LTS: Dấu ấn nổi bật trong thời gian Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là việc đề xuất kế hoạch xây dựng Quân đội tinh, gọn, tiến lên hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và cắt giảm quân số để tập trung phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế lúc bấy giờ mà vẫn bảo đảm sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ba giai đoạn, ba cuộc điều chỉnh quan trọng

Khởi đầu từ “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”, phát triển thành “Việt Nam giải phóng quân” làm nòng cốt cho khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu. Các đơn vị chủ lực quan trọng được thành lập, đặt dưới sự chỉ huy của Tổng quân ủy, với các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần, các đơn vị chủ lực, địa phương...

Qua thời gian ngắn, quân đội ta đã có sự trưởng thành thần kỳ, lập nên chiến công lẫy lừng Điện Biên Phủ, giành được độc lập và hòa bình trên nửa nước. Sau năm 1954, trực tiếp đối đầu với quân đội Mỹ hùng hậu, thiện chiến và có sức mạnh số một thế giới, quân đội ta đã hội tụ toàn diện cả tiềm lực chính trị lẫn quân sự để chiến thắng quân đội Mỹ cùng bộ máy quân đội Sài Gòn, từng được đánh giá xếp hạng thứ 4 thế giới.

{keywords}
Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ảnh: TTXVN

Sau chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, quân đội Việt Nam trở thành một đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới, cùng nhiều vũ khí trang bị do Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ, cùng số lượng lớn vũ khí, khí tài thu được của quân đội Mỹ và VNCH. Khói súng còn chưa tan, quân đội chưa kịp tổ chức lại lực lượng cho phù hợp điều kiện thời bình thì lại phải bước vào hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Phải sau đó một thập kỷ, thời điểm năm 1986-1990, khi đất nước đã có hòa bình thực sự; yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ là xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với đội quân hùng mạnh hơn một triệu quân như vậy? Làm thế nào để vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vừa dành phần lớn nguồn lực để xây dựng, phục hồi kinh tế đất nước, đồng thời thể hiện chính sách “Việt Nam chỉ muốn hòa bình, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, không xâm hại ai, chỉ tự bảo vệ mình”.

Đảng, Nhà nước đã đưa ra một quyết định tối hệ trọng là tổ chức lại quân đội, giảm một nửa quân số xuống còn hơn 50 vạn; tập trung xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh và từng bước tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc nhưng không là gánh nặng cho nền kinh tế.

Toàn bộ khối lượng công việc to lớn đó chỉ được thực hiện trong vỏn vẹn vài năm, nhưng đã đạt được yêu cầu trọn vẹn, và cho đến nay, đội quân ấy đã trở nên tinh gọn hơn, hùng mạnh hơn, vẫn đang vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia lao động sản xuất xây dựng đất nước.

Thời điểm đó, Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó là Chủ tịch nước, Phó bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Bản chất cách mạng - điều không thể thay đổi

Bản chất cách mạng của quân đội là vấn đề mà Đại tướng Lê Đức Anh quan tâm hàng đầu. Là tướng trận chỉ huy quân sự, cả đời ở chiến trường, trực tiếp đối mặt với hòn tên mũi đạn, nhưng ông luôn đặc biệt coi trọng bảo vệ nền tảng chính trị, hệ thống chính trị của quân đội; lấy thắng lợi về chính trị làm mục tiêu, lấy công tác bảo vệ đường lối, tổ chức và nhiệm vụ của Đảng làm nguyên tắc, kế đến mới là các nhiệm vụ quân sự, chuyên môn.

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ngày 29/7/2013

Có một câu chuyện ít người nhắc tới, đó là khi Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh dứt khoát không chấp nhận bỏ chế độ Đảng ủy trong quân đội.

Thời điểm 1982-1983, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 07 về việc tổ chức lại quân đội theo hình mẫu của Liên Xô. Theo đó, quân đội sẽ không tổ chức Đảng ủy quân sự các cấp, thay vào đó là Hội đồng Quân sự, Hội đồng chính trị.

Trước chủ trương này, vị Tư lệnh chiến trường Campuchia rất thận trọng, chưa triển khai, vì việc thay đổi cơ cấu này chắc chắn sẽ không mang lại thắng lợi trên chiến trường.

Ở Hà Nội lúc bấy giờ có những người không đồng tình, thậm chí khi cố vấn Liên Xô trực tiếp bay sang Campuchia để gặp và thuyết phục Tư lệnh Mặt trận 719, ông chỉ lắng nghe và trả lời ngắn gọn, rằng sẽ báo cáo với Bộ Chính trị Việt Nam, rồi mời vị cố vấn nước bạn quay về, với lý do “tình hình ở bên này không được an toàn, mời đồng chí về Hà Nội”.

