Trận động đất mạnh 7,6 độ richter kèm theo hàng trăm dư chấn ở Kahramanmaraş, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều tòa nhà chung cư đổ sập.
Trong đó, có chung cư vừa mới được xây dựng khoảng một năm tại Malatya đã bị đổ sập hoàn toàn trước mặt nhiều người. Tòa nhà bị đổ sập này là một trong 2 khối nhà tại dự án Asur Residences. Đây là 2 tòa nhà mới được hoàn thành, nhiều căn hộ bên trong vẫn chưa có người dọn đến.
Theo kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 28/1, đã có người rao bán căn hộ trong tòa nhà này với giá 2,85 triệu Lira (hơn 3,5 tỷ đồng). Đáng chú ý là, ở mô tả về tòa nhà trong quảng cáo có viết: "Tòa nhà tuân thủ các quy định về chống động đất mới nhất, các vật liệu được hoàn thiện với chất lượng tốt và thợ xây dựng tay nghề loại 1".
Trong khi nhiều dư chấn vẫn xảy ra, các chuyên gia cảnh báo người dân không nên vào bên trong khối nhà chưa bị đổ sập. Tuy nhiên, điều khiến mọi người thắc mắc là vì sao một dự án quảng cáo tuân thủ quy định phòng chống được động đất lại không thể trụ vững khi xảy ra các dư chấn.
Số người chết sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra câu hỏi về các tiêu chuẩn xây dựng áp dụng cho các tòa nhà. Nước này đưa ra các quy định xây dựng mới, yêu cầu công trình phải có khả năng chống chịu động đất. Các quy định này được áp dụng sau khi xảy ra trận động đất ở Izmit, hồi năm 2019 khiến 17.000 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, các quy định được thực thi một cách lỏng lẻo ở một quốc gia mà có hơn 1/2 số tòa nhà được xây dựng trái phép, tờ The Guardian cho hay.
Trong khi nhiều chuyên gia đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng của 2 trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, xuất phát từ lý do tâm chấn tương đối nông và trận động đất nằm trên đường đứt gãy Đông Anatolian gây thiệt hại lớn. Sau vụ động đất, nhiều người đã nhìn thấy bằng chứng về việc chất lượng xây dựng kém.
Ross Stein - người đứng đầu công ty thiết lập mô hình thảm họa Temblor chuyên đánh giá mức độ địa chấn cho rằng: "Yếu tố đầu tiên là chất lượng xây dựng. Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua trận động đất kinh hoàng ở Izmit năm 1999 và đưa ra các quy chuẩn xây dựng hiện đại sau đó vài năm. Thế nhưng, vì sao các tòa nhà lại sụp đổ trong trận động đất này? Có phải các tòa nhà cũ, được xây hơn 20 năm trước? Hay do các tòa nhà mới xây nhưng không được thiết kế đúng cách".
Tiến sĩ Henry Bang, chuyên gia địa chất và quản lý thảm họa tại Trung tâm Quản lý Thảm họa Đại học Bournemouth (Anh) cho biết: "Một số tòa nhà đổ sập xuống hoàn toàn, trong khi nhiều tòa nhà đổ sập xuống như một bộ bài xếp chồng lên nhau. Điều này cho thấy hầu hết tòa nhà không có các tính năng chống động đất".
Trong khi đó, Giáo sư Ian Main, chuyên gia về địa chấn học và vật lý tại Đại học Edinburgh (Anh) cũng cho rằng: “Nhìn vào một số hình ảnh của các tòa nhà bị hư hại, rõ ràng là hầu hết chúng không được thiết kế để chịu được những trận động đất rất mạnh. Điều này xảy ra do tường và sàn không được liên kết với nhau đủ chắc chắn, mỗi tầng đổ sập xuống tầng dưới để lại một tấm bê tông không có các khe hở ở giữa, có nghĩa cơ hội sống sót cho ai ở bên trong là rất thấp".
Vị giáo sư này nhận định: "Cần có các quy định phòng chống động đất khi xây nhà để tránh tình trạng này. Nhưng quy định lại không được thực hiện đúng, nên không có gì lạ khi thấy một số tòa nhà ít bị hư hại còn các tòa nhà bên cạnh lại sập, do xây dựng cẩu thả hoặc dùng vật liệu kém".
Sau một số trận động đất hồi năm 2011, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan cho rằng, quá trình xây dựng kém chất lượng khiến nhiều người chết khi xảy ra thảm họa.
Từ lâu, các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị ở Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo các quy tắc để đảm bảo công trình an toàn khi xảy ra động đất không được thực hiện đầy đủ, vấn đề này càng nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng trái phép.
Theo TheGuardian/T24/Diken