- Đào tạo không tính tới yếu tố thị trường, đội ngũ giảng viên mỏng, chi phí cho sinh viên quá thấp được cho là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng giáo dục đại học còn nhiều bất cập.
Tại hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học diễn ra ngày hôm qua, 7/1, hiệu trưởng gần 300 trường ĐH cả nước đã cùng nhau mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đại học đi xuống, tỉ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm đang tăng lên. Nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất.
"Trường nào yếu quá thì dẹp đi"
Khẳng định tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân đại học của Việt Nam hiện nay là bình thường, thậm chí thấp hơn nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho rằng, tương lai, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam càng cần nhiều cử nhân hơn nữa.
Ông Dũng bày tỏ sự nghi ngờ về số liệu 197 ngàn cử nhân thất nghiệp bởi lẽ "định nghĩa về thất nghiệp thế nào thì chưa rõ". Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận việc sinh viên thất nghiệp bắt nguồn từ nguyên nhân việc đào tạo vượt quá nhu cầu hoặc không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng nên xem xét lại số liệu gần 200 ngàn cử nhân thất nghiệp. |
Chia sẻ quan điểm này, GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đào tạo đại học thời gian qua đi xuống là do số lượng sinh viên tuyển vào quá nhiều so với năng lực thực tế của các trường.
"Có những lớp sinh viên trước đây chỉ 20 người bây giờ tăng 7-8 chục người" - ông Vui nói.
Sinh viên quá đông khiến việc đào tạo chỉ thiên về lý thuyết mà ít có thực hành. Ông Vui nêu ví dụ về trường y là trường "hot" của ĐH Thái Nguyên nhưng đào tạo một lớp có đến 5-6 chục sinh viên rồi đưa xuống các bệnh viện thực tập khiến các bác sĩ phải nói rằng không biết xếp các em làm việc gì.
TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM cho rằng, ông không cho rằng chất lượng giáo dục đại học Việt Nam "đi xuống" mà đang phát triển đi lên, nhưng chậm.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Sen chính là do đã "đẻ" ra quá nhiều trường ĐH không đúng chuẩn, dẫn đến đào tạo tràn lan không kiểm soát được chất lượng.
"Bây giờ phải lập lại trật tự. Bộ trưởng phải ra tay bình định khu vực này" - ông Sen nêu vấn đề. "Trường nào yếu quá thì không nên để tồn tại. Ví dụ số lượng giảng viên là tiến sĩ ít quá thì không tồn tại được. Một trường mà 5-10 tiến sĩ thì ĐH cái gì" - ông Sen gay gắt.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục đại học không đảm bảo, sinh viên ra trường thất nghiệp là bắt nguồn từ phía "nguồn cung", đặc biệt là khâu dự báo thị trường không tốt, những ngành thừa thì nguồn cung dồi dào trong ngành cần thì vẫn thiếu.
Từ đó, ông Nhạ cũng khẳng định, để khẳng định tình trạng này, tới đây, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch rà soát lại mạng lưới ĐH theo hướng để thị trường điều chỉnh chứ không can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
"Các trường phải tiến hành kiểm định chất lượng. Trường nào xét thấy không trụ nổi thì tôi nghĩ chính các trường muốn khai tử chứ không muốn kéo dài sự tồn tại lâm sàng. Phải chấp nhận trong cạnh tranh sẽ có chia tách, sáp nhập giải thể phát triển" - ông Nhạ khẳng định.
"Một trường mà 5-10 tiến sĩ thì đại học cái gì?"
Những khó khăn trong vấn đề đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu cũng là nguyên nhân được nhiều đại biểu cho rằng khiến chất lượng giáo dục ĐH không đạt được chất lượng như mong muốn.
Ông Võ Văn Sen chia sẻ rằng, ông cảm thấy rất đau buồn khi nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại thông tin mà ai cũng biết là đội ngũ thầy cô giáo chỉ có 17% là tiến sĩ thôi. Từ đó, ông Sen cho rằng, chúng ta chưa chọn được không chốt yếu để đầu tư cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học mà theo ông Sen thì đó chính là đội ngũ người thầy.
"Nếu quyết tâm và quan tâm tới vấn đề thầy cô giáo thì 10 năm qua đã thay đổi rất nhiều rồi, bộ mặt giáo dục chúng ta cũng sẽ phát triển với tốc độ ngang bằng thế giới" - ông Sen khẳng định.
GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên. |
Trong khi đó, GS Đặng Kim Vui cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay không đúng ngành nghề hoặc chỉ tập trung vào một số ngành nghề nhất định. Bên cạnh đó, những người đi học tiến sĩ xong thường ham làm hiệu trưởng, hiệu phó hơn là chuyên môn.
"Nhiều em học tiến sĩ về lên gặp hiệu trưởng đề nghị xem xét sắp xếp cho việc gì đó để làm. Tôi bảo làm nghiên cứu và giảng dạy là chính chứ còn làm gì hơn được nữa?" - ông Vui chia sẻ.
Trong khi đó, TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. HCM cho rằng, để giải quyết vấn đề đội ngũ giảng dạy cần phải thắt chặt kỷ cương và giao cho hiệu trưởng thẩm quyền giải quyết vấn đề về giảng viên.
"Chúng tôi đầu tư cho đi học, trả lương như thế trả lương gấp trăm lần nhưng không có cơ chế quản lý thì vẫn 1 chân trong trường 1 chân đi dạy khắp các nơi mà hiệu trưởng chẳng làm được gì" - bà Quỳ nêu vấn đề. "Nếu tôi có làm gì làm gì xin lỗi cô tôi đi trường khác, tôi làm trưởng khoa, phó khoa, không ở trường này nữa".
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đội ngũ giảng viên hiện nay quá mỏng và chất lượng thấp khiến chất lượng khó đảm bảo. Tỉ lệ tiến sĩ trong tổng số giảng viên của Việt Nam hiện nay chưa tới 20% chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến tình trạng đào tạo ĐH mà như dạy cấp 4, lớp học cả trăm người, thầy không nhớ nổi tên trò.
Theo ông Nhạ, tới đây, Bộ sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng giảng viên ở các trường trong đó không phân biệt các trường công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, ông Nhạ cho rằng, các trường cần tạo điều kiện tốt nhất để giữ chân những người làm chuyên môn chứ không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.
"Gần 300 trường đại học, có trường nào ra hồn đâu"
Chi phí cho sinh viên quá thấp, cơ sở vật chất còn yếu kém cũng được xác định là nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục đại học.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam phải thừa nhận là thấp. Tuy nhiên, với chi phí mà Việt Nam bỏ ra suất chi phí trên đầu sinh viên thì rất hiệu quả.
Ông Sơn cho rằng, hiện chi phí đào tạo ĐH của Việt Nam chỉ bằng 1/17 Malaysia, 1/15 Singapore hay 1/20 của Hồng Kông là rất thấp, trong khi bối cảnh ngày nay đòi hỏi sự cạnh tranh rất lớn giữa các trường. Với nguồn chi phí như vậy thì các trường không thể tham gia cuộc chơi mang tính hội nhập như hiện nay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chi phí cho đào tạo sinh viên của Việt Nam còn quá thấp khiến chất lượng khó đảm bảo. |
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, chi phí đào tạo cho sinh viên của Việt Nam chỉ khoảng 13 triệu/năm, tính ra khoảng 500 USD. Trong khi đó, mức này ở Mỹ là 16.000 USD với trường công và 36.000 USD với trường tư.
"So sánh thì một trời một vực lấy đâu ra chất lượng?" - ông Nhạ đặt câu hỏi. "Chúng ta phải thực tế". Theo ông Nhạ, điều này dẫn đến các trường hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian cho việc mưu sinh để lấy thu bù chi, duy trì tồn tại nên ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng được coi là vấn đề nan giải khiến chất lượng đào tạo của các trường ĐH không đảm bảo. Ông Nhạ cho rằng, một trường ĐH cho ra ĐH phải môi trường cho sáng tạo với tiện ích đầy đủ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Trong khi đó, ở ta nhiều trường thuê cơ sở, có những trường trông nhà kho nên sinh viên chủ yếu học chay, làm sao sáng tạo được?
"Gần 300 trường ĐH cũng có trường nào ra hồn trường ĐH đâu" - ông Nhạ nói. Từ đó, ông Nhạ khẳng định, tới đây, khi tiến hành kiểm định chất lượng, phân tầng các ĐH thì các trường phải chấm dứt tình trạng lấy các khu tập thể, nhà kho làm lớp học, việc xác định tiêu chí cơ sở thực tế cần phải căn cứ trên điều kiện thực tế chứ không thể "vơ vào".
Từ đó, ông Nhạ khẳng định sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản chính sách để giải quyết những vướng mắc, tồn tại của giáo dục đại học nhằm tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng cho toàn bộ hệ thống.
Lê Văn