Khởi đầu và thành công nhờ máy tính
Năm 1976, hai cửa nhân khoa học máy tính Stanford là Daniel Borel và Pierluigi Zappacosta gặp nhau và trở thành bạn bè. Kết thúc khóa học, cả hai phát triển hệ thống xử lý văn bản và dành 4 năm để gọi vốn. Không lâu sau, họ có thêm sự giúp sức của Giacomo Marini, bạn thân của Zappacosta.
Nhờ nhận được hợp đồng 4 tháng của hãng điện tử Ricoh (Nhật Bản), ba người có tiền để thành lập Logitech (tên ban đầu Softech) vào ngày 2/10/1981. Logitech phụ trách phần lớn hoạt động phát triển phần mềm cho Ricoh. Trong lúc này, chuột máy tính xuất hiện và thu hút sự chú ý của cả nhóm.
Biết được Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ đang phát triển chuột máy tính, Logitech đã hợp tác và đưa con chuột ra khỏi phòng thí nghiệm. Năm 1982, công ty giới thiệu phần cứng đầu tay, chuột P4.
Mùa thu năm đó, chuột P4 được mang đi tiếp thị tại triển lãm thương mại Comdex. Nửa sau năm 1983, Logitech bắt đầu bán chuột cho nhiều khách hàng lớn hơn, trong đó có HP với sản lượng 25.000 đơn vị mỗi năm. Để tiếp tục tăng trưởng và nâng tỷ suất lợi nhuận, Logitech quyết định mở nhà máy tại Đài Loan vào năm 1986.
Bên cạnh hoạt động OEM, Logitech cũng hướng mắt đến thị trường bán lẻ chuột máy tính tiềm năng. Do không có kinh nghiệm bán lẻ, công ty muốn hợp tác với Microsoft để bán chuột kèm phần mềm nhưng không thành công. Do đó, hãng tự thân vận động bằng mẫu chuột Logitech C7. Dù nguồn lực tiếp thị hạn chế, C7 vẫn bán được 800 đơn vị trong tháng đầu tiên, tháng 12/1985.
Tháng 7/1988, Logitech lên sàn chứng khoán. Nhờ cân bằng giữa hoạt động OEM và bán lẻ cùng sự hiện diện trên toàn cầu, công ty niêm yết thành công trên sàn giao dịch Thụy Sỹ.
Trên hành trình hàng chục năm tồn tại của mình, Logitech cũng đối mặt với nhiều nguy cơ và đối thủ trong thị trường chuột máy tính. Doanh nghiệp đưa ra hai thay đổi quan trọng: củng cố sản xuất tại Trung Quốc và xác định cơ hội lớn hơn trên thị trường thiết bị ngoại vi, không chỉ dừng lại ở chuột.
Từ năm 1988, Logitech giới thiệu một số phần cứng mới như máy quét cầm tay, máy ảnh kỹ thuật số, microphone/loa, joystick… Công ty cũng không ngừng đổi mới chuột máy tính với những công nghệ và thiết kế mới, tiện dụng hơn như chuột không dây. Nhờ đó, tháng 4/1996, Logitech chính thức trở thành nhà sản xuất chuột máy tính lớn nhất thế giới. Nhận diện thương hiệu bùng nổ, người dùng đã quen với các sản phẩm của Logitech.
Bước ngoặt đến với Logitech vào tháng 2/1998, khi ông Borel – nhà sáng lập giữ chức Chủ tịch kiêm CEO từ năm 1992 – mời Guerino De Luca về làm CEO. Với thâm niên làm tại Apple, ông mang đến triết lý sản phẩm lấy thiết kế hiện đại làm gốc. Dưới sự lãnh đạo của ông, kết quả kinh doanh Logitech tăng trưởng ổn định và thường vượt dự báo thị trường. Có thời điểm, Logitech báo lãi 8 năm liên tiếp. Trong thời gian này, danh mục sản phẩm của công ty tiếp tục mở rộng, quy mô cũng lớn mạnh nhờ sức mạnh nội tại và thông qua thâu tóm.
Tìm sinh khí mới kỷ nguyên hậu PC
Thị trường máy tính đang trong thời kỳ sụt giảm, tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra, kéo theo làn sóng làm việc, học tập và giải trí từ xa đã “cứu nguy” ngành này. Trước khi dịch bệnh xuất hiện, bản thân Logitech cũng thực hiện các chiến lược để thích ứng với thế giới ngày càng giảm lệ thuộc vào máy tính. Một trong số đó là đào sâu vào game – lĩnh vực không ngừng tăng trưởng và không mất đi sức hút. Quan trọng hơn, giới game có niềm đam mê lớn với các thiết bị ngoại vi, dù đó là chuột, bàn phím, loa hay tai nghe.
