Trời tháng 7 mưa ngâu rả rích, dạo một vòng khu chợ ven biển thấy có mớ tép bạc sông trắng phau, tươi roi rói. Những con tép đang co thân búng lách tách khi ngư dân vừa mới đánh bắt lên bờ, kịp bán buổi chợ đông. Trong lòng như phất cờ, tôi vội mua về rủ mẹ làm món bánh xèo vào dịp cuối tuần.
Mẹ và tôi cùng bắt tay vào việc, từ khâu khuấy bột, xào nhân đến khi đổ ra những chiếc bánh vàng ươm giòn rụm. Bỗng mẹ lại bồi hồi nhớ về ngoại, nhắc đến thuở xưa khi gia đình tôi ra vùng ven biển lập nghiệp với cuộc sống cơ cực túng thiếu vây quanh.
Hễ khi mót được ít đồng bạc, mẹ liền dẫn anh em chúng tôi về thăm ngoại. Nhìn lũ cháu đen đúa gầy nhom vì nắng gió chan chát vùng biển mặn, ngoại xót dạ liền bảo: "Mèn đét ơi, về rồi đó hen. Để bà đổ bánh xèo cho ăn!".
Vậy là chiếc cối đá xay bột sau bao ngày nằm im nơi chái bếp được bàn tay ngoại lau chùi sạch bóng. Tối ấy ngoại ngâm gạo làm bột. Sáng tinh mơ khi trời còn phủ màn đêm giăng lối, sương đọng giọt trên tàu lá chuối, ngoại đã lom khom dưới ngọn đèn dầu toả bóng hiu hắt xay bột. Bóng ngoại in trên vách lá, bàn tay ngoại quay những vòng tròn cùng chiếc cối xay. Từng muỗng gạo được cho vào tạo ra dòng sữa trắng phau thoảng mùi thơm dịu ngọt.
Mớ tôm sông được cậu chài lên, hòa cùng vài cọng rau năng ruộng là đủ nhân bánh. Tôi cùng mẹ ra sau vườn hái mớ lá lụa, lá tra. Món bánh chỉ ăn cùng những loại rau tập tàng sau hè như vậy mà đối với chúng tôi lúc ấy mang hương vị thơm thảo tận đáy lòng.
Thuở ấy, để làm ra những cái bánh chẳng được nhanh gọn như bây giờ. Phải cất công tỉ mỉ từng khâu chế biến. "Người bạn đồng hành" cho những món bánh đậm đà tình quê đâu thể thiếu chiếc cối xay bột, cùng với đó là dáng hình của những bà, những mẹ miền quê chân chất với bàn tay tảo tần cứ nhịp nhàng xoay chuyển. Họ mang tấm lòng yêu thương bao la dành tặng con cháu món bánh bồi bổ đượm tình quê xứ sở.
Tôi đưa mắt nhìn vào cái ngõng cối gắn chặt thớt trên và thớt dưới của chiếc cối đá, lòng thầm nghĩ như những người bà, người mẹ gắn chặt với con cháu trong một gia đình.
Ngoài trời mưa giăng mờ khắp lối, mẹ vừa đổ bánh vừa kể lại chuyện về chiếc cối đá xay bột của ngoại với giọng bùi ngùi. Bỗng tôi thấy đôi mắt mẹ nhìn ra màn mưa lưng tròng ngấn lệ nhớ thương. Và tôi biết rằng, khi ăn từng món bánh từ bàn tay ngoại làm bằng chiếc cối xay, mới biết được sự trân quý một dụng cụ truyền thống làm ra những chiếc bánh dân gian. Nó đã đưa tôi về ký ức tuổi thơ hòa lẫn không gian hoài niệm thời ông cha mở cõi.
Giờ đây, tôi đã làm mẹ những đứa con. Lòng dâng trào niềm mong muốn đưa chúng về quê ngoại nơi cậu còn giữ chiếc cối đá nằm im lạnh lẽo mấy chục năm qua từ lúc ngoại qua đời để cùng dạy chúng làm ra món bánh thảo ngọt hồn quê.
Tôi muốn chúng biết công đoạn tạo nên những cái bánh thủ công, với chiếc cối xay bột được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tôi muốn chúng thấy được nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước, truyền thống dân tộc của ông cha và rồi tôi hào hứng thốt lên: "Cuối tuần sau, mẹ cùng con và tụi nhỏ về quê xay bột đổ bánh cúng ngoại nhé mẹ!".
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: [email protected]. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Phan Thanh Cẩm Giang