Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2019 của nước ta đang sụt giảm mạnh, chỉ đạt 1,35 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 14,6% về khối lượng và giảm 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,3% và 8,6%. Song, từ đầu năm đến nay, ngoại trừ thị trường Philippines có giá trị xuất khẩu cà phê tăng (+15%), hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 10/2019, giá cà phê thế giới biến động giảm mạnh. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 thị trường London giảm 108 USD/tấn, xuống còn 1.212 USD/tấn.
Giá cà phê xuất khẩu đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua |
Báo cáo cũng nêu rõ, giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê toàn cầu hiện đã dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng.
Kéo theo đó, trường cà phê trong nước biến động giảm mạnh cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 9/2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.900-2.300 đồng/kg xuống còn 30.800-31.300 đồng/kg. Giá cà phê Robusta giá FOB giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh giảm 104 USD/tấn xuống còn 1.366 USD/tấn.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.717 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê hiện nay thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu đã xuống 30.000 đồng/kg. Người nông dân và người lao động trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế đầu tư cho vụ mùa mới.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê đều gặp khó, nhiều doanh nghiệp thấy rủi ro cao, hiệu quả thấp nên giảm sản lượng xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT dự báo giá cà phê sẽ còn trì trệ cho tới cuối năm nay do Việt Nam vào vụ thu hoạch mới, trong khi tồn kho cà phê Brazil vụ mùa năm ngoái lẫn năm nay lớn và đang đẩy mạnh bán ra do tỷ giá đồng Reais giảm thấp có lợi cho họ.
Nguồn cung thế giới dồi dào nên giá cà phê khó tăng trở lại |
Đặc biệt, dự trữ cà phê ở một số thị trường lớn như Mỹ tiếp tục tăng. Theo Green Coffee Association, tính đến cuối tháng 7/2019, tổng tồn kho cà phê tại các kho trên khắp nước Mỹ tăng 279.052 bao (bao 60kg) so với cuối tháng 6/2019. Trong đó, dự trữ cà phê tại cảng NewYork tăng mạnh so với cuối tháng 6/2019 với mức tăng 89.723 bao.
Trước tình hình giá cà phê liên tục giảm, tại phiên họp thứ 125 của Hiệp hội cà phê Thế giới (ICO) diễn ra cuối tháng 9, các nhà rang xay và thương nhân hàng đầu đã ký một tuyên bố lịch sử về sự bền vững kinh tế của ngành cà phê thế giới.
Lần đầu tiên các bên liên quan về cà phê trên thế giới đồng ý cùng với các đại diện của Chính phủ thể hiện cam kết mạnh mẽ cùng thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, toàn diện ngành cà phê.
Tại Việt Nam, cuối tháng 10, đứng trước tình hình giá cà phê ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, gây khó khăn cho nông dân và rủi ro cao cho các doanh nghiệp, Vicofa đã có cuộc họp khẩn Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê Việt Nam bàn về vấn đề này.
Các doanh nghiệp Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đề nghị Vicofa kiến nghị chính phủ và ngân hàng giãn nợ cho người nông dân ở vụ cũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn (lãi suất thấp) tối đa trong 6 tháng để tạm trữ cà phê trong thời gian đầu vụ thu hoạch rộ (tháng 12/2019).
Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc tính toán thận trọng, tăng cường mua bán ngay, chốt giá trước khi giao hàng. Khi giá xuống thấp, tránh bán ồ ạt cà phê thấp hơn giá thành.
Tâm An