Cách đây 3 năm, cư dân mạng toàn thế giới đã được phen sửng sốt sau khi Mark Zuckerberg (thời đó vẫn là một idol nức tiếng trong giới công nghệ, trong sạch không dính “phốt”) hé lộ căn nhà siêu hiện đại của mình. Để miêu tả độ cool ngầu trong vài từ thì không thể, hãy hiểu nôm na rằng nó có khả năng tương tác, nhận biết lời nói ra lệnh và thực hiện các hành động hỗ trợ chủ nhân một cách tài tình, đó là lý do vì sao Mark Zuckerberg đã đặt tên Jarvis phỏng theo trợ lý ảo của Iron Man trong phim.
Tại thời điểm đó, có thể nói căn nhà của CEO Facebook thực sự là một concept chuẩn chỉnh của “smarthome” - một hệ sinh thái những thiết bị, cảm biến và phụ kiện thông minh được kết nối chung với nhau trong nhà, hoạt động đồng bộ dựa trên những câu lệnh và dữ liệu từ chủ nhân. Trông hiện đại như phim là vậy nhưng thực ra đó chẳng phải là một giấc mơ quá xa vời, bởi ở thời điểm hiện tại, chỉ cần bỏ ra số vốn X triệu là chúng ta có thể sở hữu một thiết kế tương tự ngay trong tầm tay.
Lưu ý: Danh sách dưới đây được gợi ý dựa trên độ phổ biến được gợi ý bởi nhiều người, không phải kiểu cách bắt buộc phải tuân theo.
1. Loa thông minh
Nếu có ý định bắt chước Mark Zuckerberg, chắc chắn một chiếc loa thông minh sẽ là thành phần không thể thiếu và cần được quan tâm đầu tiên. Nếu để ý trong video của anh, mọi lời nói và câu lệnh đều được căn nhà nghe theo một cách tinh ý và đều đặn, sau đó thực hiện theo một cách bài bản không lằng nhằng. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, chỉ một chiếc loa thông minh với kích cỡ nhỏ gọn bỏ túi là quá đủ để thiết lập và thỏa mãn nhu cầu tuân lệnh răm rắp này.
Những cái tên quen thuộc và nổi tiếng như loa Echo của Amazon (trợ lý ảo Alexa), loa Google Home của Google (trợ lý ảo Google Assistant), loa HomePod của Apple (trợ lý ảo Siri)... đều có thể đảm nhận nhiệm vụ này. Đối với người Việt, các sản phẩm của Google sẽ tiện lợi và phù hợp nhất bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo áp dụng cho trợ lý ảo Google Assistant đang được đánh giá cao hàng đầu so với những đối thủ khác, chưa kể họ là thương hiệu duy nhất hỗ trợ giao tiếp bằng tiếng Việt. Do đó, không cần bập bẹ học thêm ngoại ngữ để tương tác với căn nhà, cứ việc “bắn tiếng Việt” thoải mái như thường ngày là xong.
Chi phí dự tính: Tại Việt Nam, phiên bản loa thông minh Google Home Mini nay chỉ có giá 600.000-700.000 đồng.
2. Đồ gia dụng và nội thất thông minh
Ưu điểm lớn nhất của loa thông minh là khả năng xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo, nhưng nó chỉ đóng vai trò là trung gian tiếp nhận mệnh lệnh. Vì vậy, sau khi đã có một cô nàng trợ lý ảo làm cánh tay phải đắc lực, điều thứ 2 cần lưu ý là những thiết bị thông minh kết nối đi kèm để giúp chúng kết hợp với nhau cùng thực hiện nhu cầu của chủ nhân. Những sản phẩm như bóng đèn, ổ cắm chắc chắn là vật dụng tất yếu ở mỗi ngôi nhà, và chúng đều có thể trực tiếp góp phần vào hệ sinh thái smarthome.