Ngay sau đó, ông Sáu Nam điện báo cáo Bộ Chính trị xin “chậm” việc thực hiện chế độ mới, trước mắt trong 3 năm. Ba năm đó cũng là giai đoạn mang tính bản lề trong cuộc chiến quyết liệt ở Campuchia, đối đầu với lực lượng 3 phái phản động, được nhiều nước lớn chống lưng. Chúng ta đã ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, giúp cách mạng Campuchia hồi phục và đứng vững. Những thắng lợi đó không thể thiếu sự đóng góp mang tính quyết định của các cấp ủy Đảng đối với đội quân chiến đấu trên chiến trường, từ Đảng ủy cao nhất đến từng chi bộ.

Sau này, khi tôi hỏi ông: “Sao hồi ấy chú lại xin chậm 3 năm?”, câu trả lời của ông Sáu thật bất ngờ: “Chú tin là Nghị quyết đó không tồn tại quá 3 năm. Quân đội ta là đội quân của Đảng, do Đảng lãnh đạo, toàn bộ hệ thống tổ chức của quân đội vận hành trơn tru qua các cuộc chiến tranh như thế rồi. Nếu không còn bộ máy tổ chức Đảng, không còn cơ chế lãnh đạo của Đảng thì đánh gì, đụng việc gì sẽ hư việc đó, trước sau cũng phải sửa thôi!”.

 

Tham khảo thêm
Đại tướng Lê Đức Anh và hành trình tới hòa bình toàn vẹn

Bài 3: Đại tướng Lê Đức Anh và hành trình tới hòa bình toàn vẹn

Đại tướng Lê Đức Anh đặt ra câu hỏi về những biến động của Liên Xô và phe XHCN. Ông kiến nghị Bộ Chính trị về việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để xóa cấm vận của Mỹ.

Và đúng như thế, chỉ chưa đầy 2 năm sau, chúng ta đã bãi bỏ Nghị quyết 07 và thực hiện Nghị quyết 05. Khi đó ông Sáu chỉ im lặng, nhưng ai cũng hiểu ông đã đúng.

 

Một câu chuyện khác diễn ra vào thời điểm năm 1982 khi tình hình biên giới phía Bắc còn rất căng thẳng, Thượng tướng Lê Đức Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, tham dự một hội nghị ở Đà Lạt.

Tại cuộc họp quan trọng đó, một vị cán bộ khi nói về định hướng quan hệ với Trung Quốc đưa ra ý kiến đó là “kẻ thù truyền kiếp, lâu dài”, trước đây cơ chế lãnh đạo của Đảng với quân đội là học theo Trung Quốc, dựa theo “mô hình Maoist”, bây giờ cần bỏ đi.

Sau cuộc họp đó, ông Sáu nói với cán bộ cấp dưới: “Nếu xác định đối đầu lâu dài với Trung Quốc, mình đánh mấy nghìn năm rồi, bây giờ còn đánh thêm bao nhiêu năm nữa? Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì phải đánh đến cùng, nhưng khi đã có toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ rồi thì phải tìm cách hợp lý nhất để có được sự hòa thuận, hòa bình. Một việc khác nữa, đó là ta học được ở họ những điều tốt, điều hay thì không thể đơn giản cứ thù ghét thì bỏ đi ngay được!”.

Trên mọi cương vị công tác của mình, cũng như lúc về nghỉ, khi gặp cán bộ cấp dưới hay con cháu về thăm, ông Sáu vẫn luôn căn dặn về bản chất giai cấp của Đảng. Đại tướng vô cùng khắt khe khi nói về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với quân đội, bảo vệ tính nguyên tắc trong mọi công việc, luôn đặt sự chỉ huy dưới sự lãnh đạo của Đảng kể cả về tổ chức, nội dung.

Ông từng nói: “Sai gì cũng được nhưng đừng sai nguyên tắc!”. Khi được hỏi lại: “Thưa chú, nguyên tắc ở đây cần được hiểu là gì?”; câu trả lời rất rõ ràng: “Nguyên tắc trước tiên là lợi ích quốc gia, dân tộc và chủ nghĩa xã hội!”.

Với nhận thức như vậy, trong quá trình đổi mới quân đội, Đại tướng Lê Đức Anh đặc biệt coi trọng hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội, vai trò Đảng ủy quân sự Trung ương, đảng ủy các đơn vị chủ lực, các quân khu, tỉnh thành… Trong thời gian này, khi thành lập những đơn vị mới, việc trước tiên là hình thành cấp ủy Đảng rồi mới xây dựng tổ chức hành chính quân sự, còn nếu giải thể một đơn vị thì cũng phải tính toán trước thật kỹ về sinh hoạt Đảng, rồi mới đến các mặt công tác khác.

Tổ chức lại quân đội tinh, gọn, mạnh

Ngày hôm nay chúng ta vẫn luôn nói về định hướng xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.., chủ trương ấy đã xuất hiện từ năm 1988, thời điểm Đại tướng Lê Đức Anh giữ trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng.

