- ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng ĐB ứng cử ở địa phương chủ yếu giám sát ở địa phương nhưng vẫn có quyền giám sát các bộ, ngành.
Tại phiên họp QH về dự thảo luật Hoạt động giám sát của ĐB QH và HĐND chiều nay, ông Bùi Mạnh Hùng nhận định dự thảo còn thiếu một hoạt động giám sát rất quan trọng là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.
ĐB Bùi Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Thăng |
"ĐB không có kiến nghị này thì làm sao thành tập thể đề nghị QH được" - ĐB Hùng nói. Ông cũng chưa đồng tình khi dự thảo quy định ĐB chỉ được giám sát quy định văn bản pháp luật và thực thi pháp luật ở địa phương.
Theo ĐB tỉnh Bình Phước, quy định như trên làm hạn chế quyền giám sát của ĐBQH. ĐB ứng cử ở địa phương chủ yếu giám sát ở địa phương nhưng vẫn có quyền giám sát các bộ, ngành.
"ĐBQH là đại biểu của toàn quốc và thực tế đang làm việc giám sát này. Tại sao không quy định giám sát ở trung ương, quy định như vậy còn nhiều lỗ hổng. Nếu chỉ giám sát ở địa phương thì làm sao chất vấn các vị lãnh đạo trung ương", ông Hùng nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) đặt vấn đề chất lượng cuộc giám sát: "Có nêu đích danh đối tượng chịu trách nhiệm, kết quả có thực hiện nghiêm hay không?"
ĐB phản ánh thực tế cho thấy, các vấn đề QH, HĐND giám sát là những vấn đề lớn, bức xúc trong xã hội nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa được như mong muốn. Có những vấn đề sau giám sát thực hiện tương đối tốt như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tai nạn giao thông… nhưng cũng có những vấn đề không có chuyển biến, thậm chí tồi tệ hơn như ô nhiễm môi trường làng nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông cho rằng, việc không ai phải chịu trách nhiệm làm giảm niềm tin của nhân dân vào cơ quan dân cử.
ĐB tỉnh Hà Nam đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cấp, ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện nghị quyết giám sát của QH, HĐND.
Ông Tân đề nghị trong quá trình giám sát, ĐB bắt buộc phải đi thực tế; trong thành viên đoàn phải có các chuyên gia chuyên ngành, lĩnh vực; sau giám sát phải thông tin đầy đủ kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng kiến nghị kết luận giám sát không được có rồi để đấy, "giám sát cũng như không".
Bà Chi đề nghị luật cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện kết quả giám sát. Không thể cứ giám sát, kết luận xong rồi lại không thực hiện. Cần quy định cụ thể thời hạn thực hiện bao nhiêu ngày kể từ khi có kết luận, nếu không thực hiện phải có chế tài.
Chung Hoàng