Để trẻ tự quyết định nhiều hơn
Việc trẻ bước vào tuổi thiếu niên không có nghĩa là phụ huynh nên dừng can thiệp khi con mình có vấn đề về an toàn. Tuy nhiên, cha mẹ nên để con mình tự quyết định nhiều hơn, ngay cả khi đó có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Phụ huynh chỉ cần đảm bảo luôn ở đó với sự hỗ trợ và đồng cảm khi cần thiết.
Tiến sĩ Katharine Reynolds - nhà tâm lý học tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado và giáo sư trợ lý tâm thần học tại Trường Đại học Colorado (Mỹ) cho biết: “Việc có kỳ vọng, đưa ra khen ngợi và hậu quả nhất quán rất quan trọng đối với thiếu niên. Đồng thời, điều đó quan trọng với tất cả trẻ em trong suốt quá trình phát triển”.
Trong khi đó, tiến sĩ Caroline Fulton - nhà tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên tại Bệnh viện DuPage, Trung tâm Y học Tây Bắc ở Winfield, Illinois cho biết: “Thanh thiếu niên khá tập trung và bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ xã hội với bạn bè”. Mong muốn có quyền tự chủ cao cũng đi đôi với sự quan tâm ngày càng tăng của trẻ đối với bạn bè và thế giới bên ngoài gia đình.
Tiến sĩ Fulton giải thích, thanh thiếu niên muốn kiểm tra giới hạn về sự độc lập của họ. Vì vậy, cha mẹ không nên ngạc nhiên khi con mình tranh cãi lúc phụ huynh từ chối gì đó. Thường xuyên vi phạm giờ giới nghiêm, lẻn ra ngoài và phạm những sai lầm khác cũng là hành vi phổ biến của thanh thiếu niên. Trẻ ở tuổi này cũng thường xảy ra mâu thuẫn với cha mẹ. Trẻ có thể yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ, nhưng sẵn sàng tuyên bố không cần chỉ một phút sau đó.
Hành vi điển hình của thanh thiếu niên thay đổi khá nhiều. Song, những hành vi phổ biến có thể bao gồm việc trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng và thiếu ngủ hơn người lớn. Bộ não của thiếu niên vẫn đang phát triển. Vì vậy, trẻ ở tuổi này dễ thay đổi cảm xúc, bốc đồng và chấp nhận rủi ro.
Thiếu niên có thể cư xử chín chắn hơn trong một số khía cạnh của cuộc sống, nhưng vẫn là trẻ em. Bên cạnh đó, thiếu niên có thể ít quan tâm hơn đến thời gian dành cho gia đình. Thay vào đó, trẻ sẽ muốn dành nhiều thời gian hơn để quan tâm đến ngoại hình và khám phá việc hẹn hò.
Việc để trẻ suy nghĩ trong phòng là một cách làm hiệu quả. |
Thử thách thường gặp ở thiếu niên
Nhiều sự thay đổi, đôi khi hỗn loạn của tuổi thiếu niên là một phần bình thường trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ sẽ khó đạt được sự cân bằng để trẻ có đủ tự do, trong khi vẫn cung cấp cho con nhiều hướng dẫn. Tuy nhiên, trong khi mục tiêu là phát triển quyền tự chủ của trẻ, thì điều quan trọng là phải để ý đến các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong đó, bao gồm: Căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực, các mối quan hệ không lành mạnh như bắt nạt hoặc lạm dụng, vấn đề về giấc ngủ và sử dụng ma túy.
Tiến sĩ Fulton cho biết, thông thường, thiếu niên có ý thức về bản thân, nên rất nhạy cảm với những lời chỉ trích. Lứa tuổi này cũng dễ đặt câu hỏi về việc mình là ai và muốn trở thành ai. Tiến sĩ Fulton gợi ý: “Các cha mẹ nên cố gắng tạo cho con mình không gian để thể hiện bản thân. Đồng thời, đảm bảo rằng, chúng đang đáp ứng các trách nhiệm cơ bản và cư xử một cách an toàn”.
Tuy nhiên, nhiều thiếu niên muốn có sự tự do nhiều hơn mức được phép. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ vi phạm các quy tắc, hoặc muốn có giờ giới nghiêm muộn hơn. Trẻ cũng muốn có quyền truy cập không giới hạn vào các thiết bị điện tử, hoặc sở hữu một chiếc điện thoại mới. Thiếu niên có thể phàn nàn rằng, cha mẹ đang kiểm soát quá mức hoặc không hiểu con. Điều đó dẫn đến tình trạng nói dối để thoát khỏi rắc rối.
Thiếu niên có thể thử nghiệm những sở thích và kiểu ăn mặc khác nhau để thể hiện bản thân theo cách mới. Trẻ có thể nóng nảy, trợn mắt hoặc cãi lại cha mẹ. Lứa tuổi này cũng có thể gặp rắc rối trong các mối quan hệ, bạn bè và vấn đề liên quan đến trường học.
Theo Tiến sĩ Reynolds, thực tế, thay vì trừng phạt, hậu quả là một cách hiệu quả để tác động đến hành vi của trẻ. Đồng thời, dạy trẻ nhiều kỹ năng. Khi kỷ luật thiếu niên, điều quan trọng là phụ huynh phải kiên quyết và nhất quán, nhưng cũng cần công bằng, hợp lý. Trẻ đủ lớn để hiểu khi nào hậu quả phù hợp với hành vi. Chúng sẽ hợp tác hơn khi biết rằng, cha mẹ không chỉ cố gắng sử dụng quyền lực lên trẻ.
