Như VietNamNet đã đưa, lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết, đã tạm đình chỉ công tác Đại úy Nguyễn Duy Ngọ (SN 1990), đang công tác tại Đội CSĐT tội phạm ma túy công an huyện này.
Ông Ngọ bị tạm đình chỉ công tác vì đã có hành vi dùng súng chĩa vào 2 nữ nhân viên y tế của Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, khi cùng người nhà đưa con nhỏ đi cấp cứu tại đây.
Hiện trường vụ cán bộ công an chĩa súng về 2 nữ nhân viên y tế |
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, hành vi sử dụng súng của ông Ngọ là trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác, vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Hành vi chửi bới, la hét, nhiều lần chĩa súng vào nhân viên y tế dọa bắn thể hiện thái độ côn đồ, coi thường, thách thức pháp luật.
“Đây là hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể gây hoang mang trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân sự việc và đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, lời luật sư Đặng Văn Cường.
Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan quản lý cán bộ công an chĩa súng vào nhân viên y tế có thể đình chỉ công tác và xem xét xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm pháp lý của ông Ngọ theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh qua clip cho thấy, Đại úy Nguyễn Duy Ngọ có hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tính chất côn đồ.
Luật sư Đặng Văn Cường |
Trường hợp khẩu súng dùng để chĩa về 2 nữ nhân viên y tế không phải là vũ khí quân dụng, nhưng hành vi diễn ra nơi công cộng khiến nhiều người sợ hãi, hoảng loạn, khiến dư luận bức xúc thì đây cũng là sự việc nghiêm trọng.
Nếu đây là công cụ hỗ trợ, là súng bắn đạn cao su thì cũng cần làm rõ việc Đại úy Nguyễn Duy Ngọ có được trang bị công cụ hỗ trợ hay không.
Theo quan điểm của luật sư, việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong trường hợp này cũng là trái pháp luật, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Việc sử dụng vũ khí như vậy là lạm quyền, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Luật sư cho rằng, trường hợp dí súng đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nạn nhân thì người có hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người, theo Điều 133 BLHS, với chế tài là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng- 3 năm.
Trường hợp được xác định là đe dọa giết người đối với từ 2 người trở lên hoặc đối với người thi hành công vụ thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 2- 7 năm.
Ngoài ra, kết quả xác minh cho thấy, hành vi được xác định là sử dụng súng trái phép, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cán bộ công an chĩa súng vào nhân viên y tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo điều 318 BLHS năm 2015, với chế tài là phạt tù từ 2- 7 năm tù.
Trong trường hợp đủ căn cứ để xử lý hình sự thì có thể cán bộ công an chĩa súng về 2 nhân viên y tế sẽ phải chịu mức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân.
Lý do đại úy công an ở Lâm Đồng chĩa súng về 2 nữ nhân viên y tế
Đại úy Nguyễn Duy Ngọ thừa nhận không đeo khẩu trang, nổi nóng và chĩa súng về phía 2 nữ nhân viên y tế. Anh này đã viết tường trình vụ việc để báo cáo lãnh đạo đơn vị.
T.Nhung