- "Giá như trong vụ tai nạn ấy mình không về nữa thì chắc chị không vất vả như bây giờ”, anh Bảy gạt vội giọt nước mắt khi nghĩ về người chị ruột của mình.
Đã gần 20 năm kể từ tai nạn định mệnh nhưng chưa lúc nào anh Hoàng Văn Bảy thôi tự dằn vặt bản thân. Anh cho rằng vì anh nên chị gái đã phải hi sinh cả tuổi thanh xuân cho mình.
Tìm đến nhà anh Hoàng Văn Bảy, người dân tộc Tày (xã Minh Xuân, Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), người dân trong bản ai cũng gật gù khâm phục trước tình thương yêu em trai vô bờ bến mà người chị gái đã dành cho anh.
Cuộc sống gia đình tưởng không lối thoát
Bước lên những bậc thang của ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi đá vôi, trước mắt PV là hình ảnh một người đàn ông nhỏ thó, đôi bàn chân teo lại đang ngồi thu lu trong gian nhà, đó là anh Hoàng Văn Bảy (SN 1976).
Nhìn thấy chúng tôi, ông Hoàng Văn San (bố ruột anh Bảy) và chị Hoàng Thị Tháng (SN 1973, chị gái) bày tỏ sự xúc động bởi lâu lắm rồi mới có người lạ đến thăm hỏi.
Được biết, ông San lập gia đình từ sớm và có 7 người con. Trong đó chị Tháng là con gái cả và anh Bảy là người con trai thứ 2 trong gia đình.
Năm 1995, vợ qua đời, một mình ông gánh vác trọng trách nuôi 7 người con. Vì con gái út sinh năm 1995 khi đó còn quá nhỏ, lại thiếu hơi ấm của mẹ nên ông đành gửi con cho người em họ nuôi giúp.
Chị Hoàng Thị Tháng bên em trai Hoàng Văn Bảy |
2 năm sau, với sự tác động của người lớn tuổi trong gia đình, ông San quyết định đi bước nữa, thế nhưng với người vợ thứ 2 ông không có thêm một người con nào.
Cuộc sống êm đềm trôi đi nhưng năm 2000 anh Bảy, người con thứ hai của gia đình, bị tai nạn gãy xương sườn từ đốt thứ 8 trở xuống trong lúc đào đá quý trên núi. Trong năm đó, mẹ kế và bà ngoại của anh Bảy cũng qua đời.
“Lúc đó gia đình tôi khủng hoảng lắm”, ông San nghẹn ngào nhớ lại những tháng ngày cơ cực.
Vốn bị liệt chân phải, khi nghe con trai gặp nạn, vì lo nghĩ nhiều nên sức khỏe của ông San càng ngày càng yếu hơn. Mọi gánh nặng trong nhà khi ấy đều đè lên đôi vai gầy của cô con gái đầu Hoàng Thị Tháng.
Nói về những ngày chăm em, thị Tháng trải lòng: “Em bị tai nạn mà mẹ không còn, bố lại đau yếu nên mình phải đứng ra lo cho em. Mình đưa em đi chạy chữa khắp nơi nhưng các bác sĩ đều lắc đầu. Từ ngày đó đến nay, gia đình mình luôn phải lo thuốc thang cho em”.
“Tôi nghĩ mình chết ngay lúc đó giờ chị đỡ khổ”
Trò chuyện với PV Báo VietNamNet, ánh mắt anh Bảy hiện lên nỗi buồn xa xăm, anh nhớ lại về cái ngày định mệnh khiến cho mọi ước mơ dang dở của mình phải dừng lại.
Anh cho biết: “Khi xảy ra tai nạn mình mới 24 tuổi, những năm đó phong trào nhà nhà đi đào đá đỏ, đá quý đang rầm rộ. Vì muốn gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo nên mình cũng lên xã Liễu Đô (huyện Lục Yên - PV) để tìm vận may. Trong lúc đang đào thì một khối đất, đá lớn bị sập, rơi trúng lưng. Mình chỉ kịp kêu ú ớ sau đó bất tỉnh, khi mở mắt ra đã thấy ở trong bệnh viện rồi”.
