Sáng 7/1, tại phiên thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên xa rời thực tiễn và phải dự báo chính xác cao nhất để không gặp phải các hệ lụy như vấn đề tắc nghẽn, ngập úng đô thị đang “nhức nhối” hiện nay.
Ông Tuấn đề nghị chính sách liên kết vùng phải thực chất. Hiện nay không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế. Việc này do thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển liên kết vùng; còn tình trạng cục bộ địa phương; cơ chế điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh.
Trong quy hoạch, theo ĐB cần nêu rõ hơn cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên kết vùng làm định hướng, căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Quy hoạch tổng thể quốc gia phân định cả nước thành 6 vùng gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đồng ý cần thiết phải cho ra đời quy hoạch quốc gia này càng sớm càng
tốt, bởi vì hiện nay theo quy định của Luật Quy hoạch thì quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành đều căn cứ vào quy hoạch quốc gia, "có nghĩa ta làm từ trên làm xuống". Nếu không ban hành được quy hoạch quốc gia thì không phê chuẩn, phê duyệt được, "sẽ làm ách tắc tất cả những vấn đề triển khai ở dưới".
Bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng và tính khả thi của quy hoạch, ĐB Hạ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phương pháp lập quy hoạch. Ông đánh giá, lập quy hoạch quốc gia rất đúng với định hướng, quy trình và quy định. Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương để lấy ý kiến. Hiện nay có 2 tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh đã được phê duyệt quy hoạch, còn lại 61 tỉnh, thành chưa có.
Ông băn khoăn, địa phương góp ý thế nào khi họ chưa có quy hoạch của tỉnh và khi lập cũng phải mời tư vấn. Chất lượng góp ý quy hoạch quốc gia thế nào để sau này triển khai cho tốt, thuận lợi.
Về vấn đề tích hợp quy hoạch, ông Hạ nêu thực tế, tích hợp hay kết nối giữa các quy hoạch khó khăn, nhất là giữa các địa phương.
"Khi đi một con đường rất đẹp nhưng thấy một đoạn khúc khuỷu, đi sang bên kia lại thấy đẹp. Tôi hỏi tại sao lại như vậy. Hóa ra đó là khúc kết nối giữa 2 huyện hoặc giao giữa 2 tỉnh", ĐB đặt vấn đề địa phương chỉ biết đến lĩnh vực, địa phận của mình.
Ông cũng nói, tích hợp như thế nào giữa quy hoạch phát triển KTXH với quy hoạch xây dựng. ĐB nêu, ở nhiều nước trên thế giới tách 2 quy hoạch này ra vì "một cái mang tính chất định hướng không gian nhưng một cái là tương đối cụ thể".
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2045 nước ta phát triển công nghiệp hiện đại và có thu nhập cao, ĐB Tạ Văn Hạ đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá kỹ hơn những tiềm năng, tiềm lực. Ông dẫn chứng ngành công nghiệp, nước ta đã xây dựng manh nha được một nền công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Có những thời kỳ ta thấy tự hào công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, nước Anh còn đặt chúng ta mấy con tàu. Nhưng trong quá trình quản lý, quản trị, đầu tư có thể là thực hiện chưa hiệu quả, một loạt các dự án chưa hiệu quả nhưng rõ ràng nó là tiền đề, nội tại, nội lực của một nền công nghiệp Việt Nam", ông Hạ nói.
Cũng nói về các mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết: "Khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển, đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển thì vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, các nước phát triển thì làm cái nào chất lượng ra cái đó".
Ông cho rằng, nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh, như bị giả thương hiệu, bị bán phá giá, làm cho các ngành sản xuất trong nước đi xuống.
Thời kỳ mới mở cửa, nhiều sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không chỉ do đã đầu tư máy móc hiện đại mà còn do khách hàng yêu cầu các sản phẩm phải đạt được kỹ thuật, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế tại các cơ sở kiểm định.
Vì vậy, theo ĐB, trong quy hoạch cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến với họ.