Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 1/11 khá tích cực với nhiều nhóm cổ phiếu trong đó có ngân hàng, chứng khoán, thủy sản,... tăng điểm khá mạnh. Nhóm VN30 có lúc tăng 17 điểm, trong đó Vinamilk tăng 3,9%. VN-Index gần cuối giờ sáng có lúc tăng 12 điểm và hướng tới ngưỡng 1.050 điểm.
Tuy nhiên, sức cầu yếu trong khi nhu cầu bán vẫn xuất hiện, qua đó ngăn cản đà tăng giá của nhiều cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch đầu tháng 11, chỉ số VN-Index tăng 5,81 điểm, lên 1.033,75 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,92% lên 212,35 điểm. Thanh khoản trên toàn thị trường khá yếu, đạt 11.700 tỷ đồng, trong đó có 10.738 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Như vậy, dòng tiền vẫn khá yếu và chỉ số VN-Index chưa thoát khỏi vùng 1.000 điểm. Đây là mức tâm lý quan trọng nhiều năm.
Dòng tiền vào thị trường khá yếu và có thể chưa có nhiều chuyển biến trong ngắn hạn sau khi bị rút mạnh ra khỏi thị trường do nhiều nguyên nhân.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vào đầu giờ chiều có lúc rập rình tăng mạnh với nhiều mã lên tới mức giá trần. Nhưng tới cuối phiên, mức tăng không còn mạnh. Vietcombank, Techcombank, TPBank, Sacombank, VPBank cuối phiên giữ được mức tăng khá. Trong khi đó, BIDV và Vietinbank chuyển sang giảm giá.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, trong đó có Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Novaland (VIC) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn, Phát Đạt (PDR),... kìm hãm đà hồi phục của thị trường với diễn biến xấu trong gần như suốt phiên. Dù vậy, đóng cửa Vingroup và Novaland vẫn giữ được mức giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tín hiệu tích cực trong phiên đầu tháng 11 do nhiều đầu tư tin tưởng một số tổ chức tín dụng có thể sẽ đón tin vui về room tín dụng.
Theo SSI Research, số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, huy động vốn tăng 4,8%. Như vậy, chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ (mặc dù chưa quá rõ ràng), sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong hai tháng qua. Dư địa tín dụng cho 2 tháng cuối năm vãn còn khoảng 2-3%.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu giảm do kết quả kinh doanh kém và ngành chịu tác động tiêu cực từ sức tiêu thụ giảm, giá sản phẩm ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao.
Nhóm cổ phiếu thép giảm mạnh nhiều phiên sau khi các tập đoàn lớn như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen cho tới các doanh nghiệp nhỏ hơn như Thép Vicasa, Thép Thủ Đức,... đều báo lỗ nặng, thậm chí lỗ kỷ lục trong quý III/2022 khi ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ.
Không chỉ đối mặt với tình sản xuất kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp nhiều ngành chị áp lực từ một mặt bằng lãi suất tăng, hạn mức tín dụng thu hẹp.
Trong quá khứ, giới đầu tư đã chứng kiến nhóm bất động sản chịu ảnh hưởng rất tiêu cực từ đợt lãi suất tăng cao thời kỳ 2011-2013. Lãi suất cao gây ra sự trầm lắng cho thị trường địa ốc trong một thời gian dài.
Trên thị trường tài chính, lãi suất liên ngân hàng có tín hiệu giảm trở lại và thanh khoản hệ thống tích cực. Thống kê cho thấy, lãi suất qua đêm trên thị trường ngân hàng giảm khá mạnh vào cuối tuần qua, từ mức 7,2%/năm giữa tuần xuống còn 4,79%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm xuống mức 7,65%/năm so với mức trên 10% trong vòng một tuần.
Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước có phiên bơm tiền ròng sau khi liên tục hút ròng trước đó nhằm làm giảm tâm lý kỳ vọng trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá USD/VND ổn định sau một đợt tăng khá mạnh.
Trên thế giới, nhiều thị trường chứng khoán, trong đó có Mỹ tăng khá mạnh thời gian gần đây.
Tuy nhiên, rủi ro lạm phát cao và suy thoái kinh tế còn lớn.
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố lạm phát tháng 10 lên mức kỷ lục mới: 10,7% (so với cùng kỳ), so với mức 9,9% ghi nhận trong tháng 9. Mức lạm phát này vượt dự báo của các nhà kinh tế. Giá năng lượng tăng hơn 41,9% so với cùng kỳ 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%. Lạm phát cốt lõi - không bao gồm nhiên liệu - cũng tăng lên 5%, từ mức 4,8% trong tháng 9.