Cuộc chiến Kênh đào Suez năm 1956 thường được mô tả là lần "quăng xúc xắc" cuối cùng của đế quốc Anh.

Vào năm 1956, địa cầu vẫn bị bao quanh bởi các tài sản và lãnh thổ phụ thuộc Anh, từ Caribe ở phía Tây đến Singapore, Malaysia và Hong Kong ở phía Đông. Nhưng trên thực tế, từ lâu Mặt trời đã bắt đầu lặn trên đế chế Anh. Thuộc địa lớn nhất của họ là tiểu lục địa Ấn Độ đã giành lại độc lập.

Các phong trào dân tộc chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các phần còn lại, được cổ vũ bởi nước Nga Xô viết. Bản thân nước Anh chỉ mới bắt đầu tái xuất từ sau thời kỳ thắt lưng buộc bụng hậu chiến, nhưng nền tài chính của họ đã bị đè bẹp bởi những khoản nợ tích tụ từ chiến tranh.

Tuy nhiên, vẫn còn những nhân vật quyền lực, những người không chấp nhận rằng Anh không còn là một sức mạnh hàng đầu nữa. Họ lấy lý rằng: chúng ta có vũ khí hạt nhân, một ghế thường trực Hội đồng Bảo an và lực lượng quân sự ở cả hai bán cầu; chúng ta vẫn là một cường quốc thương mại, có lợi ích sống còn trong việc lưu thông hàng hóa tự do trên toàn cầu.

{keywords}
Kho xăng nằm cạnh kênh đào Suez bị Không quân Anh tấn công năm 1956. Ảnh: AP

Nhưng còn có một động cơ khác, đen tối hơn, cho sự can thiệp vào Ai Cập: Đó là ý thức về sự vượt trội về quân sự đã được bồi đắp qua nhiều thế kỷ bành trướng đế quốc. Khi những người cách mạng ở Cairo dám đề nghị rằng họ sẽ phụ trách Kênh đào Suez, thì sự tức giận của chủ nghĩa đế quốc Anh lại nổi lên.

Bối cảnh lịch sử 

Từ giữa năm 1952, Vua Farouk, người cai trị Ai Cập, đã buộc phải sống lưu vong. Một năm sau, một nhóm sĩ quan quân đội chính thức kiểm soát chính phủ. 

Người đứng đầu chính phủ lâm thời là Tướng Mohammed Neguib, nhưng quyền lực thực sự đằng sau là một đại tá trẻ, người mơ ước tái khẳng định phẩm giá và tự do của một quốc gia Arab. Tên anh ta là Gamal Abdel Nasser.

Mục tiêu đầu tiên của Nasser là hất cẳng sự hiện diện quân sự liên tục của Anh trong khu vực Kênh đào Suez, vốn được coi là biểu tượng cho sự thống trị của đế quốc Anh suốt từ năm 1880, gây nhiều cay đắng cho Ai Cập.

Vào năm 1954, sau khi tuyên bố là người lãnh đạo Ai Cập, Nasser đã đàm phán một hiệp ước mới, buộc các lực lượng Anh phải rời đi trong vòng 20 tháng.

Ban đầu, quá trình chuyển giao quyền lực cơ bản diễn ra trong hòa bình, và ít gây chú ý giữa một thế giới vốn đã bị bủa vây bởi nhiều hỗn loạn. Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm. Người Pháp bị hất khỏi Đông Dương và tham gia vào cuộc chiến tàn khốc ở Algeria; nhà nước non trẻ Israel chiến đấu chống lại đội quân của 6 nước Arab; và Anh đang cố sức cầm chân lực lượng nổi dậy ở Cyprus, Kenya và Malaya.

Chính trường Anh cũng đang trong thời kỳ chuyển giao, với một thế hệ lãnh đạo mới nổi lên sau khi Winston Churchill từ chức Thủ tướng năm 1955. Ông được kế vị bởi Anthony Eden.

Mặc dù từng là ngoại trưởng trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2, có nhiều kinh nghiệm nhưng Eden vẫn chưa bao giờ thấm thía một sự thật đơn giản thời hậu Thế chiến: rằng thế giới đã thay đổi mãi mãi.

Vào tháng 7/1956, những người lính Anh cuối cùng đã rút khỏi khu vực Kênh Suez. Nhưng ngày 26/7, Nasser bất ngờ tuyên bố quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez. 

{keywords}
Cảng Said nằm trên Kênh đào Suez. Ảnh: AP

Đáp lại, Thủ tướng Anh, Eden đã chuẩn bị một phản ứng không cân xứng kỳ cục: Một cuộc xâm lược toàn diện.

Chiến dịch quân sự

Quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez của Nasser đã kéo sau là những hoạt động ngoại giao tăng cường của Anh nhằm mục đích thiết lập một kiểu kiểm soát quốc tế đối với tuyến đường thủy chiến lược này. Nhưng hóa ra đó chỉ là một màn tung hỏa mù cho một chiến dịch quân sự.

Vào tháng 9/1956, Nasser có bài phát biểu đầy thách thức, bác bỏ ý tưởng giám sát quốc tế đối với tài sản quốc gia của Ai Cập. Tới lúc này thì cuộc chiến đã được chốt.

Ngày 31/10/1956, quân đội Anh và Pháp, với mũi nhọn là các lực lượng dù, đã xâm chiếm khu vực kênh Suez. Chính phủ hai nước nói với thế giới rằng họ phải đưa quân vào để chia tách lực lượng Ai Cập và Israel, từ đó bảo vệ quyền tự do hàng hải trên kênh. 

