LTS: Mời độc giả theo dõi tiếp Phần 3 Tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp: Đổi mới để hội nhập” với 3 vị khách mời:

1.     Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

2.     Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

3.     Bà Nguyễn Lê Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Việt Chuẩn 

>> Xem lại Phần 1"Hội nhập giáo dục nghề nghiệp đã được chuẩn bị công phu"

>> Xem lại Phần 2“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình” 

{keywords}
Từ trái qua phải: Ông Đồng Văn Ngọc, nhà báo Phạm Huyền, ông Vũ Xuân Hùng và bà Nguyễn Lê Hoa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn thủ tục hành chính xin – cho thì rất khó 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Hùng, khi chúng ta triển khai ban hành các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thì liệu còn nguyên nhân nào sâu hơn về mặt kỹ thuật khiến sự hấp thụ chính sách còn chưa được tích cực? Chẳng hạn các điều kiện để chứng minh được những tài sản nhập về là phục vụ cho đào tạo hay sản xuất? 

Ông Vũ Xuân Hùng: Vấn đề chị nêu là chính xác. Hoạt động thực hành thực tập của người học đi theo hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, thế thì bây giờ làm sao chứng minh được máy móc này mua về không phải để sản xuất, để kinh doanh tạo ra sản phẩm hàng hóa mà phục vụ đào tạo? Tất cả mọi thứ liên quan hóa đơn tài chính, liên quan để chứng minh rằng những thứ chi phí nguyên nhiên vật liệu tôi dành cho đào tạo là cái doanh nghiệp đang vướng. 

Chúng tôi cũng đang tập hợp tất cả những khó khăn đó lại để sau này đưa vào phần giải pháp khắc phục điều này, thậm chí có ý kiến với Bộ Tài chính, với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ tiếp. 

Thêm nữa còn chia sẻ thật là có một số doanh nghiệp nói lại rằng chính sách này không bõ gì cả so với tổng thu của người ta để người ta phải mất công đi làm thủ tục mà cuối cùng khoản rất là bé. 

Cho nên nguyên nhân sâu xa vẫn là cơ chế chính sách của nhà nước chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Chưa kể trong quá trình thực hiện các bộ phận, các cơ quan chức năng, chuyên môn cũng lại đặt ra những rào cản rất lớn khiến doanh nghiệp càng không tha thiết. 

{keywords}
 

Nhà báo Phạm Huyền: Ban nãy ông Ngọc có chia sẻ nhiều về câu chuyện dù chính sách là như vậy nhưng bản thân các trường cũng phải thay đổi, đổi mới. Nhưng theo ông cụ thể phải có giải pháp ra sao để xử lý được những nguyên nhân của những hạn chế như hai vị khách của chúng ta vừa nêu? 

Ông Đồng Văn Ngọc: Đây là câu hỏi khó. Thực tế như ông Hùng cũng có nói rồi, đó là cơ chế chính sách của nhà nước cần có thay đổi càng sớm càng tốt theo hướng hỗ trợ, từ nơi ban hành văn bản cho đến các cơ quan quản lý nhà nước lúc nào cũng phải xác định cái “tâm” của mình là hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật. 

Còn nếu còn thủ tục hành chính xin – cho thì tôi khẳng định rất khó tiếp cận. Mặc dù quy định trong luật, quy định dưới luật, thông tư, hướng dẫn… đầy đủ hết, nhưng để giải quyết được vấn đề đó thì không phải đơn giản như những câu từ trong văn bản đâu. 

Ở góc độ đa chiều thì cũng cần đặt vấn đề ngược lại với doanh nghiệp là họ đã đầu tư số tiền đủ lớn vào GDNN để quan tâm đến số tiền đó chưa?   

Nhưng về cơ bản thì đúng là các văn bản quy định pháp luật cần có cách tiếp cận để hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở GDNN để tạo ra sự kết nối, không chỉ là 2 nhà – nhà trường và nhà doanh nghiệp – đâu, mà như ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI nói có 5 nhà cơ, nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp – nhà THPT hay THCS và nhà gia đình. 

Kết nối được 5 nhà này mới giải quyết được chuỗi để nâng cao chất lượng GDNN trong đó để thẩm định được chất lượng thì không ai khác chính là doanh nghiệp, là xã hội thì mới khách quan nhất. Có tiếp cận mở, linh hoạt như vậy chúng ta mới phát triển. 

Mô hình gắn kết “3 nhà” 

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa ông Hùng, trong một bối cảnh như vậy thì ông có thể chia sẻ có mô hình nào mà ông thấy là tiêu biểu, điển hình về hợp tác giữa 3 nhà cũng như là đổi mới, hội nhập trong GDNN. 

