Tại sự kiện FPT Techday 2022, rất nhiều người quan tâm và bước vào một chiếc lồng hình trụ có hình dáng tương tự các máy soi chiếu an ninh tại sân bay.
Đây là máy quét cơ thể 3D, sẽ cho ra ảnh chụp 3D của con người. Ai cũng háo hức muốn xem hình ảnh của mình ở các góc độ khác nhau sẽ trông như thế nào.
Vì là ảnh chụp 3D, người dùng sẽ xoay ảnh để thấy bất kỳ góc độ nào của chân dung, không bị giới hạn bởi một khung ảnh tĩnh như ảnh chụp thông thường. Với ảnh chụp 3D này, người dùng có thể… khoe ngay lên mạng xã hội. Tuy vậy, những ứng dụng tiềm năng của một ảnh quét 3D thì rất nhiều.
Ảnh này có thể đưa vào metaverse, đưa vào game, phim ảnh hoặc phục vụ mục đích đo kiểm. Hiện tại, nó ứng dụng trong việc may đo, hay trong các đoạn clip và điện ảnh.
Trong vũ trụ ảo metarvese hiện nay, các nhân vật đều được vẽ dưới dạng hoạt hoạ. Nếu dùng hình ảnh quét 3D này, nhân vật sẽ cực kỳ chân thật và giống với người dùng nhất. Hoặc nó sẽ là một avatar kiểu mới trong mạng xã hội metaverse.
Ảnh này cũng có thể sử dụng làm nhân vật đại diện trong game tạo sự chân thật nhất có thể.
Ông Nguyễn Văn Cường, đại diện đơn vị thi công sản phẩm, cho hay chiếc máy đã được ứng dụng trong một số phân cảnh phim. Để thực hiện những cảnh quay đòi hòi kỹ xảo máy tính, diễn viên chỉ cần thực hiện các động tác bên trong chiếc máy, sau đó hình ảnh 3D của nhân vật sẽ được ghép vào cảnh quay. Việc này giúp nhân vật phim xuất hiện trong nhiều khung cảnh hoành tráng, nguy hiểm,... nhưng thực tế diễn viên chỉ cần quay ở studio.
Điểm đặc biệt của các ảnh 3D này là nó cung cấp dữ liệu về số đo cơ thể, do đó có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Chiếc máy đã được ứng dụng thực tế tại một số công ty may lớn. Khi lấy số đo cho khoảng vài ngàn người, thay vì phải dùng thước đo thủ công mất thời gian, mỗi người chỉ cần bước vào chiếc máy để ghi lại thông số cơ thể. Từ đó công ty may sẽ có số đo từng người giúp cho việc may đồ chuẩn xác.
Máy cũng có thể ứng dụng trong lĩnh vực sức khoẻ. Hình ảnh 3D của một người qua nhiều giai đoạn khác nhau sẽ được sử dụng để phát hiện những thay đổi trên cơ thể, phát hiện ra sự bất thường ở vẻ ngoài.
Nhóm của ông Cường đã thực hiện phục dựng nhiều cổ vật bằng cách quét 3D bản gốc, sau đó làm một phiên bản sao chép tương tự. Hoặc một số ngân hàng tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ này tạo ra các bảo tàng số, nơi người xem có thể tìm hiểu lịch sử ngân hàng thông qua hình ảnh 3 chiều trên không gian Internet.
Công nghệ 3D cũng được ứng dụng khi thi công một số tượng đài lớn. Thông thường, các nghệ sĩ phải dựng một bản mẫu bằng đất với tỷ lệ 1:1 để duyệt trước. Nhưng với công nghệ 3D, hình ảnh chi tiết về tượng đài được dựng hoàn chỉnh với kích thước thật trước khi thi công.
Trong thiết bị này có 105 camera được giấu bên trong các thanh chắn, kèm với 8 projector. Các thiết bị sẽ ghi lại hình ảnh một người ở mọi góc độ khác nhau, sau đó máy tính xử lý tạo thành một hình ảnh 3D.
Trung bình hệ thống chỉ mất 0,06 giây cho một lần chụp, song thời gian xử lý để tạo hình ảnh thành phẩm có thể mất 5-7 phút tuỳ cấu hình máy tính.
Theo ông Cường, tại Việt Nam có một số đơn vị triển khai các máy quét 3D tương tự. Song bộ sản phẩm này có ưu thế dễ lắp đặt, các thiết bị có thể lắp ghép dạng mô-đun, xếp vào vali kỹ thuật để mang vác đi khắp nơi. Việc thi công dàn thiết bị tính theo phút, thay vì cả ngày như một số sản phẩm khác.