- “Hà Nội nên thừa nhận việc phân làn bằng dải phân cách bê tông trên các tuyến phố không hiệu quả nên tháo đi, chứ đừng nói chủ quan do ý thức người dân tốt lên”.

Hà Nội gỡ bỏ hàng loạt dải phân làn cứng

Vừa qua, dải phân làn cứng trên nhiều tuyến phố đã được dỡ bỏ mà theo lời một lãnh đạo Sở GTVT là do 'ý thức người tham gia giao thông đã tăng cao'...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN cho biết xung quanh việc Hà Nội bất ngờ cho tháo dải phân cách cứng bằng bê tông trên nhiều tuyến phố Hà Nội.

Để tránh ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, từ năm 2011, Hà Nội chi gần 24 tỷ để thí điểm phân làn trên nhiều tuyến phố. Vừa qua, bất ngờ hàng loạt dải phân cách này đã được Sở GTVT cho dỡ bỏ.

Theo lời một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc dỡ bỏ dải phân làn cứng trên các tuyến phố (Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Phố Huế) là do 'ý thức người tham gia giao thông đã tăng cao, tình trạng lấn làn còn không đáng kể..'.

Và xung quanh việc này, các chuyên gia về giao thông phản biện: việc lắp dải phân cách này đem lại hiệu quả thấp, nên Hà Nội nên thừa nhận tháo dải phân cách cứng là một thất bại, chứ không nên nói do ý thức người tham gia giao thông tốt lên!

TS Nguyễn Xuân Thuỷ -  chuyên gia giao thông cho rằng, thực tế việc phân làn tại các tuyến phố Hà Nội cho thấy hiệu quả không cao, tính khả thi thấp. Do vậy, việc bỏ dải phân cách cứng là hợp lý và không ảnh hưởng nhiều đối với những tuyến phố như: Đại Cổ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng, Phố Huế...

“Thực tế xe máy quá nhiều, khi không thấy lực lượng công an, Thanh tra giao thông thì xe máy lấn sang làn ô tô thường xuyên. Do vậy, bỏ phân làn đi là hợp lý và đây có thể xem là thất bại của Hà Nội..”, ông Thủy nói. 

{keywords}
Hà Nội cho tháo dải phân cách cứng trên nhiều tuyến phố -  (Ảnh: otofun).

Theo chuyên gia Thủy, tại một số nước trên thế giới, những tuyến phố rộng người ta  không bao giờ phân làn bằng dải phân cách cứng bằng bê tông như Hà Nội đã làm. Bởi, phân cách cứng rất dễ xảy ra tai nạn, nguy hiểm đối với người đi đường.

“Ở nhiều nước đường rộng 50 m người ta cũng không bao giờ phân làn bằng  dải phân cách cứng mà phân làn bằng phân cách mềm, trong khi ở nước ta đường rộng nhất chỉ 20 - 30m lại phân làn bằng phân cách bê tông cứng nên hiệu quả thấp”, ông Thủy nói.

Ông Thủy khẳng định, việc Hà Nội lấy lý do 'ý thức người tham gia giao thông đã tăng cao nên bỏ dải phân cách cứng' là không đúng, mà thực tế sau một thời gian triển khai cho thấy tính khả thi thấp, việc phân làn bằng khối bê tông trông rất phản cảm nên phải bỏ đi!

“Khi tiến hành phân làn bằng dải phân cách cứng, dòng xe lưu thông vẫn không nhanh hơn, vào lúc cao điểm ô tô và xe máy vẫn đan xen nhau. Thực tế phân làn chỉ có tác dụng với người có ý thức chấp hành tham gia giao thông tốt, còn với những người vội vàng và ngoại tỉnh người ta vẫn đi vào làn trong của ô tô do thoáng hơn”, ông Thủy nói.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN cho biết: Việc Hà Nội cho rằng 'ý thức người dân tốt lên nên tháo dải phân cách cứng' chỉ là ý kiến chủ quan và không chính xác.

"Hà Nội nên thừa nhận việc phân làn bằng dải phân cách bê tông trên các tuyến phố không hiệu quả nên tháo đi, chứ không nên nói chủ quan do ý thức người dân tốt lên”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nhớ lại thời gian đầu khi phân làn đã bộc lộ việc không hợp lý, nhiều vụ đâm vào dải phân cách xảy ra, sau đó “chuyển các bê tông phân làn sang hết chỗ này đến chỗ khác”, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Hơn nữa, theo ông Hùng, việc Hà Nội chi 24 tỷ đồng cho dải phân cách cứng ở các tuyến phố là quá lãng phí!

“Thực tế có thể phân làn bằng các dải phân cách mềm hiệu quả hơn mà không tốn kém, chứ không không cần phải dải phân cách bằng bê tông, vừa tốn kém vừa không đem lại hiệu quả”, ông Hùng cho hay.

Gia Văn