Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, vượt “bão” đại dịch
Trong Đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 3/2021, khi dịch Covid-19 còn đang phức tạp, Traphaco thống nhất và đồng thuận với chiến lược “Duy trì, giữ vững vị thế số 1 đông dược - tập trung đầu tư phát triển ngoài đông dược”. Năm bản lề của chiến lược “song mã” này, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện khá cao của năm 2020.
Để đạt kế hoạch, các nhà máy đông dược chạy tối đa công suất, nhà máy tân dược Hưng Yên có những dây chuyền chạy liên tục 3 ca, hệ thống phân phối khắp 28.000 nhà thuốc không ngày nào nghỉ. Chuỗi sản xuất - bán hàng của Traphaco được duy trì liên tục, không bị đứt gãy ở mắt xích nào, không bị chùng lại ở địa bàn nào, dù ở những thời điểm cam go nhất khi đại dịch bùng phát lần thứ 4 dữ dội ở các tỉnh phía Nam.
“Bám sát chiến lược, bám sát thị trường, động viên năng lực của mỗi người lao động để thúc đẩy năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp là điều kiện để Traphaco phát triển”, lãnh đạo Traphaco chia sẻ.
Kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, Traphaco đạt 1.596 tỷ đồng doanh thu, 195,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt là 21,9% và 38,5%. Theo Traphaco, công ty đã giữ vững thị phần đông dược với các sản phẩm chủ lực như: Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Cebraton, Tottri, mở rộng sang các mảng tân dược với thuốc súc họng TB-Fresh, thuốc nhỏ mắt mũi, thuốc ho…Tại thị trường miền Nam, trong quý III, tăng trưởng doanh số đạt 67%.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thay đổi và thích ứng
Traphaco đã có chiến lược rõ ràng trong việc áp dụng công nghệ và số hóa trong tổ chức và triển khai hệ thống phân phối. Chuỗi phân phối với quy mô 28.000 nhà thuốc trên toàn quốc đã được tích hợp vào hệ thống DMS, quản lý bằng bằng phần mềm thống nhất, tới từng trình dược viên.
Bên cạnh đó, kho dữ liệu cũng liên tục được tích hợp từ đó cho đến nay. Nhờ vậy, công ty có thể dự báo được mức độ các khu vực bị ảnh hưởng doanh số, mức độ tồn hàng tại mỗi nơi để có phương án luân chuyển hàng tới khu vực có nhu cầu cao, không để tình trạng kệ trống thuốc, góp phần đảm bảo chuỗi sản xuất - bán hàng thông suốt, không bị đứt gẫy bất cứ thời điểm nào.
Đại diện Traphaco cho biết, trong quy trình sản xuất, các khâu, các công đoạn, cân đo đong đếm nguyên vật liệu, ra thành phẩm… đều được tự động hóa hoàn toàn. “Chuyển đổi số, hiện đại hóa sản xuất, cải tiến quản trị để nhanh chân nắm bắt các cơ hội từ lâu đã là những ưu tiên trên con đường dài của Traphaco”, vị đại diện này khẳng định.
Xây dựng 6 giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp
Hơn 2 năm trước, Traphaco xây dựng 6 giá trị cốt lõi của văn hóa Traphaco giai đoạn mới: “Trung thực - Dũng cảm - Chủ động - Kết nối - Sáng tạo - Trách nhiệm”. Ban lãnh đạo Traphaco xác định, lãnh đạo phải thực thi trước để làm gương.
Chia sẻ về những công việc cho các tháng còn lại của năm 2021 và 2022, lãnh đạo Traphaco cho biết, công ty sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm gia tăng hàng tự sản xuất, chuyển giao công nghệ để sớm có thêm các sản phẩm mới ra thị trường.
Những ngày cuối năm 2021, Ban chuyển giao công nghệ giữa cổ đông lớn Tập đoàn dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc) và Traphaco đang làm việc tất bật. Theo kế hoạch, năm 2021 - 2022, sẽ có ít nhất 5 sản phẩm thuộc các nhóm thuốc tân dược được chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025, hai bên đặt mục tiêu có ít nhất 70 sản phẩm được chuyển giao công nghệ. Daewoong hiện có thế mạnh ở nhóm thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, vốn là những nhóm bệnh rất cần sản phẩm tốt, giá cả phù hợp ở Việt Nam hiện nay.
Trước đó, tháng 11/2021, Hội đồng quản trị Traphaco đã ban hành nghị quyết về mô hình tổ chức công ty cổ phần Traphaco và nghị quyết về ma trận phân quyền quy định phạm vi công việc ở Traphaco. Động thái tái cấu trúc này được kỳ vọng là tiền đề, tạo động lực để Traphaco bước sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn.
Minh Hòa