Đại tướng có câu nói rất đơn giản, dễ hiểu: “Quân đội muốn mạnh, muốn hiện đại thì phải tinh, gọn”. Để điều chỉnh quân số từ hơn 1 triệu xuống còn một nửa, trước hết phải xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc vững chắc, cùng một quyết tâm chính trị tuyệt đối vững vàng.

Theo định hướng này, ông đã điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược, bao gồm phía Bắc, phía Nam và Tây Nam, Tây Nguyên, xác định vị trí đứng chân của các binh đoàn chủ lực, kết hợp chặt chẽ với thế trận phòng thủ biển đảo. Việc điều chỉnh được thực hiện bài bản, toàn diện để đảm bảo đất nước không bị bất ngờ và không bị động khi có chiến tranh xảy ra.  Sau 30 năm triển khai thực hiện, đến ngày hôm nay chủ trương này về cơ bản vẫn không có gì thay đổi và thể hiện tính ưu việt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của quân đội ta.

{keywords}
Từ trái sang: Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng và Thượng tá Phạm Sỹ Ta - Đảo trưởng, thị sát đảo Trường Sa Lớn tháng 5/1988

Nói về tầm vóc quân sự Lê Đức Anh, không thể không nhấn mạnh vai trò của ông trong xây dựng thế trận biển đảo. Ngay sau thời điểm diễn ra sự kiện Trường Sa tháng 3/1988, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh (cũng là lãnh đạo cao nhất đến thời điểm đó) lập tức thân chinh ra Trường Sa, cùng với lời thề giữ biển đảo vang vọng núi sông.

Không ai khác, mà chính ông đã đề ra chiến lược củng cố tăng cường các vị trí đóng quân ở Trường Sa, xây dựng hệ thống nhà giàn DK... Rõ ràng từ năm 1988 đến nay chúng ta đã có những bước đi mà hàng nghìn năm trước ông cha ta chưa làm được, để củng cố chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Một dấu ấn của giai đoạn 1986 - 1995 là sự ra đời của các sư đoàn cơ động chiến lược, các sư đoàn bộ binh mang vác “đặc sản Việt Nam”, các quân binh chủng hiện đại, lực lượng tình báo quốc phòng vững mạnh... Từ đầu những năm 1990, lần đầu tiên Việt Nam đã tự mua máy bay tiêm kích SU27, đội tàu chiến của Nga…, cùng nhiều vũ khí hiện đại khác.

Theo quan điểm của người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Việt Nam không mua vũ khí, trang bị cũ, lạc hậu mà phải đặt hàng thiết bị mới, thậm chí thiết kế sản xuất dành riêng cho Việt Nam. Bên cạnh đó là xây dựng các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng với phương châm độc lập, tự chủ - trước tiên là bảo dưỡng vũ khí, khí tài sẵn có; từng bước tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các loại vũ khí phù hợp với cách đánh của Việt Nam, đạt hiệu quả chiến đấu cao hơn, gọn nhẹ hơn, đa năng hơn...

Có được những bước tiến vượt bậc đó, một phần quan trọng là nhờ sự tích lũy nguồn lực từ việc điều chỉnh chiến lược quốc phòng mà Đại tướng Lê Đức Anh là người đặt nền móng. 

Một điểm nhấn nữa là việc hình thành các binh đoàn làm kinh tế tại các địa bàn trọng điểm, hiểm yếu. Thời bình, những đơn vị đó “cất súng vào kho”, cầm cuốc, cầm cày cùng người dân lao động sản xuất. Dù đóng ở vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn duy trì tổ chức Đảng, hệ thống tham mưu, chỉ huy, thông tin liên lạc sẵn sàng chiến đấu, vẫn tổ chức huấn luyện hàng năm theo đúng yêu tác chiến.

Khi có tình huống chỉ cần mở kho, cầm vũ khí lên đường là chúng ta sẽ có thêm hàng chục sư đoàn tại các vùng hiểm yếu của đất nước, không chỉ giúp giảm gánh nặng nuôi quân mà có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân ở các địa phương còn đặc biệt khó khăn.

Định hướng quan trọng trong việc đổi mới quân đội còn là việc xây dựng lực lượng dự bị động viên, lý do rất đơn giản mà Đại tướng đưa ra là “giảm quân thường trực thì phải tăng dự bị”, cả số lượng và chất lượng. Đây là việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của quân đội. Vì vậy ông đã đề xuất tổ chức “Ngày hội quốc phòng toàn dân” (năm 1989).

Xây dựng môi trường hòa bình

Cùng với việc xây dựng quân đội, Đại tướng Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng môi trường hòa bình cho đất nước. Điển hình như trong vấn đề phân giới, cắm mốc với Lào, Campuchia và Trung Quốc, ông đều tham gia ở vai trò quan trọng.