Ông Vũ Xuân Hùng: Một mô hình khá điển hình là mô hình chuyển giao đào tạo từ nước ngoài mà hiện nay đang tiến hành với 22 nghề đào tạo của Đức chuyển giao vào Việt Nam từ 2016 đến nay. Chúng tôi bắt đầu đào tạo thí điểm tại 45 trường trong đó có trường thầy Ngọc. 

Thông qua mô hình đó, vai trò 3 nhà thể hiện rất rõ. Theo quy định của Đức, chúng tôi phải thành lập một ủy ban đào tạo nghề để phục vụ cho 22 nghề. Ủy ban đó gồm có đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Theo đúng mô hình của Đức thì họ quy định người học khi tốt nghiệp thì phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phải vào đánh giá chứ không phải nhà trường. Hai là về thời gian đào tạo luân chuyển giữa nhà trường và doanh nghiệp trong suốt 4 năm học. 

Chúng tôi tin mô hình chuyển giao với Đức sẽ thành công và phát triển ổn định ở Việt Nam. Bởi chương trình được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đã điều chỉnh một chút nội dung để phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam. Theo đúng nguyên tắc là khi chuyển giao vào Việt Nam phải giữ nguyên 100%, nhưng sau quá trình đàm phán đi đàm phán lại bên Đức đã đồng ý 10% điều tiết lại nội dung đào tạo để phù hợp thị trường Việt Nam. 

Nếu chương trình này thành công thì không chỉ dừng ở việc nó được chuyển giao cho các trường khác mà quan trọng nhất là công nghệ đào tạo để thể hiện được sự gắn kết giữa 3 nhà như đã đề cập. Đặc biệt là gắn kết chặt chẽ trong quá trình đào tạo giữa một bên là xưởng trường, một bên là xưởng doanh nghiệp, lúc này doanh nghiệp trở thành một nhà trường thứ 2 và nhà trường trở thành một xưởng thực tập của doanh nghiệp. 

{keywords}
 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Hùng, mô hình như ông vừa nói đang trong giai đoạn thí điểm phải không ạ? Vậy thời gian thí điểm là bao lâu và từ bây giờ cho đến lúc chính thức có thể áp dụng trong toàn bộ hệ thống GDNN thì các cơ sở chủ động chuẩn bị như thế nào để đủ năng lực để tham gia?

Ông Vũ Xuân Hùng: Mô hình này bắt đầu từ cuối 2019 và dự kiến kết thúc cuối cùng vào năm 2025. Chúng tôi dự kiến sau khi kết thúc sẽ làm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện, sau đó triển khai nhân rộng.

Toàn bộ các chương trình sau khi chúng tôi chuyển giao xong từ Đức về thì đã chia sẻ với các trường trong hệ thống để tham khảo, xây dựng lộ trình cho mình để triển khai để nếu như sau này mà áp dụng theo thì họ đủ điều kiện để đáp ứng được. Như thế khi mô hình chính thức khẳng định phát triển bền vững tại Việt Nam, ổn định, thực sự có chất lượng thì có thể nhân ra hệ thống nhanh chóng.

Không chỉ chương trình của Đức, hiện chúng tôi cũng có một số chương trình chuyển giao từ bên ngoài triển khai khá thành công. Ví dụ chương trình 12 nghề của Úc vừa rồi đã đào tạo thí điểm tại 25 trường, rồi chương trình chuyển giao từ Pháp, Hàn Quốc cũng đã được thực hiện thời gian qua trong một số dự án. Và hiện nhiều trường trong số 40 – 70 trường chất lượng cao đều đã tiếp cận với chương trình này rồi.

Về cơ bản điểm giống nhau trong các chương trình này là chúng ta tiếp cận được công nghệ đào tạo của nước ngoài nhưng về đã được chuyển hóa vào Việt Nam, tức là mang tính chất của Việt Nam một chút để hài hòa, phát triển bền vững trong môi trường mới.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi muốn quay lại bối cảnh thời sự rất nóng hiện nay là đại dịch Covid-19. Xin ông Ngọc chia sẻ một chút là tình hình học tập, tuyển sinh của năm 2020 của trường có gì cập nhật để thuận tiện cho học viên, thí sinh?

Ông Đồng Văn Ngọc: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng cực lớn đối với hệ thống đào tạo nói chung của Việt Nam trong đó có GDNN. Rất may từ 3 năm trước, trường chúng tôi đã có một chiến lược chuyển đổi số. Đúng thời điểm nghiệm thu hệ thống đào tạo E-Learning để đưa vào thực hiện thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Chúng tôi đã ngay lập tức chuyển đổi hoạt động đào tạo của nhà trường đang trực tiếp sang trực tuyến bằng một hệ thống phần mềm đào tạo.