Anh Bảy và đôi chân tật nguyền, di chứng từ vụ tai nạn. |
Anh cũng tâm sự, tai nạn đã khiến anh không thể đến được với cô bạn gái khi chỉ còn một tuần nữa là đám cưới của họ sẽ diễn ra. Giờ đây, cô ấy đã có gia đình riêng và con cái đủ đầy nhưng trong thâm tâm anh không trách cứ bởi không muốn mình trở thành gánh nặng cho người mà anh yêu thương.
Kể từ sau khi biết mình sẽ mãi mãi trở thành một người tàn phế, chàng trai 24 tuổi đã sống thu mình lại, ít trò chuyện với mọi người và thường trâm ngâm suy nghĩ một mình. Có những lúc cơn đau hành hạ, anh chỉ nghĩ đến cái chết nhưng nhìn cha đặc biệt là người chị gái hết lòng chăm sóc, anh lại phải cố gắng sống để không phụ công mọi người.
“Trong gần 20 năm mình bị tai nạn, người lo lắng cho mình từng miếng ăn, giấc ngủ là chị Tháng. Mình nợ chị nhiều, không biết khi nào mới có thể trả được ơn chị. Giá như trong vụ tai nạn ấy mình không về nữa thì chắc chị không vất vả như bây giờ”, anh Bảy gạt vội giọt nước mắt khi nghĩ về người chị ruột của mình.
Không một ai trong làng là không biết đến tình thương của chị Tháng dành cho anh Bảy. Thấy em bị tai nạn như vậy chị đành gác lại những tình cảm riêng tư hết lòng chăm em. Có nhiều người ngỏ ý muốn chăm sóc cho chị, nhưng chị đều khước từ.
Chăm người ốm bình thường đã mệt, nay lại chăm một người liệt lại không thể tự làm vệ sinh cá nhân nên chị Tháng lại càng vất vả gấp bội.
Chị kể: “Sau tai nạn, Bảy chỉ còn đôi tay cử động được và tự xúc ăn không phải bón, còn lại mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay mình làm hộ. Bảy cũng không tự đi vệ sinh đại tiện được mà phải dùng đến dụng cụ thông. Có đợt ốm nhiều, Bảy toàn thân bất toại. Những lúc đó mình phải chạy vạy mua thuốc, nhờ bác sĩ tiêm cậu mới trở lại bình thường”.
Thậm chí, anh Bảy không ngồi được lâu, chỉ ngồi 30 phút là đã thấy mỏi, phải nằm. Anh tâm sự, đôi lúc anh không dám nhìn thẳng vào mắt chị bởi vì phải lo cho anh mà chị gầy gò, chỉ nặng 39kg. Bản thân anh cũng chưa từng nói lời nào để cảm ơn chị suốt thời gian chị chăm sóc mình, nên anh cảm thấy rất áy náy.
Nhìn hai người con côi cút nương tựa vào nhau mà sống, ông San cũng không cầm được lòng mình: “Tôi thương con có tuổi mà không lập gia đình nhưng con gái lại bảo: 'Bố già yếu yếu rồi sao con để bố phục vụ em được? Chúng con chưa chăm lo báo hiếu cho bố được ngày nào nữa là'. Con nói vậy tim tôi đau vô cùng...".
Trao đổi với PV Báo VietNamNet, ông Hoàng Đình Luận, Phó chủ tịch UBND xã Minh Xuân bày tỏ sự xúc động khi nhắc đến hoàn cảnh anh Bảy: “Ở đây không ai là không biết đến hoàn cảnh của gia đình chị Tháng có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Mẹ mất sớm nên chị cả phải đứng ra gánh vác mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình và chăm em bị tai nạn. Tình cảm của hai chị em dành cho nhau khiến chúng tôi vô cùng cảm kích và trân trọng. Hiếm người nào có thể làm được như vậy. Chính quyền xã cũng đã có trợ cấp cho anh Bảy, số tiền 360 ngàn mỗi tháng. Còn từ đầu tháng 1/2016, người phục vụ là chị Tháng được hỗ trợ là 160 ngàn/tháng". |
Hoàng Bích