Món cơm cuộn rong biển thường xuất hiện trong các bộ phim Hàn. Ảnh: Extraordinary Attorney Woo/Netflix. |
Kimbap thường có nhiều nguyên liệu khác nhau, gần giống với bánh mì kẹp ở phương Tây. Món ăn này rất dễ kiếm, không tốn kém và thuận tiện cho cả bữa sáng, trưa hoặc tối, theo The Korea Herald.
Trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng, món ăn đa năng này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong bộ phim truyền hình ăn khách The Glory, nhân vật chính Moon Dong-eun, do diễn viên Song Hye-kyo thủ vai, thường chỉ ăn kimbap.
Nữ chính rất muốn trả thù những kẻ bắt nạt đã hủy hoại cuộc đời cô ở trường trung học đến nỗi chỉ xem thức ăn như một phương tiện sinh tồn.
Còn trong một bộ phim truyền hình khác, Extraordinary Attorney Woo, nhân vật chính ăn kimbap với một lý do khác. Món ăn như phép ẩn dụ cho sự ngây thơ như trẻ con của luật sư mắc chứng tự kỷ Woo Young-woo.
Kimbap là một trong những món ăn phổ biến, đặc trưng với người Hàn. Ảnh: nomadparadise. |
Bữa ăn cô độc
Kimbap có một ý nghĩa quan trọng với cuộc sống của Moon trong The Glory.
Món ăn gợi lại những ký ức cay đắng về quá khứ đau thương của cô. Tuy nhiên, đó là thứ cô tiếp tục ăn để luôn nhắc nhở chính mình về mong muốn trả thù.
Nó cũng đại diện cho sự cô độc trong cuộc sống của nữ chính, vì cô không có bạn bè để dùng bữa cùng và không quan tâm đến việc ăn uống.
Là nạn nhân của bắt nạt học đường, Moon bị đuổi học oan uổng và phải làm việc tại một nhà hàng kimbap. Đó là nơi học sinh sẽ đến ăn vặt sau giờ học, khiến cô nhớ lại cuộc đời bị hủy hoại của mình.
Kimbap tiếp tục hiện diện khi nữ chính trưởng thành. Trong tập 2, Moon ăn cơm cuộn sau khi rời khỏi nhà của một học sinh mà cô dạy kèm, người đã quấy rối tình dục cô suốt thời gian qua.
Nhà thơ và nhà giáo dục Hàn Quốc Lee Jae-moo từng mô tả kimbap qua một bài thơ anh đăng trên Facebook: "Kimbap là món ăn mà bạn chọn khi phải ăn vội. Đó là bữa ăn cho những người khao khát một ngôi nhà của riêng họ trên Trái đất hơn là lên thiên đường. Đó là một bữa ăn tối tăm như đường hầm và có thể khiến bạn bị nghẹn".
Chỉ số kimbap
Chỉ số Big Mac thường được sử dụng như một thước đo để đo sức mua tương đương giữa hai loại tiền tệ và lạm phát giữa các quốc gia.
Còn người Hàn Quốc thường đo lường mức độ lạm phát từ giá của một cuộn kimbap được bán tại các quán ăn địa phương, gọi chung là chỉ số kimbap.
Tỷ lệ lạm phát cao khiến một món ăn bình dân như kimbap cũng ngày càng đắt đỏ. Ảnh: Yummyboy. |
Khi thương hiệu kimbap lớn nhất Hàn Quốc Kimbap Heaven lần đầu tiên mở cửa vào giữa những năm 1990, một cuộn - thường phục vụ cho một người - có giá khoảng 1.000 won.
Giờ đây, giá của kimbap cơ bản, rẻ nhất ở mức 2.500-3.000 won/cuộn. Thị trường còn đang bị chi phối bởi các loại kimbap đặc sản chứa đầy những món ngon có thể có giá lên tới 10.000 won/cuộn.
Từ tháng 10/2022, kimbap là một trong những mặt hàng thực phẩm tăng giá mạnh nhất do lạm phát, ở mức 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
"Chúng không còn rẻ nữa. Trừ khi là món kimbap được phục vụ ở nhà ăn công ty, còn không, tôi sẽ không ra ngoài để mua món này với mức giá hiện tại", Nam Young Woo, nhân viên văn phòng ở Seoul, cho biết.
Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết: "Chi phí ăn uống bên ngoài của người Hàn Quốc có thể tăng lên cùng với sự gia tăng của giá nguyên liệu thô và lạm phát".
Theo Zing