Nhưng thực tế là Anh và Pháp, trong các cuộc đàm phán tuyệt mật với Israel, đã tạo ra một thỏa thuận cho những chiến dịch quân sự phối hợp. 

Đúng ra, Israel mới là người có quyền “khiếu kiện” chính đáng nhất trong số 3 kẻ xâm lược. Bởi từ khi thành lập Nhà nước Do thái năm 1948, Ai Cập đã từ chối cho phép bất cứ tàu nào mang cờ Israel hoặc nhằm hướng Israel được đi qua Kênh Suez.

Các lực lượng Israel tràn vào sa mạc Sinai vào ngày 29/9, hai ngày trước khi Anh – Pháp đổ quân, và tiến về phía kênh Suez. (Một nhánh quân Israel được chỉ huy bởi một vị tư lệnh trẻ tuổi, người sau này trở thành Thủ tướng Israel: Ariel Sharon). Trong vòng chưa đầy 7 ngày, toàn bộ bán đảo Sinai đã nằm trong tay Israel.

Tuy nhiên, chỉ 8 ngày sau cuộc đổ bộ đường không đầu tiên, chiến dịch của Anh - Pháp đã phải dừng lại theo một thỏa thuận ngừng bắn được Liên hợp quốc (mà thực tế đứng sau là Mỹ) ra lệnh.

Không quân và lục quân Ai Cập đã bị tổn thất nặng dù vẫn giữ được tinh thần kháng cự ở cả khu vực kênh đào và bán đảo Sinai. Không có gì nghi ngờ rằng các đồng minh Anh – Pháp, với lợi thế quân sự áp đảo, sẽ tiếp tục giành quyền kiểm soát kênh đào, dù phải trả giá đắt.

Điều trớ trêu là chiến dịch này hoàn toàn phản tác dụng. Không tăng cường được lợi ích của Anh – Pháp, nó còn làm suy giảm nghiêm trọng uy tín chính trị và quân sự của cả hai nước. Và khác xa với mục tiêu đảm bảo quyền tự do hàng hải quốc tế, 47 con tàu đã bị đánh đắm trên kênh Suez. Kênh đào chiến lược này bị phong toả hoàn toàn.

Khủng hoảng ngoại giao

Mặc dù Thủ tướng Eden dường như không quan tâm nhiều đến những tổn thất đó, nước Anh đơn giản là không còn đủ khả năng để thực hiện cuộc phiêu lưu đế quốc một mình. 

Trong chiến dịch Suez, binh lính Anh đã chiến đấu cùng với đồng minh Pháp. Quan trọng hơn, cả hai đế quốc đang suy tàn của châu Âu đều phải liên minh với lực lượng trẻ nhất nhưng mạnh nhất ở Trung Đông: Israel.

Điều đáng nói là chiến dịch của Anh – Pháp đã vấp phải phản đối từ chính quyền Eisenhower ở Mỹ. Washington kinh hoàng trước cuộc xâm lược của Anh-Pháp-Israel vào khu vực kênh đào Suez và bán đảo Sinai. Mỹ cho rằng hành động này đe dọa làm mất ổn định khu vực chiến lược quan trọng, và củng cố mối liên hệ của Liên Xô với các phong trào giải phóng trên thế giới. 

Nó cũng làm gia tăng căng thẳng toàn cầu trong thời đại bị chi phối bởi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và các cuộc khủng hoảng siêu cường. 

Eden nghĩ rằng ông đã nhận được cái gật đầu và nháy mắt đồng ý cho cuộc xâm lược từ Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Nhưng trên thực tế Tổng thống Mỹ Eisenhower đã rất tức giận vì hành động này. Ông Eisenhower đã gây áp lực buộc thông qua nghị quyết của Liên hợp quốc về ngừng bắn tại Ai Cập.

Phản ứng từ Liên Xô cũng rất gay gắt. Moskva thậm chí đã cảnh báo sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân để tấn công Anh, Pháp và Israel nếu họ không rút quân.

Khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng Suez đã làm suy yếu nghiêm trọng chính phủ của đảng Bảo thủ Anh. Hai bộ trưởng đã từ chức để phản đối xâm lược Suez. 

Bản thân Thủ tướng Eden cũng bị sự kiện kênh Suez làm cho tan nát cả về mặt chính trị, thể chất và tinh thần. Vào ngày 19/11/1956, chỉ ba ngày trước khi người lính Anh cuối cùng rời khỏi khu vực kênh đào, Eden đột ngột bay đến Jamaica để dưỡng bệnh, để lại Rab Butler phụ trách nội các. Vào ngày 9/1/1957, ông từ chức. Nước Anh tự thừa nhận không còn là một đế quốc.

Những năm ngay sau cuộc chiến Suez đã chứng kiến ​​sự ra đời của một loạt các quốc gia mới trên thế giới trước đây là thuộc địa và phụ thuộc. Người ta không nghi ngờ rằng sự kết thúc của thời kỳ đế quốc đã được đẩy nhanh lên rất nhiều bởi cuộc chiến tranh nhỏ bé ở Kênh Suez, Ai Cập.

Theo Báo Tin tức

Kênh đào Suez lưu thông trở lại sau khi tàu Ever Given được 'tự do'

Kênh đào Suez lưu thông trở lại sau khi tàu Ever Given được 'tự do'

Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết, giao thông trên kênh đào đã được khôi phục trở lại sau khi tàu Ever Given được giải cứu thành công.

Gặp gió mạnh, tàu Ever Given lại chắn ngang kênh đào Suez

Gặp gió mạnh, tàu Ever Given lại chắn ngang kênh đào Suez

Gió mạnh khiến tàu chở hàng khổng lồ Ever Given bị xoay ngược trở lại vị trí chắn ngang kênh đào Suez.