Các hình phạt dành cho thiếu niên cần liên quan đến hành vi vi phạm và có mục đích dạy dỗ, thay vì chế giễu. Điều quan trọng là phụ huynh phải linh hoạt và sẵn sàng suy nghĩ lại về giới hạn của mình khi con dần trưởng thành. Cha mẹ cũng nên thay đổi thành một mối quan hệ hợp tác hơn. Trong đó, phụ huynh vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều thiếu niên có thể thực sự hạnh phúc nếu được dành thời gian trong phòng riêng. Đó là một giải pháp để trẻ bình tĩnh lại, trong khi có không gian. Các chuyên gia đã gợi ý một số chiến lược kỷ luật hiệu quả nhất dành cho thiếu niên.
Thiếu niên thường muốn dành nhiều thời gian hơn bên bạn bè. |
Đối thoại mở
Nền tảng của kỷ luật hiệu quả là có sự giao tiếp cởi mở, tin tưởng cũng như tôn trọng giữa cha mẹ và con. Nếu cha mẹ trò chuyện thường xuyên, không phán xét, lắng nghe, trẻ sẽ có xu hướng muốn nói chuyện với phụ huynh khi gặp vấn đề.
Tiến sĩ Reynolds giải thích: “Các cuộc trò chuyện chủ động về những chủ đề này rất hữu ích. Từ đó, chuẩn bị cho trẻ khi sự độc lập trong cuộc sống. Nếu cha mẹ giao tiếp tích cực, trẻ sẽ có nhiều khả năng phản ứng một cách hợp tác với các biện pháp kỷ luật của phụ huynh”.
Mặc dù thiếu niên ngày càng độc lập, nhưng việc được ghi nhận thành tích và nỗ lực là rất quan trọng. Theo tiến sĩ Reynolds, làm nổi bật những thành tích và thành công của trẻ bằng lời khen hoặc phần thưởng là một chiến lược quan trọng. Từ đó, giúp phát triển và duy trì các hành vi tích cực ở trẻ. Bởi, phản hồi này nhằm hướng tới việc khuyến khích hành vi tích cực ở thiếu niên.
Nhất quán nội quy
Tiến sĩ Reynolds gợi ý, giống như đối với trẻ nhỏ, các gia đình nên phát triển và duy trì một bộ “nội quy” có liên quan đến hậu quả. Chẳng hạn, thiếu niên sẽ mất đặc quyền làm điều gì đó nếu vi phạm. Điều quan trọng là thiết lập các quy tắc và hậu quả trước khi trẻ vi phạm để mọi người biết điều gì sẽ xảy ra.
Tiến sĩ Fulton cho rằng, cần có những quy tắc rõ ràng, nhưng đơn giản và hợp lý. Ngoài ra, cha mẹ cần giải thích cho con tại sao quy tắc lại quan trọng. Đồng thời, hãy cân nhắc cùng con tạo ra các quy tắc trong nhà. “Điều này không có nghĩa là để trẻ một mình đưa ra các quy tắc.
Song, cha mẹ có thể ngạc nhiên khi thấy con mình có thể tư duy khá hợp lý. Trẻ cũng có nhiều khả năng tiếp thu và tuân theo kỳ vọng nếu được tham gia vào việc tạo ra nội quy”, Tiến sĩ Fulton chia sẻ.
“Thắt chặt” quy tắc
Tiến sĩ Reynolds giải thích, nếu trẻ vi phạm, phụ huynh cần thắt chặt các quy tắc bằng cách đưa ra giờ giới nghiêm sớm hơn, hoặc giảm thời gian con sử dụng thiết bị điện tử. Từ điện thoại thông minh đến máy tính xách tay, thời gian sử dụng màn hình rất quan trọng đối với hầu hết thiếu niên. Hạn chế các đặc quyền sử dụng điện thoại của trẻ có thể là một biện pháp hiệu quả. Chỉ cần chắc chắn rằng, hình phạt này có giới hạn thời gian. Thông thường, 24 giờ là đủ dài để gửi một thông điệp rõ ràng đến trẻ.
Nếu hành vi sai trái của thiếu niên liên quan đến bạn bè, trước tiên, cha mẹ hãy thảo luận về hành động đó. Sau đó, điều chỉnh các đặc quyền xã hội của trẻ. Ví dụ, trẻ sẽ phải tạm dừng đi chơi với bạn bè. Thay vào đó, trẻ phải ở nhà để thảo luận về hành vi của mình.
Theo Tiến sĩ Reynolds, thông thường, bước vào tuổi thiếu niên, trẻ sẽ muốn độc lập và riêng tư hơn. Đồng thời, trẻ ngày càng tập trung vào đời sống xã hội của chúng. Trẻ có thể muốn giữ các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội của mình ở chế độ riêng tư và dành nhiều thời gian hơn trong phòng riêng. Với thanh thiếu niên đang ở giai đoạn cuối của tuổi dậy thì, sự quan tâm đối với mối quan hệ lãng mạn cũng sẽ tăng.
Theo GD&TĐ