W-DJI_20250115101526_0716_D.jpg

 Nhà thờ Chính tòa Thánh Nicôla Bari nằm trên đường Trần Phú, trung tâm TP Đà Lạt còn được gọi là Nhà thờ Con Gà với tổng diện tích khoảng 5.000m2.

Tên gọi nhà thờ Con Gà bắt nguồn từ bức tượng gà trống bằng đồng cao 66cm đặt trên đỉnh tháp chuông. Gần 100 năm tồn tại, nhà thờ không chỉ là công trình tôn giáo mà còn trở thành điểm đến thu hút du khách mỗi khi đặt chân đến Đà Lạt.

W-Nhatho DaLat_MG_0402.jpg

Theo các tài liệu, trong Kinh Thánh Tân Ước, hình ảnh gà trống là biểu tượng cho sự sám hối, gợi nhắc đến câu chuyện Thánh Phêrô chối Chúa ba lần trước khi gà gáy. Biểu tượng này trở thành điểm nhấn đặc biệt cho toàn bộ công trình.

W-Nhatho DaLat_MG_0445.jpg

Công trình được xây dựng năm 1931 và hoàn thành vào năm 1942. Nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc Pháp, mang hình chữ nhật với chiều dài 65m, chiều cao tháp chuông 47m. Với độ cao này, từ tháp chuông của nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố.

W-Nhatho DaLat_MG_0679.jpg

Bên trong nhà thờ gồm 3 gian chính: một gian lớn ở giữa và hai gian nhỏ hai bên. Hệ thống cột và mái vòm được bố trí đối xứng, tạo nên sự cân đối và trang nghiêm.

Ở trung tâm là bàn thờ với tượng Chúa và cây thánh giá – nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo chính. Không gian khác dành cho ca đoàn biểu diễn trong các ngày lễ.

W-_MG_0708.jpg

Nhà thờ Con Gà đậm phong cách châu Âu với kiến trúc Roman mềm mại pha trộn nét Gothic tinh tế, thanh thoát.

Kiến trúc cổ còn thể hiện rõ qua các hệ thống cửa sổ kính màu sắc rực rỡ, đều được chế tác tại một xưởng thủ công ở Pháp. Các phù điêu, trang trí tường và những cánh cửa gỗ màu nâu trầm bên trong công trình được lưu giữ.

W-Nhatho DaLat_MG_0718.jpg

Tượng Chúa và cây thánh giá của nhà thờ.

Lần đầu tiên đến Đà Lạt, chị Nguyễn Thu Hương (du khách Hà Nội) cảm nhận không khí nơi đây dễ chịu, cảnh quan đẹp và nhiều địa điểm mang đặc trưng địa phương. 

“Tôi đi nhiều nơi, nhưng khá ấn tượng với vẻ đẹp cổ kính và thiêng liêng của Nhà thờ Con Gà. Từ kiến trúc đến không gian xung quanh, tất cả đều khiến tôi có cảm giác như đang lạc vào một góc trời châu Âu giữa Đà Lạt”, nữ du khách chia sẻ.

W-Nhatho DaLat_MG_0661.jpg

Bên trong nhà thờ có không gian rộng rãi, thoáng đãng, trang nghiêm cho hoạt động tôn giáo. Một góc nhỏ tại nhà thờ là nơi để ca đoàn biểu diễn vào những ngày lễ hoặc dịp đặc biệt.

W-Nhatho DaLat_MG_0490.jpg

 Không chỉ là nơi hành lễ, khuôn viên nhà thờ còn mang lại cảm giác yên bình, tĩnh lặng.  Sân vườn bên hông nhà thờ có tượng Đức Mẹ dưới tán thông xanh – một góc rất được người dân địa phương lựa chọn để dâng hoa và cầu nguyện.

W-Nhatho DaLat_MG_0538.jpg

Phía sau nhà thờ còn có “Nhà sách Phaolô”, không gian lưu trữ kinh thánh phục vụ khách viếng thăm và người dân địa phương, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh giữa lòng Đà Lạt.

W-Nhatho DaLat_MG_0827.jpg

Linh mục Phaolô Phạm Công Phương (chánh xứ Chánh tòa Ðà Lạt) cho biết, nhà thờ có 6.000 giáo dân, hoạt động các nghi lễ diễn ra chủ yếu vào những ngày cuối tuần. Ngoài ra, nhà thờ cũng luôn mở cửa đón khách trong và ngoài nước vào tham quan miễn phí.