Thiếu đột phá về ứng dụng CNTT
Báo cáo tình hình 3 năm thực hiện Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng vừa được công bố chiều 10/7/2014 tại cuộc họp của Ban Điều hành Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước diễn ra ở trụ sở Bộ TT&TT. Những con số thống kê cho thấy hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước thiếu sự đột phá.
Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức (tên miền .gov.vn) và hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Tuy nhiên, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT chưa kết nối trên diện rộng; không ít hệ thống quản lý văn bản và điều hành chủ yếu chỉ để tin học hóa công tác văn thư, rất hiếm lãnh đạo cơ quan Nhà nước chỉ đạo, điều hành công việc qua mạng. Chỉ có khoảng 30% văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 20% văn bản của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Kết quả này thấp hơn so với tỷ lệ mà cuối năm 2013, Thủ tướng đã yêu cầu phải đạt (trong hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước từ 2014, có ít nhất 55% văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử, đến hết năm 2015 phấn đấu đạt 80%; về trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước, năm 2014 đạt 30% số văn bản, tài liệu chính thức hoàn toàn dưới dạng điện tử, 35% số văn bản dưới dạng hỗn hợp điện tử kèm bản giấy).
Về hạ tầng CNTT, trung bình 88% cán bộ, công chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 86% cán bộ, công chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công việc. Hệ thống mạng nội bộ (LAN) được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng, tại các tỉnh vùng sâu và vùng xa, hàng loạt máy tính, mạng LAN được trang bị nhưng không được đầu tư nên hết khấu hao, lỗi thời, tốc độ chậm. Nhiều máy tính được cài đặt phần mềm diệt virus không có bản quyền. Các hệ thống an toàn, an ninh thông tin chủ yếu được cài đặt riêng lẻ, khả năng phòng chống virus, bảo mật thấp. Mới có khoảng 68% Bộ, ngành, 25% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có ứng dụng hoặc triển khai thí điểm chữ ký số tại một số đơn vị của mình.
Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhưng hầu hết dịch vụ công trực tuyến đều ở mức độ đơn giản (mức 1, 2). Số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn ít.
Vẫn “tắc” về vốn
Một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn tới sự kém hiệu quả của nhiều dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước là thiếu kinh phí.
Tháng 8/2013, Bộ TT&TT đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án thuộc Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, nhu cầu vốn khoảng 6.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với vốn dự kiến ban đầu ghi trong Quyết định 1605 là 1.700 tỷ đồng.
Thực tế 3 năm triển khai, vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT rất hạn chế. