TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ với VietNamNet về tình trạng cán bộ co cụm, cầu an, không dám làm.
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng với TP.HCM mới đây, lãnh đạo thành phố nêu một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của TP sụt giảm sâu là do có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc của cán bộ, công chức, thậm chí là có tình trạng “co cụm, cầu an và thận trọng quá mức”. Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý cán bộ, ông nhận định thế nào về thực trạng này?
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã được tiến hành rất mạnh mẽ, ai sai phạm cũng bị xử lý, “không có vùng cấm, không có vùng tránh”.
Điều này có tác dụng rất lớn không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực mà còn nhắc nhở mọi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đều phải công tâm, tuân thủ pháp luật, hết lòng vì lợi ích của xã hội, của nhân dân và đất nước.
Tuy nhiên, thực tế có xuất hiện tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, không dám làm, làm việc cầm chừng, co cụm cầu an hoặc thận trọng quá mức trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.
Tôi đã biết không ít người có cương vị lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị không dám ký các văn bản, nhất là liên quan đến đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai,... do lo sợ chẳng may có vấn đề gì sai phạm thì “xong phim”.
Có cán bộ khi được hỏi vì sao không dám làm, họ đã thẳng thắn trả lời: Nếu làm chẳng may sau này sai dù không tư lợi gì và đều vì cái chung sẽ chẳng có ai bảo vệ, dễ đi tù. Cho nên họ cứ làm đều đều, cầm chừng cho an toàn. Nếu công việc có chậm trễ, bị phê bình mà an toàn cho mình, thì cũng chẳng sao.
Ở một góc độ khác, tình trạng này rơi vào một bộ phận cán bộ có quyền quyết định trong những công việc dễ xảy ra, hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Bởi trong bối cảnh phòng, chống tham nhũng hiện nay, một số người quen nhận quà cáp hoặc ăn chia khi giải quyết công việc, nay không thể hoặc không dám tham nhũng, không dám tìm kiếm lợi ích riêng tư cho mình thì cũng hay xảy ra tâm lý co lại, cầm chừng, không giải quyết, không quyết đáp.
Liệu thực trạng này chỉ là cá biệt ở TP.HCM hay xảy ra tại nhiều nơi, thưa ông?
Tình trạng này không chỉ cá biệt ở TP.HCM mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ thuộc một số Bộ, ngành và các địa phương. Nhất là ở những cơ quan, địa phương có nhiều cán bộ sai phạm về tham nhũng, tiêu cực và bị cơ quan pháp luật xử lý.
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, bên cạnh tình trạng không dám làm, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo, đa số đội ngũ cán bộ, công chức vẫn tận tụy, trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tôi chứng kiến nhiều Bộ, ngành và các địa phương, cán bộ, công chức vẫn làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật cho bảo đảm tiến độ công việc và kế hoạch được trên giao.
Cho nên, đối với tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, không dám làm, làm việc cầm chừng... là vấn đề thực tế, đúng là có diễn ra nhưng chỉ trong một bộ phận cán bộ, công chức ở một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm chứ không phải trong cả đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhận định, “trong lúc Đảng, Nhà nước tập trung cao cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, có một bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm thì sợ sai”. Phải chăng cán bộ, công chức đang có tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” như một ĐBQH từng phát biểu, thưa ông?
Tôi đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề này. Tuy nhiên, “bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm thì sợ sai” nói ở đây là những người thiếu trách nhiệm và yếu năng lực, mà những người như thế thì đôi lúc chúng ta vẫn gặp, chứ không phải đến bây giờ mới thấy.
Còn cán bộ, công chức nếu làm đúng pháp luật, đúng quy định, không có tư lợi cá nhân thì chẳng có gì để sợ cả. Những người này sẽ luôn được xã hội trân trọng, được bảo vệ, biểu dương và khen thưởng.
Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” thì mới phải lo sợ, không biết khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật hỏi đến; hoặc những người hạn chế về nhận thức, yếu kém về năng lực mới lo sợ không dám làm gì.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm… Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.
Một cái đáng sợ nữa là có người làm mà không biết rằng mình làm đúng hay là sai? Vì để biết được đúng hay sai thì phải có kiến thức, có trình độ. Những người không làm gì cả để giữ an toàn thì họ quên mất là họ vào công chức để làm việc và nhận tiền lương. Không làm việc để an toàn mà vẫn hàng tháng hưởng tiền lương do nhân dân đóng thuế trả thì có xấu hổ không?
Đúng là có ĐBQH từng nói về trường hợp cán bộ mang tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Cán bộ ấy đã suy nghĩ thiếu sâu sắc.
Theo tôi dù cán bộ chọn đứng trước hội đồng kỷ luật hay đứng trước hội đồng xét xử thì đều không xứng đáng đứng trong hàng ngũ cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân.
Những người không làm gì để an toàn hoặc những người không dám làm vì sợ sai mà hàng tháng vẫn nhận tiền lương thì nên đưa ngay vào diện tinh giản biên chế, hoặc giải quyết cho thôi việc để tuyển chọn những người xứng đáng tham gia vào công vụ.
Nhân nói về vấn đề này, tôi thấy bên cạnh việc tiếp tục thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn cần triển khai xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế. Đúng theo tư tưởng của Bác Hồ, xây và chống phải đi đôi với nhau, “muốn diệt cỏ dại thì phải trồng nhiều hoa”.