Kể từ chiếc joystick đầu tiên, Logitech đã mở hẳn một dòng sản phẩm riêng cho game, mang theo phong cách dành riêng cho đối tượng này và nhanh chóng được ưa thích. Đầu năm 2018, công ty cho ra đời sản phẩm kết hợp giữa game và âm thanh chất lượng cao, Logitech Gaming Speakers G560. Để làm được như vậy, họ đã phải trò chuyện với nhiều game thủ trên khắp thế giới, tìm hiểu cách họ dùng loa trong phòng. “Đó là khi chúng tôi nhận ra có thể tạo ra hệ sinh thái tuyệt đẹp xoay quanh bàn, giữa chuột, bàn phím và loa”, ông Philippe Depallens, cựu Phó Chủ tịch Logitech Audio chia sẻ.
Nhà chiến lược đứng sau nỗ lực làm mới bản thân của Logitech chính là Chủ tịch kiêm CEO Bracken Darrell. Từ khi tiếp nhận vị trí cao nhất vào năm 2013, ông dành thời gian để thúc đẩy công ty sang các địa hạt mới như loa di động, game, thiết bị đeo, điều khiển nhà thông minh. Thời điểm 2012, Logitech trải qua thời kỳ 4 năm liên tục không tăng trưởng, song, không vì thế mà ông Darrell nhụt chí. Ông phấn khích khi có cơ hội “thiết kế danh mục sản phẩm mới và không bị hạn chế như các vai trò trước đây”.
Ông cho biết, khi mới bắt đầu, danh mục sản phẩm chính (chuột và bàn phím) giống với một miếng nhựa màu đen với mình. Logitech luôn làm tốt ở khâu đổi mới nhưng lại không có nhà thiết kế nào bên trong, vì vậy, ông đã đầu tư vào thiết kế. Một trong những chỉ đạo đầu tiên của ông đó là mời Alastair Curtis làm Giám đốc Thiết kế. Logitech “lột xác” và thường xuyên nhận được các giải thưởng thiết kế danh giá, công lớn thuộc về ông Curtis.
Logitech ghi nhận nhu cầu tăng vọt trong dịch Covid-19, chẳng hạn trong quý đầu năm 2020, doanh số webcam máy tính tăng 121% lên 61 triệu USD, mức cao nhất trong 10 năm. Các bộ phận khác như game, bàn phím cũng tăng trưởng ấn tượng. Ông Darrell gọi các xu hướng làm việc từ xa, video call, thể thao điện tử là “dân chủ hóa nội dung”, nơi bất kỳ ai cũng có thể sáng tạo nội dung, giúp cải thiện kinh doanh cho Logitech. Nó một lần nữa khẳng định chuột, bàn phím vẫn là những công cụ quan trọng để sáng tạo, phân tích, dành cho bất kỳ ai, kỹ sư, nhà khoa học, học sinh, giáo viên… “PC, màn hình hay bất kỳ thứ gì trước mặt bạn sẽ không biến mất. Bạn sẽ luôn dùng chúng, điều đó giúp chúng tôi duy trì sự hiện diện”.
Dù vậy, cũng như bất kỳ hãng điện tử nào khác, Logitech đang đau đầu trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông Darrell dự đoán các vấn đề logistics còn kéo dài đến đầu năm sau. Thời gian vận chuyển linh kiện qua đường hàng không đã tăng từ 4-5 ngày lên 2 tuần, trong khi giá cước cũng lên. Logitech đã bổ sung các nhà cung ứng, cũng như dự trữ linh kiện để thỏa mãn nhu cầu mạnh mẽ do làn sóng làm việc và giải trí tại nhà.
Từ một nhà sản xuất phụ kiện máy tính, Logitech trải qua những giai đoạn thăng trầm để trở thành một thế lực lớn trong kỷ nguyên làm việc từ xa với vốn hóa 13 tỷ USD. Thành công của Logitech đến từ đổi mới và các vụ thâu tóm chiến lược. Sự kết hợp giữa sản phẩm sáng tạo và giá bán hợp lý, không ngừng thay đổi đáp ứng thị hiếu của khách hàng, trong khi vẫn duy trì chất lượng và thiết kế đã giúp Logitech trở thành thương hiệu tiên phong trên thị trường thiết bị ngoại vi.
Du Lam