Như ICTnews đã đưa, ngày 26/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 1819).

Chương trình nhằm cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần trong một năm người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính. Trong đó, 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng…

Trong phát triển ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Quyết định 1819 nêu rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng lộ trình, chọn lựa triển khai trong thực tế, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý…

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng; bảo đảm triển khai đồng bộ với việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin. Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến…

Trao đổi về những khó khăn khi triển khai Quyết định 1819, tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc vừa diễn ra tại Bắc Giang, ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho rằng để việc triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, rất cần sự phân cấp rõ ràng.

Ông Đỉnh nêu lên một bất cập hiện nay đó là sự chồng chéo giữa Trung tâm Tin học tại văn phòng UBND tỉnh và Sở TT&TT, thậm chí Trung tâm này còn làm những việc “thay mặt” cho cả Sở TT&TT, do Chánh văn phòng ký chỉ đạo trực tiếp trong khi lẽ ra chức năng nhiệm vụ là thuộc về Sở TT&TT.

Để không xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, chồng chéo nhiệm vụ, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng đề nghị Bộ TT&TT làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để làm rõ sự phân cấp quản lý giữa Trung tâm tin học thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Sở TT&TT.

Đồng quan điểm, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT làm việc với các bộ, ngành khác trong lĩnh vực ứng dụng CNTT để tạo ra sự thống nhất trong công tác triển khai thực hiện, tránh sự chồng chéo. Ngay tại Hà Nội, nhiều Sở, ngành khác đang triển khai ứng dụng CNTT theo hướng tự phát, “trăm hoa đua nở”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT cần sớm xây dựng, ban hành các văn bản làm rõ các khái niệm, phạm trù liên quan đến chính quyền điện tử, chính phủ điện tử, đô thị thông minh… để các Sở TT&TT tại địa phương có cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động liên quan, phối hợp làm việc cùng các đơn vị khác.

“Khi chúng tôi được hỏi văn bản pháp lý liên quan đến chính quyền điện tử, đô thị thông minh… đâu thì lại không có”, bà Phan Lan Tú nêu lên bất cập.

Liên quan đến triển khai dịch vụ công mức độ 4, ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa đề nghị  Bộ TT&TT có hướng dẫn cụ thể những dịch vụ công nào là cơ bản (ví dụ cần ưu tiên lĩnh vực hải quan, thuế điện tử…) phải được cung cấp ở mức độ 4. Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1.800 thủ tục hành chính, nếu căn cứ theo yêu cầu của Quyết định 1819 là phải có hơn 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4, tương đương với hơn 500 thủ tục hành chính thì sẽ rất khó khăn do số lượng rất lớn, đòi hỏi đồng bộ cơ sở dữ liệu rất cao...

Sở TT&TT Thanh Hoá cũng đề nghị Bộ có sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ vấn đề văn bản gửi trên môi trường mạng phải có chứng thực chữ ký số để đảm bảo an ninh thông tin.

Cũng tại hội nghị, ý kiến của một số CIO đại diện cho các tỉnh thành đề nghị Bộ TT&TT cần đẩy mạnh làm việc với các địa phương hơn nữa qua hình thức gặp trực tiếp hoặc tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để chỉ đạo các chương trình, nhiệm vụ của Trung ương để lãnh đạo các tỉnh nắm thông tin trực tiếp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các kế hoạch ứng dụng CNTT tại địa phương...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng hoạt động ứng dụng CNTT tại nhiều tỉnh thành đang gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT, vấn đề liên thông cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít…

Thứ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hạn chế sự chồng chéo trong chỉ đạo điều hành CNTT tại các địa phương, phát triển ứng dụng theo kiểu “trăm hoa đua nở” không theo định hướng chung. Bộ TT&TT sẽ có báo cáo cụ thể lên Chính phủ về vấn đề này.

Để có thể triển khai các chương trình CNTT trên quy mô toàn quốc, lãnh đạo Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và đề nghị Chính phủ xem xét tổ chức theo hình thức trực tuyến.