Có thực tế xuất hiện bệnh “sợ trách nhiệm”, có những việc dù thuộc trách nhiệm của mình nhưng vẫn cứ hỏi. Điển hình như câu chuyện Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết “Trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và đã phải có 604 văn bản trả lời. Trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời 2 văn bản trong khi các vấn đề được hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố”?
Đúng là hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức và cả địa phương trước khi quyết đáp vấn đề gì đều hỏi ý kiến, xin chủ trương, thỏa thuận, thống nhất cơ quan cấp trên hoặc cơ quan liên quan. Đây là một tồn tại tâm lý “sợ trách nhiệm” để khi nếu có quyết sai thì các cơ quan, tổ chức đã được hỏi ý kiến cùng chia sẻ trách nhiệm.
Như vậy sẽ dẫn đến công việc bị kéo dài do phải chờ đợi hỏi ý kiến hoặc trong trường hợp chưa thống nhất, công việc bị dừng lại. Điều này là nguyên nhân làm ách tắc, chậm trễ, không kịp thời và nhất là không thể hiện được trách nhiệm của cơ quan hoặc người được giao thẩm quyền.
Câu chuyện Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra chính là bệnh “sợ trách nhiệm”. Hơn nữa, đó còn biểu hiện sự thiếu tự tin, không dám thực hiện thẩm quyền được giao của cán bộ. Vấn đề này, không phải chỉ mỗi TP.HCM mà các địa phương khác cũng thế.
Do đó, cần chấm dứt và hủy bỏ việc trước khi quyết định theo thẩm quyền, phải làm văn bản xin ý kiến, xin thỏa thuận, xin thống nhất…. trong hoạt động hành chính. Những người được giao thẩm quyền mà không dám làm, không dám quyết, quen làm văn bản xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương thì nên tìm người khác có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thay thế. Ai được giao quyền hạn đến đâu thì phải tự mình quyết định đến đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tôi rất thích và đánh giá rất cao ý kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khi cho rằng, TP.HCM sẽ đi tiên phong, thí điểm thực hiện quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Và cán bộ nào thiếu trách nhiệm, chậm trễ, tránh né, sợ sai phạm không dám làm, cầu an,… cần có biện pháp xử lý, “sẽ thay đổi cầu thủ, thậm chí thay đổi huấn luyện viên yếu kém”.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng ban hành công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp Thủ tướng yêu cầu kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm?
Công điện của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc là một chỉ đạo rất đúng và cần thiết trong giai đoạn này để khắc phục việc không dám làm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy và né tránh trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Đối với những người không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, tôi nghĩ không những điều chuyển sang công việc khác, mà cần phải mạnh mẽ hơn nữa, đưa vào diện tinh giản biên chế hoặc giải quyết thôi việc để tuyển dụng, tiếp nhận những người xứng đáng bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức mới là giải pháp hiệu quả hơn.
Mặt khác, để công điện của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, vai trò người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị rất quan trọng trong phân công, kiểm tra, đánh giá và quản lý chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức.
Vì đơn vị mà công việc không chạy, ùn việc, chất lượng không tốt thì người đứng đầu phải xử lý, tổ chức lại cho hiệu quả. Đơn vị, tổ chức mà không hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải xem xét trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu.
Theo ông, Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung mà Bộ Nội vụ đang xây dựng để trình Chính phủ chuẩn bị ban hành có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?
Trước hết, phải nói rõ đây là một giải pháp nếu được thực hiện sẽ có tác dụng mạnh mẽ, củng cố niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ. Người ta sẵn sàng sáng tạo, đột phá, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, họ cũng cần có môi trường, điều kiện thuận lợi để làm việc, cống hiến, nhất là được khuyến khích và bảo vệ.
Từ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn hiện nay, việc ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết.
Qua đó, sẽ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn tận tâm, nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Từ đó mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Lịch sử cho chúng ta thấy có nhiều tấm gương năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung, vì đất nước, dân tộc. Đó là khoán hộ trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm tiền đề cho khoán 10; việc khoán chui của ông Đoàn Duy Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải phòng; chuyện “xé rào” của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM,...
Để tạo ra các tiền đề cho nhiều đổi mới, phát triển sau này, có người cũng phải chịu thiệt thòi, bị kỷ luật nhưng cuối cùng với thành công đạt được, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đều ghi nhận, đánh giá cao và tôn vinh, giao giữ các vị trí rất quan trọng trong Đảng và Nhà nước.
Vấn đề nhiều người lo ngại là lằn ranh giữa dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo với làm sai quy định là rất mong manh. Theo ông, những biện pháp bảo vệ cán bộ như trong dự thảo Nghị định mà Bộ Nội vụ đang xây dựng đã đủ mạnh để cán bộ vượt qua lo ngại này?
Để quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đủ sức nặng và chặt chẽ hơn, theo tôi, nên báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành một nghị quyết về nội dung này.
Vì một mình Chính phủ không thể quy định áp dụng cho cả Viện Kiểm sát, Tòa án được mà phải là Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thì Chính phủ mới hướng dẫn hoặc quy định chi tiết.
TS. Trần Anh Tuấn đề xuất 5 nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
1- Phải bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và phù hợp Hiến pháp 2013; việc triển khai phải đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và điều kiện quy định.
2- Việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo phải bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch;
3- Chỉ thực hiện đối với các hoạt động đổi mới, sáng tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm.
4- Chỉ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong các hoạt động nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt của cơ chế, chính sách chưa được pháp luật quy định hoặc có nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.
5- Cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nếu có sai phạm, hoặc thiếu sót được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Ảnh: Phạm Hải - Thiết kế: Hồng Anh