Ngày 13/9/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT về việc “Ngưng hiệu lực thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 04/2024/TT- BTTTT” (Về việc dừng cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM trong thời hạn 1 tháng (từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024)). Lí do tạm ngưng tắt sóng 2G theo Thông tư số 10 là để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết, đủ để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3. Đây là cơn bão lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng và ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của khách hàng.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. So với tháng 7/2024, trong vòng hơn 1 tháng, số thuê bao 2G Only giảm hơn 5,3 triệu thuê bao. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/10/2024 chỉ còn 771.072 thuê bao 2G Only trước giờ tắt sóng 2G. Dự kiến các nhà mạng sẽ hoàn thành tắt sóng 2G đúng theo lộ trình. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động, để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G. Hiện nay, trong giai đoạn "nước rút" các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng, để tiến tới mục tiêu tắt sóng 2G vào ngày 15/10/2024.
Trong thời gian vừa qua, các nhà mạng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G. Các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình. Một số doanh nghiệp di động có chính sách hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G.
Bên cạnh việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà mạng đẩy mạnh thực hiện truyền thông trực tiếp tới khách hàng, đồng thời tăng tần suất truyền thông, thông qua các hình thức: gọi điện, nhắn tin SMS, thông báo nhạc chờ cuộc gọi, phát IVR kèm cuộc gọi, Call Bot về các chương trình hỗ trợ chuyển đổi của doanh nghiệp và hướng dẫn khách hàng đổi máy.
Các nhà mạng thực hiện truyền thông thông qua hệ thống truyền thông cơ sở (loa truyền thanh xã, phường) để cung cấp thông tin đến từng khách hàng.
Để triển khai hiệu quả đến người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số doanh nghiệp di động còn thực hiện chiến dịch chuyển đổi tại tất cả các xã/phường, huy động toàn bộ lực lượng nhân viên tại tỉnh/thành phố tiếp xúc với khách hàng 2G đến từng nhà của thuê bao.
Chia sẻ về vấn đề tắt sóng 2G, ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang cho biết, tại Hà Giang, việc tắt sóng 2G vẫn đang thực hiện theo đúng chủ trương và lộ trình của Bộ TT&TT. Ban đầu, các địa phương và nhà mạng cũng đã thực hiện việc tuyên truyền cho bà con tại các thôn bản, các phiên chợ, nhưng người dân chưa hiểu công nghệ 2G và 4G như thế nào nên cũng có phần chưa quan tâm. Việc truyền thông về vấn đề tắt sóng 2G để đồng bào dân tộc hiểu là một vấn đề khó khăn. Một nguyên nhân nữa là nhiều người sử dụng điện thoại “cục gạch” 2G thường là những người già, có điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có khả năng chuyển đổi sang điện thoại 4G.
Vì vậy, nhà mạng đã phải sáng tạo ra nhiều cách thức tuyên truyền mang tính trực quan để trình diễn cho bà con xem, nhưng không phải ai cũng được tiếp cận. Bên cạnh đó, các nhà mạng đã thực hiện chương trình tặng máy điện thoại 4G cho người dân để thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G.
“Chúng tôi đã tận dụng tất cả các kênh truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh thông minh. Các nội dung truyền thông về tắt sóng 2G được biên soạn bằng nhiều thứ tiếng dân tộc và phát cho từng thôn để phù hợp với những khu vực mà bà con dân tộc sinh sống, với nhiều khung giờ khác nhau tùy thuộc vào nếp sinh hoạt và lao động của bà con. Trong việc thực hiện tắt sóng 2G, hệ thống thông tin cơ sở đã phát huy hiệu quả khi truyền thông trực tiếp và đồng loạt đến với từng thôn bản theo chiến dịch lớn. Ngay cả trong cơn bão số 3 vừa qua, hệ thống thông tin cơ sở đã giúp người dân giảm thiểu thiệt hại, thậm chí đã giúp một số thôn phòng chống lũ quét nguy hiểm”, ông Hòa nói.