Ngày 1/12/2015, Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015 đã được tổ chức tại Hà Nội. Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2015 với chủ đề “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại” do 4 đơn vị Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, Cục CNTT - Bộ Quốc phòng và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đồng tổ chức.
Phiên khai mạc toàn thể hội thảo Ngày an toàn thông tin Việt Nam có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; Trung tướng Ngô Văn Sơn, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban cơ yếu chính phủ; PGS.TS Phạm Ngọc Lãng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại Internet, trong đó hầu như mọi dữ liệu, thông tin đều được trao đổi thông qua không gian mạng. Sự xuất hiện của các xu hướng công nghệ mới như big data, điện toán đám mây , sự tích hợp và hội tụ của truyền thông xã hội, di động, Internet of things… đang tạo ra những cơ hội to lớn cho người sử dụng nhưng mặt khác cũng nảy sinh những nguy cơ ngày càng tăng về mất an toàn thông tin và tội phạm mạng.
Theo báo cáo Global Rick 2015 (công bố tháng 2/2015) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (công bố tháng 2/2015), 90% các công ty trên toàn thế giới tự thừa nhận mình chưa được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng. Những thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu lên tới hơn 400 tỷ USD/năm.
Đối với Việt Nam, theo Thứ trưởng, hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề như nhận thức và công tác đảm bảo an toàn thông tin còn ở thế bị động. Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức,doanh nghiệp ở Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra.
Hệ thống pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin còn thiếu, chưa đầy đủ nên còn chưa có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý cũng như biện pháp kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng.
Đồng thời, hiện cũng chưa có quy trình phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong việc phòng chống, điều phối, xử lý các sự cố mất an toàn thông tin mạng.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc hại ở mức cao. Vấn nạn này gây ra những thiệt hại lớn, đồng thời đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam trong thế giới số.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra cho chúng ta hiện nay là làm sao để xây dựng và kiện toàn được khả năng chuẩn bị đối phó, xử lý các sự cố mất an toàn thông tin và tấn công mạng một cách hiệu quả nhất với các điều kiện kinh tế còn hạn chế hiện nay”.
Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số nội dung cấp thiết cần triển khai trong thời gian tới, đó là: Tăng cường hơn nữa nhận thức của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân về an toàn thông tin; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là giới trẻ; Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các lĩnh vực an toàn thông tin. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần tạo dựng được một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành, địa phương trong việc đảm bảo an toàn thông tin, xử lý sự cố an ninh mạng; đồng thời tăng cường diễn tập, điều phối xử lý ứng cứu sự cố với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau.
Đáng chú ý, tại hội thảo, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã công bố chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2015 - VNISA Index 2015. Theo đó, chỉ số trung bình của Việt Nam đạt 46.4%, tuy ở dưới mức trung bình 50% và vẫn còn sự cách biệt với các nước như Hàn Quốc (hơn 60%), song so với năm 2014 thì đã có bước tiến rõ rệt, đã tăng 7,4%.
Giải thích cho sự tăng điểm đáng kể trên, TS. Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNISA cho rằng các biện pháp quản lý là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế vì năm qua, chúng ta đã tăng cường được sự nhận thức về ATTT. Các biện pháp quản lý được chú trọng, được áp dụng nhiều gấp rưỡi so với năm 2014. “Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt của lĩnh vực an toàn thông tin, cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam. Quốc hội vừa thông qua Luật An toàn thông tin. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản cấp luật trong lĩnh vực này”, ông Thành nói.