Xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) có 1.100 hộ dân, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 95%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 50%. Trước đây, do không có điều kiện mua bồn nước, các hộ nghèo, cận nghèo thường tích trữ nước sinh hoạt bằng bể xi-măng, chum, vại, xô, chậu… 

Nước tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa thường không có nắp đậy kín, không được vệ sinh thường xuyên, dễ tạo thành môi trường thuận lợi cho các loại ấu trùng sinh sôi. Dẫn đến việc sử dụng nước sinh hoạt của bà con chưa được đảm bảo. 

Thực hiện Nội dung số 04: hỗ trợ nước sinh hoạt thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt Chương trình MTQG 1719), giai đoạn 2022 - 2023 xã Tri Phú có 86 hộ dân được hỗ trợ bồn đựng nước sinh hoạt. Năm 2024 xã có 57 hộ trong diện được hỗ trợ.

Được hỗ trợ bồn nước các gia đình rất phấn khởi vì có nguồn nước đảm bảo vệ sinh hơn để sử dụng, không còn phải lo tích trữ nước lẻ tẻ bằng xô, chậu nữa.

Ảnh màn hình 2024 12 13 lúc 11.55.43.png
Hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh giúp nâng cao chất lượng sống của đồng bào DTTS

Nâng cao chất lượng sống của đồng bào DTTS

Chiêm Hóa là huyện có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2021 – 2025, hiện có 14/26 xã khu vực III và 165 thôn đặc biệt khó khăn. Đồng bào DTTS chiếm 81,4% dân số toàn huyện.

Thời gian qua việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của nhà nước.

Qua đó giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân toàn huyện nói chung và của hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS nói riêng, tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển bền vững.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trên địa bàn huyện triển khai 10 Dự án với tổng vốn kế hoạch được UBND tỉnh giao trên 378 tỷ đồng, tiến độ giải ngân đạt yêu cầu kế hoạch. 

Trong đó, đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho trên 310 hộ; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư xây dựng 5 công trình trường học, 97 công trình giao thông “kiên cố được trên 100km đường bê tông”, 9 công trình thủy lợi, 5 công trình nhà văn hóa; xây dựng 3 mô hình văn hóa truyền thống;…

Đối với nội dung Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, huyện đã tích cực triển khai thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng sống và sức khỏe cho bà con. Đến nay 1.943 hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện được hỗ trợ téc đựng nước phục vụ sinh hoạt, với tổng số tiền gần 5,8 tỷ đồng.

Nhờ đó, đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện lên 98,9%; đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt.

Được biết, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Chiêm Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tất cả các công trình cấp nước trên địa bàn; tiếp tục chuẩn bị đầu tư các dự án, các tiểu dự án thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn được giao, huy động sự đóng góp của các tổ chức và nhân dân để thực hiện hiệu quả chương trình; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch... 

Chiêm Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 99,9% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng người, từng gia đình, tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.