Có thể nói, mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất - tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Nạn nhân của tội phạm mua bán người đều phải chịu những tổn thất to lớn, dai dẳng về tâm, sinh lý. Hậu quả không chỉ dừng lại ở mỗi cá nhân, gia đình người bị hại mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.
Theo số liệu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng 224 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do tác động của các hoạt động khủng bố, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia.
Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng hơn 500 đường dây mua bán người trên thế giới. Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và nhạy cảm với nạn nhân trong quá trình giải quyết các vụ án mua bán người tại Tòa án” được tổ chức tại Đà Nẵng. |
Hai năm qua, khi đại dịch covid-19 xuất hiện, nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tội phạm mua bán người có chiều hướng giảm, nhưng vì siêu lợi nhuận, các đối tượng mua bán người thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó lực lượng thực thi pháp luật, hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.
Những diễn biến trên đòi hỏi sự hợp tác không chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN mà rộng hơn là sự hợp tác đa phương giữa ASEAN với các nước, các tổ chức quốc tế ngoài khu vực nhằm phát huy mọi nguồn lực tổng hợp để đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, đồng thời có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Chương trình Hợp tác ASEAN - Australia phòng, chống mua bán người, là chương trình cấp khu vực do Chính phủ Australia tài trợ nhằm hỗ trợ các ứng phó tư pháp hình sự trong phòng, chống mua bán người trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và giao cho Bộ Công an chủ trì, điều phối nhằm tăng cường hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mua bán người và hỗ trợ bảo vệ nạn nhân bị mua, bán.
Trong khuôn khổ Chương trình ASEAN-ACT tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm Tòa án nhân dân tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và nhạy cảm với nạn nhân trong quá trình giải quyết các vụ án mua bán người tại Tòa án” nhằm chia sẻ, học hỏi những chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của một số quốc gia về tiếp cận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân trong quá trình giải quyết các vụ án mua bán người tại Tòa án.
Họi thảo cũng đánh giá thực trạng bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Tòa án Việt Nam. Từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Tòa án trong giải quyết các vụ án mua bán người nói chung và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng.
Nhiều chuyên đề đã được trình bày như: Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đưa ra lời khai trước tòa (Kinh nghiệm của Phi-lip-pin); Tìm hiểu về thủ đoạn lợi dụng tình trạng dễ bị tổn thương của nạn nhân như yếu tố cấu thành thứ hai của tội mua bán người; Các quy định của pháp luật quốc tế và khu vực về cách tiếp cận nhạy cảm giới và lấy nạn nhân làm trung tâm;
Khuyến nghị về những nguyên tắc cơ bản khi làm việc với nạn nhân của tội phạm mua bán người; Đáng giá các nguy cơ gây tổn hại cho nạn nhân và hướng dẫn về không gây tổn hại trong xét xử các vụ án mua bán người; Bài tập tình huống về áp dụng cách tiếp cận nhạy cảm giới và lấy nạn nhân làm trung tâm
Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp TANDTC - Phạm Công Tuyến hy vọng, hội thảo sẽ là dịp để tiếp thu các thông tin, kiến thức mới; tích cực trao đổi, phát biểu ý kiến về các vấn đề liên quan tới công tác giải quyết vụ án mua bán người; hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán người.
Xuân Quý