Thứ 2, chúng tôi mới khánh thành một công trình nữa là phần mềm tuyển sinh chạy trên nền tảng web và app di động. Thí sinh bất cứ nơi nào trên toàn quốc chỉ cần vào trang đó có thể tải app đó về trên điện thoại, chỉ cần gọi điện đến hoặc click vào trong trang thì nhà trường sẽ hỗ trợ.

Chúng tôi cũng đưa ra kịch bản nhập học trực tuyến bằng phần mềm chuyên biệt và chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng có cả kịch bản khai giảng trực tuyến, theo đó các em ở nhà mở điện thoại, máy tính ra là có thể chứng kiến một không gian khai giảng hoành tráng.

Chúng tôi cũng đã xác định nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục thì sẽ tổ chức đào tạo học kỳ 1 bằng hệ thống đào tạo E-Learning.

Khi sinh viên quay trở lại sẽ được học tập lại những nội dung mà các em học chưa đạt chất lượng. Những em ở vùng sâu, vùng xa miền núi tình trạng internet kém sẽ được nhà trường đào tạo lại và toàn bộ hoạt động đào tạo đó nhà trường không tính phí để đảm bảo quản trị chất lượng của nhà trường.

Có thể nói chúng tôi tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ để hỗ trợ các em để các em được hưởng lợi từ hệ sinh thái đó.

{keywords}
 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các khách mời! Trong khi chúng ta đang bàn câu chuyện đổi mới để hội nhập cho giáo dục nghề nghiệp, thì hơn 850 nghìn học sinh vừa bước vào kỳ thi THPT. Các khách mời có thể chia sẻ những gợi ý của mình để giúp thí sinh, phụ huynh có thêm định hướng để chọn trường, chọn nghề sau kỳ thi này?

Ông Vũ Xuân Hùng: Quay lại câu chuyện hội nhập, tôi muốn nói chúng ta đừng nhìn vào bản thân mỗi đất nước mình mà nhìn ra xung quanh thế giới. Ngay các nước phát triển như Đức, Mỹ, Áo... cũng có tới 60 – 80% người học sau THPT, THCS rẽ sang con đường nghề nghiệp. Thành công từ học nghề cũng giúp cho họ tương tự như thành công từ đại học.

Khép lại tôi muốn nói đại học không phải con đường duy nhất, chúng ta cứ đam mê đi, cứ lựa chọn con đường học nghề đi thì sẽ dẫn đến thành công và được doanh nghiệp chấp nhận, tôn trọng, đánh giá như những chuyên gia thực sự giỏi. Mong các bạn trẻ ở ngưỡng cửa cuộc đời hãy có những lựa chọn chính xác để xác định được con đường đi đúng đắn tìm ra được sự thành công trong tương lai.

Bà Nguyễn Lê Hoa: Với tâm trạng cũng là một phụ huynh có con thi cấp THPT đợt này, đại gia đình chúng tôi cũng như tất cả các gia đình khác đều mong muốn động viên các con là hãy cố gắng, tự tin, hãy là chính mình. Ngưỡng của các con ở đâu thì các con hãy là chính mình ở đó.

Bởi vì cái quan trọng nhất là các con đam mê, thích cái gì thì các con sẽ giỏi cái đó, vì khi giỏi cái đó các con sẽ có đầy đủ ngưỡng cửa đón chào các con hội nhập với họ. Và học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp, trường nghề, các con đều có cơ hội trở thành chuyên gia giỏi nếu đủ thích và đam mê thì sẽ đủ sự tự chủ, tự tin.

Ông Đồng Văn Ngọc: Con đường nào học thì cũng phải tính đến thành công. Và thành công của con người là học xong bất kỳ bậc học nào dù đại học hay cao đẳng, trung cấp... sớm có việc làm, cơ hội phát triển thăng tiến cả về mặt thu nhập lẫn trình độ, chuyên môn các lĩnh vực khác. Như vậy mỗi bậc học chúng ta phải tính rất kỹ, coi đây như một dự án đầu tư cho chính mình.

Một vấn đề cuối cùng đó là vị trí việc làm trong các doanh nghiệp chỉ có rất ít dành cho cấp học đại học trở lên, còn lại từ cấp học cao đẳng trở xuống chiếm đến khoảng 70%, thậm chí hơn thế. Như vậy các em hãy nhớ học cái gì thì học cho giỏi, nhưng cũng phải tính đến học cái gì cho không thất nghiệp.

Nhà báo Phạm Huyền: Buổi tọa đàm xin được dừng tại đây, trân trọng cảm ơn các vị khách mời và quý vị độc giả!

VietNamNet thực hiện

“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”

“Muốn hấp dẫn doanh nghiệp, nhà trường phải tự đổi mới chính mình”

“Muốn doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp, đầu tiên các nhà trường phải tự đổi mới chính mình, từ nhận thức cho đến tất cả các khâu trong nhà trường để cho thấy sức hấp dẫn với doanh nghiệp”.