“Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị bền vững”

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế ngày càng giảm. Tuy nhiên, Bình Dương luôn xác định nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bước đầu hình thành những mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để tiếp tục giữ vững tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Trong giai đoạn vừa qua, phương châm “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị bền vững” tỉnh Bình Dương tăng cường các giải pháp xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp; nâng cao đời sống nhân dân. Trong các giải pháp thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan tiến hành đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững.

Hình thành 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích gần 1.000ha

Bước sang giai đoạn mới, nhằm đóng góp cho phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 

Bình Dương đã quy hoạch các khu công nghệ cao và có những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cách làm của tỉnh là tập trung hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu để tạo đà cho toàn ngành nông nghiệp địa phương phát triển. Đây là giải pháp để hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện có.

Hiện Bình Dương có khoảng 5.763ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh có có 80 cơ sở được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu ứng dụng kỹ thuật gieo trồng trong nhà lưới, sử dụng công nghệ, chế phẩm sinh học vào chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại, công nghệ tưới... Bên cạnh đó, tỉnh có 580ha sản xuất trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ với các loại cây trồng như cam, mít, rau các loại. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương cũng đang phát triển với 148 trang trại gà, 255 trang trại lợn và 45 trang trại vịt.

nongnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000ha.

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%. Diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối… Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thêm vào đó, Bình Dương đang triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện; phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp. Và xây dựng thương hiệu nông sản Bình Dương.

Với cách làm bài bản, chiến lược, mục tiêu rõ ràng, đến nay, Bình Dương không chỉ được biết đến là “thủ phủ” công nghiệp mà còn nổi tiếng nhờ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là những bước đi vững chắc để các vùng nông thôn mới ở Bình Dương ngày càng hiện đại.

Vân Anh, và nhóm PV, BTV