đóng. Đảng Cộng hòa bị cáo buộc là sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ tử vong cao để đổi lấy sự phục hồi kinh tế; trong khi đảng Dân chủ bị buộc tội đặt y tế lên trước kinh tế. Ông Trump đã góp thêm vào sự bế tắc này khi nói rằng sau khi kết thúc đại dịch, nước Mỹ còn phải chứng kiến số lượng lớn người tử vong vì tự tử, nghiện rượu và lạm dụng thuốc phiện do thất nghiệp.
Các phương tiện truyền thông chủ yếu đứng về phía đảng Dân chủ, cho rằng ông Trump đã quản lý yếu kém đại dịch từ đầu đến nay. Họ đổ lỗi cho ông Trump, cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về con số tử vong cao như vậy. Truyền thông cũng cho rằng những nỗ lực vội vàng để mở lại nền kinh tế nhà nước cũng dẫn đến những cái chết không cần thiết.
Sáng kiến mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đã bị chính trị hóa một cách vô vọng, làm nhụt chí chiến lược tái tranh cử của ông.
Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy
Thiết kế: Trần Hằng - Ảnh: AP, Reuters
Kỳ 2: Trump-Biden tranh cử: Người ngoài phố, người trong Zoom
Ông Trump vẫn tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử như thể không có đại dịch. Trong khi đó, ông Biden ở trong nhà suốt ba tháng từ khi bắt đầu đại dịch...