- Bóng đèn thông minh: Thay vì bật tắt thủ công bằng công tắc, bóng đèn thông minh còn cho phép điều khiển từ xa thông qua nhiều phương pháp kết nối, thậm chí có thể điều chỉnh độ sáng, đổi màu (thế mới đúng chất “smart” chứ). Thông thường bạn có thể kiểm soát thao tác qua một ứng dụng tương thích có sẵn, nhưng khi được kết nối với loa thông minh, bạn hoàn toàn có thể ra lệnh nhận diện tắt bật chỉ bằng giọng nói.
- Ổ cắm thông minh: Khác với ổ cắm thường dùng chỉ có nhiệm vụ… tồn tại một chỗ, ổ cắm thông minh còn cho phép ngắt điện độc lập theo trạng thái mong muốn tại nơi đó. Cách điều khiển cũng tương tự như các sản phẩm thông minh khác.
- Cảm biến thông minh: Nếu đã từng xem các bộ phim nơi người ta chỉ cần vẫy tay, làm vài động tác là điều khiển được đèn và thiết bị, thì đây chính là chìa khóa dẫn tới câu trả lời cho bạn. Những chiếc cảm biến này tiện lợi ở chỗ chúng được lập trình để tự thực hiện các chuỗi hành động nhất định, thường được kích hoạt khi nhận diện có chuyển động. Chẳng hạn khi lắp cảm biến ở cửa ra vào, hành động mở cửa sẽ là yếu tố ra lệnh ngầm cho các thiết bị kết nối với cảm biến. Khi đó, đèn sân/phòng khách của bạn sẽ tự bật sáng, hoặc loa thông minh cũng có thể tự chơi nhạc cùng lúc.
Trên thị trường Việt Nam có rất nhiều thương hiệu phân phối đồ dùng thông minh cho nhà ở. Trong đó, Xiaomi là một thương hiệu có phần quen mặt hơn bởi lượng đồ dùng thông minh đa dạng được giới thiệu rầm rộ, chỉ trong một lần mua sắm có thể cùng lúc tìm mua nhiều thứ nhanh gọn và tiện lợi.
Chi phí dự tính: Khoảng 400.000 đồng/bóng đèn thông minh, 200.000 đồng/ổ cắm thông minh, 150.000-250.000 đồng/cảm biến thông minh. Nếu sử dụng với nhu cầu cơ bản và ít người, tổng giá thành sẽ ở tầm 2 triệu đồng là vừa đủ và thoải mái, với nhiều thương hiệu sản phẩm như Xiaomi, Philips, Broadlink...
3. Cục điều khiển hồng ngoại
Lướt qua một đống vẫn chỉ thấy loanh quanh toàn những bóng đèn, ổ cắm với vài thứ lặt vặt, vậy muốn nâng level lên điều khiển cả TV, máy giặt như Mark Zuckerberg thì sao? Câu trả lời sẽ để dành cho một thứ có tên “cục điều khiển hồng ngoại”.
Đây là thứ sẽ giúp tập hợp quản lý và kết nối những TV, quạt, điều hòa, máy giặt… thành một hệ thống chung, từ đó liên kết với hệ sinh thái smarthome cùng loa thông minh để đồng bộ qua lại. Điều kiện duy nhất cần lưu ý là các thiết bị thành phần ban đầu (TV, tủ lạnh, máy giặt đó) phải là loại có điều khiển từ xa mới có thể hoạt động tương thích. Sau khi hoàn thành khâu cài đặt, tất cả những thiết bị đó sẽ trở nên “thông minh”, có thể được điều khiển qua một app trên smartphone hoặc ra lệnh qua loa để thực hiện nhu cầu.
Chi phí dự tính: 300.000 đồng/cục điều khiển hồng ngoại
Như vậy, với tổng ngân quỹ khoảng trên dưới 3 triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể sở hữu cho mình một hệ sinh thái smarthome cơ bản thu nhỏ. Tất nhiên, để đạt đến tầm ngôi nhà của Mark Zuckerberg cần tới rất nhiều tinh chỉnh khác từ chính chủ nhân, yêu cầu cả bằng cấp và kỹ năng vọc vạch chuyên sâu. Vì vậy, trừ khi bạn là một dân chuyên về lĩnh vực này, sẽ rất khó để có thể mô phỏng lại 100% như cách ông chủ Facebook làm được.
Theo GenK