Sáng 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với một bộ ngành trong năm mới Kỷ Hợi. Tham dự còn có một số trưởng ngành các lĩnh vực như Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…
Trong bản báo cáo ngắn gọn dài khoảng 10 phút, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh chặng đường đổi mới, sáng tạo và phát triển của đất nước vẫn còn dài ở phía trước. Đặc biệt là những khó khăn, thách thức còn nhiều và ngày càng gay gắt.
Ông khẳng định những hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục khắc phục triệt để. Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
Bộ KH&ĐT cho rằng phân vùng lại kinh tế giúp tạo ra các không gian tăng trưởng mới. Ảnh minh họa: Sơn Hải Nguyên. |
Ông cũng thay mặt Bộ KH&ĐT gửi tới Thủ tướng một số kiến nghị.
Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng cho phép triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án về mô hình tổ chức cơ quan Bộ theo hướng hình thành một cơ quan có chức năng chủ yếu về cải cách và phát triển.
Bộ cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo tổ chức họp Hội đồng quy hoạch quốc gia và sớm nghe Bộ KH&ĐT báo cáo về đề án phân vùng kinh tế để kịp thời phục vụ cho công tác xây dựng quy hoạch vùng...
Ngoài ra, Chính phủ sớm ký Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Quy hoạch và một số nghị quyết liên quan.
Theo Bộ KH&ĐT, các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020. Để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, tạo ra không gian mới cho tăng trưởng, cải cách kinh tế, thì phải tiến hành phân vùng để lập các quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030.
Bộ đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.
Đó là vùng Đông Bắc (7 tỉnh): Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Vùng Tây Bắc (7 tỉnh): Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh): Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Vùng Nam Trung Bộ (duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh/thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 9 tỉnh/thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là các văn bản được các bộ, ngành, địa phương rất mong chờ để sớm triển khai các hoạt động xây dựng quy hoạch theo quy định của Luật, phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với thời gian tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc và các cấp.
Ba là, Bộ KH&ĐT cũng trình Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức, nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác tham mưu cơ chế, chính sách. Việc này sẽ tăng cường sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, tham mưu cơ chế, chính sách. Từ đó rút ngắn thời gian tham gia, góp ý cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian cho việc tổ chức họp nhiều vòng trước khi xem xét, quyết định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
Bốn là đề xuất cho phép Bộ KH&ĐT xây dựng đề án thực hiện xây dựng trung tâm điều hành kinh tế - xã hội của ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê theo hướng phù hợp với định hướng xây dựng chính phủ điện tử, tích hợp cơ sở dữ liệu lớn, gắn với định hướng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
(Theo Zing)