Các anh chị cứ cười thoải mái hoặc chê chúng tôi ki bo. Thế nhưng với dân tỉnh lẻ, 5 triệu là khoản khá lắm rồi đó. Hơn nữa, nhà chúng tôi cũng thuộc dạng neo người, chỉ có ông bà nội, hai vợ chồng tôi và 2 đứa con nhỏ. 5 triệu có khi còn… chẳng tiêu hết!
Quan niệm của gia đình tôi là nhà có gì thì dùng nấy, thế nên riêng chuyện sắm đồ ăn Tết, nhà tôi chưa bao giờ… phải nghĩ. Vườn nhà thường ngày ông bà trồng rất nhiều rau củ quả, từ su hào tới súp lơ, rau cải cúc, bắp cải, cà chua… Mọi năm, mẹ chồng tôi còn hái rau trong vườn đi bán ở chợ gần nhà nhưng tình hình dịch lúc này phức tạp, vợ chồng tôi khuyên bà nghỉ chợ để đảm bảo sức khoẻ. Ông thì có cả đàn gà vài chục con và đàn lợn.
Bình thường, ông bà sẽ mổ 1-2 con lợn để gửi biếu thông gia. Nhưng năm ngoái, vợ chồng tôi rủ các anh chị về sớm rồi thịt lợn, cả gia đình gói bánh, làm giò nạc, giò xào… để gửi biếu họ hàng, thông gia. Vừa vui vẻ vì cả đại gia đình được quây quần bên nhau, lũ trẻ tha hồ tận hưởng không khí Tết truyền thống, lại tiết kiệm kha khá.
Năm nay, các anh chị không về được nhưng vợ chồng tôi dự định tranh thủ ngày cuối tuần rồi mổ lợn, chia sẵn các phần xong sẽ cấp đông, đóng thùng từ thịt gà tới thịt heo, rau củ… và gửi xe chuyển tới từng nhà.
Trước Tết đôi ngày, tôi tranh thủ thức muộn cuốn ít nem rồi chiên sơ và cất ngăn đá để dùng dần. Thịt sẵn, trứng sẵn…, tôi chỉ mua thêm chút tôm tươi hoặc bề bề, thịt cua ngon để nhân nem thêm ngon ngọt là quá tuyệt.
Với những thứ trong nhà không có sẵn như măng, miến hay gia vị…, tôi tranh thủ mua từ đầu tháng 11 âm. Khi đó, vừa có thể chọn được đồ ngon vừa ý, giá cả lại phải chăng, chẳng lo “chặt chém”…
Trước đây, tôi rất ham mua nhiều bánh mứt kẹo rồi hạt bí, hạt dưa… chất đầy nhà. Cứ khách đến là lại bầy khay lớn khay nhỏ mời mọi người. Nhưng Tết nhất, ai cũng bận cũng vội, có người vui miệng thì nhâm nhi vài hạt dưa chứ bánh kẹo cứ vứt lăn lóc. Lũ trẻ ăn mãi cũng chán. Có khi ra Giêng, tôi vứt hàng bọc bánh ỉu, kẹo chảy nước, phí phạm vô cùng! Từ năm ngoái, tôi chỉ chọn lọc mua một số loại ngon và chất lượng nhất với số lượng vừa đủ chứ không tiêu tốn nhiều cho khoản này.
Năm nay, chị dâu ở Hà Nội gửi về biếu ông bà rất nhiều bưởi. Tôi đang thử làm mứt vỏ bưởi bên cạnh mứt cà rốt, khoai tây, mứt táo… là sở trường của mẹ chồng bấy lâu này. Như thế, đĩa bánh kẹo đón khách của gia đình quá linh đình, nhiều món rồi!
Khoản tiêu tốn nhất của tôi là mâm ngũ quả trang trí ban thờ. Cả bố chồng lẫn chồng tôi đều cầu kỳ nên tôi hay cắm nhiều hoa như cúc, hồng… cùng cành đào dáng đẹp trên ban thờ bên cạnh mâm ngũ quả nhiều màu sắc với bưởi xanh, táo đỏ, cam vàng, chút sung, ớt… Tuy nhiên, năm nay, bố chồng dặn dò tôi không nên bày vẽ quá, vừa tốn kém vừa hao sức. Hoa thì chỉ cần cắm một cành đào nhỏ, còn mâm ngũ quả thì trước khi mua sắm, phải bàn bạc với các anh chị xem anh chị có gửi đồ về thắp hương ông bà không.
Mẹ chồng thì dặn tôi không nên mua quá nhiều thức ăn vì đồ ở nhà cũng tương đối. Mua nhiều, tích trữ chỉ chật tủ, ăn đồ đông lạnh cũng không ngon.
Đấy, các anh chị cứ thử tính xem, với các khoản đã liệu kê, liệu tôi có tiêu hết 5 triệu? Nhiều người chê tôi tốn sức làm lụng trong khi có thể bỏ tiền mua để bớt mệt. Thế nhưng mấy ai nghĩ mệt chút mà cả nhà đều vui vẻ? Anh chị ở xa năm nay không về được nhưng vẫn cảm nhận được tình cảm của bố mẹ, các em ở nhà. Lũ trẻ có thêm dịp tận hưởng không khí Tết, được ông bà hướng dẫn cách làm mứt, gói bánh, trải nghiệm cảm giác thức khuya canh nồi bánh… Đó là điều tiền chưa chắc đã mua được đâu!
Kế hoạch Tết này của bạn thế nào? Hãy chia sẻ với chúng tôi tại địa chỉ email: [email protected]. Ban biên tập giữ quyền chỉnh sửa. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Hà Linh
Tết 'bình thường mới', mua sắm thế nào bình thường… ví?
Bình thường, gia đình tôi khá cầu kỳ, nào hoa tươi cắm ban thờ, trang trí phòng khách, cành đào, mai vàng… đủ cả. Nhưng năm nay, vợ chồng tôi đều quyết định đơn giản hoá mọi thứ.