40 năm chăm sóc, bà quản trang kể chuyện linh thiêng bên mộ liệt sĩ
Gần 40 năm qua, ngày ngày một mình bà đến dọn cỏ, thắp nhang, ngồi trò chuyện, khóc cùng những mộ phần nơi nghĩa trang liệt sĩ.
Nhận lời mời của Viện Hoà bình, Hoa Kỳ, luật sư Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và đoàn công tác lên đường tham dự Hội nghị đối thoại thường niên lần thứ 2 về Hoà bình và Di sản chiến tranh tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong chuyến đi lần này, luật sư Nguyễn Xuân Bình đã có đôi dòng ghi chép dạt dào cảm xúc. |
Chiếc mũ cối di vật và cựu binh Bob Conner
Sáng thứ Bảy, ngày 16/9 (tính theo giờ Hoa Kỳ), chúng tôi rời Washington DC đi New York. Các cựu binh Mỹ hẹn gặp ở Philadelphia để trao một kỷ vật của liệt sĩ Việt Nam.
8h sáng, xe đón chúng tôi ở Nhà hát Shakespeare. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ xe chạy, chúng tôi đến Philadelphia. Trên đường đi, chúng tôi đã kết nối và giữ liên lạc với ông Bob Conner, 76 tuổi, cựu binh Mỹ.
Xe của công ty du lịch chỉ cho chúng tôi 1 tiếng đồng hồ nên mọi việc phải hết sức khẩn trương và chuẩn xác.
Cuối cùng, chúng tôi hẹn nhau tại địa điểm chiếc chuông tự do nổi tiếng, được coi là biểu tượng của thế giới tự do. Chiếc chuông này từng gióng lên tiếng gọi người dân Philadelphia đến nghe Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và cũng chính nó ngân vang báo hiệu ngày tàn của chế độ nô lệ.
Tôi đi qua, chụp vội tấm hình kỷ niệm với chiếc chuông đặc biệt. Lúc bước ra, tôi thấy ông bạn già Bob Conner đứng đó.
Thắng và Tiên, hai người em cùng đoàn có quan hệ từ trước và đã cộng tác nhiều với ông Bob bước tới choàng ôm ông cảm động và vui mừng.
Một lúc sau, ông cựu binh Richard Magner, 77 tuổi mà chúng tôi vừa gặp ở Washington DC, cũng tự lái xe 2 tiếng đồng hồ đến kịp. Tôi được giới thiệu là Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Sau những cái bắt tay siết chặt, ông Bob xúc động nói với tôi, anh trai ông đã tử trận tại Việt Nam. Ông thấy gắn bó và yêu quý đất nước con người Việt Nam. Ông muốn được góp phần vào việc tìm kiếm và xác định mộ liệt sĩ tại Việt Nam.
Tôi siết chặt tay ông một lần nữa, chia sẻ với ông kỷ niệm buồn đau về người anh tử trận. Đồng thời, tôi nói lời cảm ơn nghĩa cử của ông đóng góp vào việc tìm kiếm và xác định mộ liệt sĩ. Chúng tôi còn hẹn sẽ cùng nhau cộng tác chặt chẽ hơn cho công việc giàu ý nghĩa.
Thời gian có hạn, Bob Conner xúc động trao cho chúng tôi chiếc mũ cối, còn nguyên dòng chữ khắc tên người lính - Nguyễn Ngọc Thơ, nhập ngũ tháng 7/1968… Anh em tôi đón nhận, trân trọng và nâng niu kỷ vật vô giá, đồng thời cam kết sẽ tìm cách tốt nhất để chuyển tới gia đình liệt sĩ.
Sau này, Thắng và các anh em phát tâm tra cứu, tổng hợp, sàng lọc thì đã bước đầu xác định được gia đình liệt sĩ thoả mãn mọi thông tin.
Đến thăm New York, ngắm vọng Nữ thần Tự do
Đây không phải lần đầu tôi đến New York. Thế nên, cảm giác từ lần đến gần đây nhất, cách nay hơn chục năm lại chợt ùa về.
New York đón chúng tôi bằng một dòng xe tấp nập. Mấy cây cầu sắt cả trăm năm tuổi, vẫn thanh thoát và vững chãi nối đôi bờ cả quá khứ và hiện tại.
Xe đưa thẳng chúng tôi ra phà. Chuyến phà đầy xuất bến. Khách du lịch đủ mọi lứa tuổi và màu da háo hức vô cùng.
Gió biển mát mẻ. Ánh nắng chan hoà. Một lúc sau, tiếng nhạc phát lên một điệu nhạc vui, sôi nổi. Cả trăm bạn trẻ trên boong hoà giọng hát theo. Sôi động, tuyệt vời!
Thành phố hai bên bờ với những toà nhà chọc trời, hiện đại và khoẻ khoắn hút ánh nhìn du khách.
Chiếc phà chạy một vòng trên vịnh New York. Chạy gần sát đảo Liberty Island. Mọi người trầm trồ, vui thích đua nhau chụp ảnh.
Nữ thần tự do (Statue of Liberty), tên tiếng Anh đầy đủ là Liberty Enlightening the World. Đây là quà tặng của nhân dân Pháp tặng nước Mỹ, do vậy Nữ thần còn có tên tiếng Pháp là La Liberté Éclairant le Monde.
Hơn 100 năm nay, Nữ thần đứng đó, ngọn đuốc giơ cao. Tự do chân chính vẫn luôn là khát vọng cháy bỏng của mỗi con người, của từng dân tộc, khát vọng của cả loài người!
Phà chạy qua, tôi nhờ anh bạn đứng cạnh trên boong bấm cho vài kiểu kỷ niệm với một biểu tượng tự do thật đẹp.
Tôi muốn nói với bè bạn xung quanh rằng, tôi đến từ Hà Nội, Việt Nam, nơi yên nghỉ của Người với chân lý bất diệt: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” (Hồ Chí Minh).
Vâng, hãy để độc lập đến với mỗi dân tộc, tình hữu nghị đâm chồi, nảy lộc dưới ánh sáng tự do bừng chiếu muôn nơi!
Gần 40 năm qua, ngày ngày một mình bà đến dọn cỏ, thắp nhang, ngồi trò chuyện, khóc cùng những mộ phần nơi nghĩa trang liệt sĩ.