Cuộc họp nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong việc phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hải sản xuất khẩu của Na Uy bao gồm cá hồi Na Uy, qua đó thảo luận định hướng, kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia nuôi biển Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ý định thư được ký năm 2021 giữa Bộ Công thương và Thủy sản Na Uy và Bộ NN&PTNT nhằm tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, đồng thời cũng là dịp để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp và cơ hội thiết thực để đẩy mạnh hợp tác.
Đồng chủ tọa sự kiện là Phó Đại sứ Na Uy - Bà Mette Møglestue, và Cục trưởng Cục Thủy sản - Ông Trần Đình Luân. Ngoài ra sự kiện còn có sự tham dự của Thương vụ Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Innovation Norway; Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy khu vực Đông Nam Á– Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, cùng đại diện các Bộ ngành Việt Nam như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội nuôi trồng thủy sản Việt Nam…
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Đại sứ Na Uy bà Mette Møglestue cho biết “Na Uy tự hào về bề dầy hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa hai nước Na Uy và Việt Nam, đặc biệt là với Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua từ những ngày đầu Việt Nam bắt đầu xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên của mình. Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, chúng tôi đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững hơn và có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Là các quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ một thương hiệu quốc gia mạnh, cùng với các yếu tố khác như chất lượng, giá trị dinh dưỡng, các thông lệ nuôi trồng và đánh bắt bền vững…, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thủy hải sản.
Chúng tôi rất vui vì đại diện của Hội đồng Hải sản Na Uy tại đây ngày hôm nay sẽ chia sẻ câu chuyện cá hồi Na Uy cũng như thương hiệu “Seafood from Norway” (Hải sản đến từ Na Uy). Tôi hy vọng những thông tin này có thể giúp ích cho Việt Nam. Na Uy luôn sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình trong quá trình Việt Nam xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho nuôi biển và các các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam”.
Đồng chủ trì Cuộc họp, Cục trưởng Trần Đình Luân đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Bộ NN&PTNT, đặc biệt ngành thủy sản trong hơn 30 năm qua, từ xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực. Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng Hội thảo lần này là cơ hội để hai bên làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản, hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trong Ý định thư mà hai Bên đã ký vào tháng 5/2021.
Cũng tại cuộc họp, Cục trưởng đã cập nhật thực trạng sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm vừa qua; đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển; trong đó, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia trong giai đoạn tới là một nội dung quan trọng để thúc đẩy ngành nuôi biển của Việt Nam.
Tham dự cuộc họp, Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy khu vực Đông Nam Á - Ông Asbjørn Warvik Rørtveit đã chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm cá hồi Na Uy tại các thị trường trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, cũng như cách thức hoạt động và sứ mệnh của Hội đồng hải sản Na Uy. Ông nhấn mạnh “3 cốt lõi truyền thông mà Hội đồng hải sản Na Uy sử dụng để quảng bá hình ảnh của hải sản Na Uy đến người tiêu dùng chính là Thiên Nhiên, Con người và Phát triển bền vững”.
Na Uy và Việt Nam đều là các quốc gia có đường bờ biển dài và đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy hải sản: Na Uy giữ vị trí thứ hai và Việt Nam hiện đứng thứ ba. Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Thông qua hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, Na Uy và Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho nhau để tiếp tục nâng cao giá trị thủy hải sản xuất khẩu trong đó có việc xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam.