Tôi sinh ra ở ven biển Cửa Lò (Nghệ An), trong một gia đình “Tứ đại đồng đường”, mấy đời bám biển. Tới đời bố tôi, 6/7 bác, chú, o đều được ông bà nuôi ăn học rồi đi làm nhà giáo, bộ đội, kinh doanh… Duy có chú út tôi vẫn bám nghề biển, chủ yếu là để gần nhà, chăm sóc ông bà. Những năm đầu đời, bố mẹ đi làm xa, tôi sống dưới sự chăm bẵm của bà nội, chú và mự (mợ). Tôi ít tuổi hơn các em nhà chú mự, lại còi cọc nên lúc nào cũng được chăm sóc đặc biệt. Chú đi đánh cá, có con cá ngon, mực tươi… đều để dành, mang về để mợ nấu bồi bổ cho thằng cháu.
Ngày ấy, hải sản Cửa Lò nhiều lắm, đủ loại tôm, cá, mực, ốc... Quanh sân nhà bà tôi lúc nào cũng đầy ắp những mẹt cá khô. Nhưng tôi ngày ấy chưa biết được vị ngon của bát canh cá, cháo cá, đĩa mực luộc, tôm rim… của bà, của mự. Thứ tôi hay đòi ăn là thịt gà, thịt lợn.
Lên cấp 1, cha mẹ đón tôi ra Hà Nội học tập và sinh sống. Tôi rời ngôi làng ven biển với sự háo hức, mong chờ. Có ngờ đâu, chỉ vài ngày xa bà, tôi đã nhớ da diết bữa cơm quê, mùi mặn mòi của biển, mùi cá khô quanh nhà cùng cảm giác sung sướng khi lao chân đất ra bãi biển.
Cứ tuần cuối tháng 5, trường vừa bế giảng, tôi sắp xếp quần áo, sách truyện, nằng nặc đòi cha đưa về quê nội. Cha thường xin nghỉ phép vài ngày để đưa tôi về.
Mấy tháng hè là thời điểm mực nháy quê tôi nhiều vô kể. Buổi tối, cơm nước xong xuôi, tôi, thằng Cò - em con chú ruột theo chú, cha và vài người hàng xóm, lên chiếc thuyền tre để ra biển câu mực. Cái thuyền ấy, ở quê tôi hay gọi là thuyền mủng. Chú mang theo đèn măng sông và mấy chiếc cần tự chế.
Chỉ chừng 2 tiếng, chiếc xô anh em tôi mang theo đã được chú với cha chất đầy mực. Chú bảo tôi, mực nháy ngon thường có thân mình trong suốt, da nhấp nháy khi vớt khỏi nước biển, cảm giác như thấy các tia phản quang trên thân. Sau này người ta cũng quen gọi đó là món mực nhảy, ý là chỉ con mực tươi rói, vẫn nhảy tanh tách.
Áng chừng đủ bữa ăn đêm cho cả nhà, cha và chú rời thuyền về. Anh em tôi thường ngủ quên, có lúc cha phải cõng về.
Xô mực vừa về tới nhà, mự tôi nhanh tay chất bếp củi, bắc nồi nước rồi rửa sạch mực, vớt ra rổ cho ráo. Những con mực vẫn bật tanh tách, đốm trên lưng lấp lánh kỳ lạ. Chờ nước gần sôi, mự thả thêm gừng đập dập, một chút gia vị rồi chờ sôi bùng lên, thêm củi cho lửa lớn. Mự thả nhanh rổ mực tươi rói vào nồi, luộc 5-7 phút trong lửa to.
Con mực khi gắp ra đĩa có màu hồng, mùi thơm nức, khói bốc nghi ngút. Em họ tôi nhanh chân ra vườn hái thêm ít lá lốt, rau thơm, trái ớt và mang chén nước mắm gừng đặt lên mâm. Cả nhà cứ thế quây quần bên đĩa mực và nồi cháo loãng. Con mực tươi rói, giòn và ngọt đến lạ, chẳng hề thấy mùi tanh. Bà nội thường ngủ sớm mà hễ thấy con cháu sum vầy lại cố dậy ngồi nhìn, phe phẩy cái quạt mo để các cháu bớt nóng.
Sau này, càng lớn, tôi càng ít cơ hội được về quê, theo chú ra biển câu mực. Hơn chục năm trước, chú tôi nghỉ nghề biển. Mỗi lần, tôi về quê đúng mùa mực nháy, chú mự chạy khắp làng để tìm mua để chiêu đãi con cháu. Thỉnh thoảng, nếu có công tác qua Cửa Lò chóng vánh, tôi cũng ghé nhà hàng tìm món mực nháy, ăn một bữa thật no cho bớt nhớ quê.
Hương vị món mực nháy quê nhà Cửa Lò, Nghệ An cứ thế mà theo tôi đi khắp nơi. Với đặc thù công việc, tôi được đến nhiều nơi, thưởng thức đặc sản đủ vùng miền. Chỉ riêng mực, tôi đã ăn khắp từ Quảng Ninh, Hải Phòng, tới Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… Có khi, tôi cùng bạn bè chi vài triệu đồng để trải nghiệm câu mực đêm ở biển, nhưng thường, cuối buổi, món mực chúng tôi ăn vẫn là mực nhà hàng đã mua sẵn. Mực ở các vùng biển du lịch đâu còn nhiều để mà mỗi tối cả trăm khách thi nhau câu.
Mực bây giờ cũng chế biến đa dạng món khác nhau như hấp bia, nướng muối ớt, nhúng giấm, gỏi, nhồi thịt… Nhưng thật lòng, tôi không thấy nơi nào có loại mực nháy “nhỏ mà có võ” như Cửa Lò quê tôi. Món mực ngon nhất vẫn là món nguyên bản nhất, chẳng cầu kỳ gia vị, chế biến cũng đơn giản.
Chỉ tiếc rằng, bây giờ, tìm được mực nháy tại chính Cửa Lò cũng không còn dễ...
Độc giả: Trần Nam
Theo bạn, mực ở địa phương nào ngon nhất Việt Nam? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về email [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên báo VietNamNet theo qui định toà soạn.