Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2016 có chủ đề “Chính phủ điện tử hỗ trợ phát triển bền vững” vừa được Liên hợp quốc chính thức phát hành.

Đây là lần thứ chín Liên hợp quốc thực hiện báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của tổ chức mình một cách tương đối thông qua việc khảo sát, đánh giá kết quả các quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được trong 3 nhóm chỉ số thành phần gồm: chỉ số dịch vụ công  trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và chỉ số nguồn lực (HCI).

Với báo cáo này, 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã được đánh giá, xếp hạng theo 4 mức độ cả về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cũng như các chỉ số thành phần: dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, nguồn lực. Trong đó, mức rất cao có điểm lớn hơn 0,75 (theo thang điểm 1); mức cao là từ 0,5 - 0,75; mức trung bình từ 0,25 đến 0,5 điểm và mức thấp có điểm nhỏ hơn 0.25.

Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016  ghi nhận sự gia tăng trong 2 nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử rất cao và cao. Cụ thể, năm nay trong 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, có 29 nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử rất cao, tăng 4 nước so với năm 2014. Slovenia, Lithuania, Thụy Sỹ và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) là những nước mới gia nhập nhóm các nước dẫn đầu trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử.

Cũng theo báo cáo mới công bố, 5 quốc gia dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 là Anh, Úc, Hàn Quốc, Singapore và Phần Lan. Đây là những nước có chỉ số Chính phủ điện tử và các chỉ số thành phần gồm dịch vụ công trực  tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn lực đều đạt điểm rất cao. Đơn cử như, với Vương quốc Anh, cùng với việc đạt điểm tuyệt đối (1 điểm) về chỉ số dịch vụ công trực tuyến, các chỉ số hạ tầng viễn thông, nguồn lực và chỉ số chung về Phát triển Chính phủ điện tử lần lượt là 0,8177; 0,9402 và 0,9193 điểm.

Tương tự, nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao cũng đã tăng trưởng, từ 62 nước (năm 2014) lên 65 nước. Trong khi 3 nước gồm Antigua & Barbuda, Ai Cập và Fiji đã bị giảm từ nhóm các nước có chỉ số phát triển cao năm 2014 xuống nhóm nước có chỉ số phát triển trung bình; cùng với 7 nước khác, 3 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Thái Lan và Philippines đã được Liên hợp quốc đánh giá có sự cải thiện đáng kể về phát triển Chính phủ điện tử so với năm 2014, do đó đã “nhảy” từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình lên nhóm có chỉ số phát triển cao.

Đặc biệt, theo báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hợp Quốc, với việc đạt được 0,5143 điểm, Việt Nam xếp hạng 89 trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 bậc so với năm 2014 nhưng lại tụt xuống vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN (năm 2015 Việt Nam đứng 5 trong 11 nước ASEAN), sau các nước: Singapore (thứ 4 thế giới và thứ nhất ASEAN); Malaysia (60, 2); Philippines (71, 3); Thái Lan (77, 4); Bruney (83, 5).

Trong đó, năm 2016, chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam được đánh giá cao, đạt 0,57 điểm, tăng 0,16 điểm so với năm 2014; tuy nhiên 2 chỉ số thành phần là hạ tầng viễn thông và và nguồn lực lại giảm nhẹ so với 2014.

Trái ngược với sự tăng trưởng của 2 nhóm nước có chỉ số Chính phủ điện tử rất cao và cao, năm 2016, nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình chỉ còn 67 nước, thay cho số lượng 74 nước của năm 2014. Số lượng các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử thấp vẫn là 32 nước, bằng với kết quả khảo sát năm 2014. Liên hợp quốc nhận định, xu hướng trên cho thấy nhiều nước đã có sự tiến bộ trong phát triển Chính phủ điện tử để có thể  đáp ứng được những nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của con người.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, tháng 10/2015, Chính phủ đã ra Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Nghị quyết này cũng đã xác định một trong những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đến năm 2017 là cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công  trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn lực; phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.