Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được tổ chức hằng năm nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 với sự tham dự của khoảng 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đây là dịp quan trọng để chia sẻ tầm nhìn và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề lớn, cấp bách, chiến lược đối với tương lai của khu vực và thế giới.

apec2023 .jpg

Về những vấn đề đặt ra với kinh tế thế giới và yêu cầu phải có tư duy mới, cách làm mới

Lịch sử phát triển của nhân loại là quá trình liên tục khám phá, đổi mới, thích ứng, phấn đấu không mệt mỏi vì hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng. Tại mỗi thời điểm then chốt, thế giới cần có những quyết sách mạnh mẽ, táo bạo để vượt qua khó khăn và khai mở hướng đi mới. Sau gần ba thập kỷ tăng trưởng liên tục của kinh tế toàn cầu, chúng ta lại đang phải đối mặt với liên tiếp các cuộc khủng hoảng và nguy cơ về “một thập kỷ mất mát” như Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.

Chủ tịch nước cho rằng, kinh tế thế giới hiện nay đang có những mâu thuẫn lớn, đó là: (i) Kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; (ii) Sau hơn ba thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hoá và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ; (iii) Khoa học-công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; khoa học-công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường; (iv) Chúng ta theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu phát triển bền vững.

Giải pháp để giải quyết căn bản những mâu thuẫn đó

Theo Chủ tịch nước, để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn. Theo đó:

Thứ nhất, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thước đo thành công của một nền kinh tế không chỉ là quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP mà phải tính đến phúc lợi người dân được hưởng và tác động đến môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng, khai thác tài nguyên cần được thay thế bằng mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững hơn. Ở phạm vi quốc gia, các chính sách phát triển kinh tế không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn nâng cao chất lượng việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động, góp phần bảo tồn môi trường sinh thái. Ở tầm khu vực và toàn cầu, hợp tác giữa các quốc gia không chỉ hướng đến cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng sạch, mà cần tạo điều kiện để các nước đang phát triển mở rộng quy mô nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Và cuối cùng, tại mỗi doanh nghiệp, triết lý kinh doanh mới là, gắn kết lợi nhuận của doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội.

Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia. Đại dịch COVID-19 và những bất ổn vừa qua làm hiện rõ sự mong manh của nền kinh tế và chuỗi cung ứng trước các cú sốc. Bảo đảm ổn định và an ninh kinh tế là nhu cầu chính đáng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, gia tăng bảo hộ, phân tách thị trường sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và đảo ngược những thành tựu đã đạt được của hội nhập kinh tế quốc tế. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để tăng cường khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng, xây dựng hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu minh bạch, bình đẳng, bảo đảm cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ.

Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hoá, chính trị từ quá trình này. Việc định hình luật lệ, quy định, tiêu chuẩn chung phải tính đến trình độ phát triển của mỗi quốc gia, bảo đảm tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ và mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học-công nghệ. Đồng thời, cần bảo đảm cân bằng giữa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học-công nghệ với bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền của mỗi quốc gia.

Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Thế giới đã đi qua hơn nửa chặng đường của các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, nhưng khoảng cách giữa cam kết và thực thi còn quá xa. Với cách làm như hiện nay thì khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ có thể hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2065, tức là chậm hơn 35 năm so với kế hoạch ban đầu. Do vậy, yêu cầu cấp thiết là phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công, tư, trong nước và quốc tế, cũng như đóng góp của các tổ chức và người dân. Các quốc gia phát triển cũng cần thực hiện tốt hơn cam kết đóng góp 0,7% tổng thu nhập quốc gia để hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển.

Võ Thu và nhóm PV, BTV