Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết sẽ tiến hành phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng tổ chức chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc cho Việt Nam.
“Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc cho Việt Nam. |
Đây là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp; cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, các phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website https://khonggianmang.vn.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc và giảm 50% địa chỉ IP nằm trong 10 mạng botnet phổ biến, không còn nằm trong báo cáo của các hãng về tỉ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định. Thời gian dự kiến kéo dài trong 2 tháng.
Chiến dịch thực hiện bởi Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước (VNPT, Viettel, CMC, FPT, BKAV, Kaspersky...). Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC Việt Nam) có chức năng giám sát trung tâm, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chiến dịch triển khai trên toàn không gian mạng Việt Nam, được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến Trung ương.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, tập đoàn và hãng bảo mật lớn trên thế giới như Kaspersky, Group-IB, FireEye, F-Secure, ESET để lan tỏa hiệu quả cũng như lợi ích đến người dùng Internet Việt Nam.
Theo số liệu thực tế, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong Danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP nằm trong các mạng botnet lớn.
Chiến dịch chủ yếu phục vụ khối doanh nghiệp tư nhân và hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình: nhóm đối tượng này chiếm phần lớn số lượng địa chỉ IP trên. Tuy nhiên, chiến dịch sẽ được triển khai trên toàn bộ không gian mạng và người dùng Internet Việt Nam.
Chiến dịch cũng góp phần cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng có vai trò quan trọng; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Bên cạnh đó, công tác này còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Chiến dịch sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn trước chiến dịch gồm việc thống nhất, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kế hoạch, sự kiện bao hàm. Hiện tại chiến dịch đã bắt đầu bước vào giai đoạn 2.
Giai đoạn trong chiến dịch kéo dài khoảng 1 tháng bao gồm các công đoạn: Đánh giá hoạt động 10 mạng botnet lớn cần ưu tiên xử lý; đánh giá ở mức ISP; xây dựng công cụ hỗ trợ; triển khai công cụ trên diện rộng, theo đó, người sử dụng sẽ được tải miễn phí các công cụ để kiểm tra và bóc gỡ mã độc ra khỏi máy tính của mình.
Sau chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”, NCSC sẽ đánh giá kết quả và dự kiến thực hiện những kế hoạch tiếp theo.
Bên cạnh đó, chiến dịch còn góp phần nâng cao mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập.
Nguyễn Hằng