Là Bộ trưởng Quốc phòng, ông quyết không đồng ý việc cho tàu ngầm, máy bay, tàu chiến mang vũ khí hạt nhân của nước ngoài vào quân cảng Cam Ranh, để tránh làm phức tạp tình hình. Sau này, khi LB Nga rút khỏi Cam Ranh, chính Đại tướng cũng kiên quyết quan điểm không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, khi nói rằng: “Họ đến họ giúp mình thì chưa biết được bao nhiêu, nhưng mình sẽ thành đối tượng của nước lớn khác. Đừng bao giờ để mình vì quan hệ với nước này mà trở thành kẻ thù với nước khác!”.

{keywords}
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng kiểm tra tình hình tại quân cảng Cam Ranh, tháng 6/1987

Để bảo vệ hòa bình của đất nước, phải chú trọng công tác đối ngoại. Trước đây quan hệ đối ngoại quốc phòng chỉ thuần túy là đấu tranh ngoại giao với kẻ thù và “nhận viện trợ” từ các nước XHCN. Từ 1986, đối ngoại quốc phòng thực sự là “quan hệ bình đẳng cùng có lợi” với tất cả các quốc gia.

Ông nói: “Tiền của ta ít, sức mạnh quân sự chưa phải là lớn, nhưng chúng ta có thế mạnh về chính trị. Đó là thế mạnh từ chiến thắng trong lịch sử, với tâm thế đối thoại thẳng thắn với nước lớn”.  Cũng vì thế Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo hoạt động đối ngoại quốc phòng, vận dụng khéo léo, linh hoạt trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Ông cũng đặc biệt chú trọng mối quan hệ “rường cột” với Lào và Campuchia. Để quan hệ hợp tác thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trước hết phải giữ vững chủ quyền và lợi ích của ta, nhưng cũng đồng thời phải tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn.

Đại tướng thường dặn dò cấp dưới: “Quên lợi ích của mình là sai, mà hi sinh lợi ích của bạn cũng không được”. Trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đối ngoại quốc phòng được đặc biệt chú trọng và có bước phát triển vượt bậc, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ đó cho đến nay.

Những chính sách đi vào lòng người

Để xây dựng, đổi mới quân đội, phải có những chính sách phù hợp, thậm chí đột phá, đó là thành quả của Đại tướng Lê Đức Anh khiến nhiều người khâm phục. Khi báo cáo Bộ Chính trị về việc giảm quân số thường trực, ông đề nghị ba vấn đề. Trước tiên, muốn “giảm quân” thì phải giảm ngân sách, phải “giảm tướng”, cũng đồng nghĩa với “giảm quyền lợi”. Muốn thực hiện được thì quân đội phải được Bộ Chính trị ủng hộ rất mạnh mẽ và nhất quán thì mới thành công. 

Giảm quân, phải tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn cán bộ chiến sỹ phục viên. Đại tướng Lê Đức Anh đề nghị dành toàn bộ chỉ tiêu xuất khẩu lao động đi các nước XHCN giai đoạn 1988 - 1990 cho quân đội. Chính người viết bài này từng chứng kiến các đơn vị bộ đội từ chiến trường Campuchia hay phía Bắc, khi lui về tuyến sau liền được phát quần áo tư trang mới, chưa kịp về thăm nhà đã lên máy bay sang nước bạn tham gia lao động hợp tác.  

Đại tướng Lê Đức Anh cũng là người đề ra chủ trương về chăm lo đời sống và hậu phương quân đội, nhà ở cho sỹ quan, sau này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 47 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Nhờ có chủ trương này, hàng vạn gia đình cán bộ đã có chỗ ở đoàn tụ, ổn định cuộc sống, đời sống cán bộ được nâng cao, phù hợp với chính sách ưu đãi của Đảng đối với người có công với cách mạng, quân đội. Bên cạnh một số khu vực đất quốc phòng cần thiết làm doanh trại, trường bắn, kho xưởng v.v… thì giao phần lớn cho Nhà nước và các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Những điều Đại tướng Lê Đức Anh làm từ hơn 30 năm trước đã tạo nên những tiền đề to lớn cho chúng ta hôm nay để tiếp tục xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh và tiến lên hiện đại. Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh trong việc xây dựng và phát triển quân đội thực sự là tài sản quý báu mà thế hệ sau cần gìn giữ, phát huy.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng bảo vệ chế độ

Bài 4: Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng bảo vệ chế độ

Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị, BCH TƯ, Đảng ủy Quân sự TƯ đứng ở đầu sóng ngọn gió, bảo vệ thành công chế độ XHCN, vạch ra bước đi ban đầu cho một nước Việt Nam XHCN khi không còn Liên Xô…