Hoạt động này nằm trong khuôn khổ triển khai dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức thông qua WWF-Việt Nam tài trợ cho Việt Nam, trong đó bao gồm các hoạt động: Tài trợ hướng dẫn quản lý hiệu quả và giảm lượng tồn đọng rác thải nhựa tại ba khu bảo tồn biển quan trọng Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Côn Đảo…
Đến dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Phạm Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết “Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được Bộ Tài nguyên & Môi trường giao cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì thực hiện. Dự án với mục tiêu là góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua các hợp phần quan trọng liên quan đến chính sách, truyền thông, mô hình đô thị giảm nhựa và bảo tồn các khu vực đảo và huyện đảo. Dự án đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng tại 3 huyện đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm. Qua hơn 2 năm thực hiện, bước đầu ghi nhận một số kết quả tích cực tại các địa bàn.
Với sự tham dự của đại diện Huyện đảo Cô Tô, mặc dù đây là huyện đảo không nằm trong Dự án nhưng Cô Tô là địa phương cũng đã tích cực triển khai “Huyện đảo không rác thải nhựa”. Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, đại diện huyện Cô Tô cho biết các giải pháp cụ thể đã được triển khai bao gồm tuyên truyền tới từng hộ gia đình, người lao động, học sinh, các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, các chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chủ các khách sạn, nhà hàng, các hãng tàu vận tải, các ngư dân khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển, các cơ sở chế biến hải sản… về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, môi trường biển; ký cam kết với các phương tiện vận tải khách, vận tải hàng hóa không vận chuyển túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng 1 lần vào địa bàn huyện; thực hiện thay thế sản phẩm nhựa; quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương…
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm nhằm hạn chế rác thải nhựa trên đảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến thống nhất nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra thì các cấp chính quyền và người dân cần có sự đồng thuận và phải có quyết tâm chính trị, có nguồn lực cần thiết để xử lý rác thải, chất thải trên địa bàn. Cùng với đó, các huyện đảo cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị giải pháp cơ bản về chính sách, nguồn lực, truyền thông và các biện pháp xử lý rác thải nhựa nói riêng và chất thải rắn nói chung tại các huyện đảo.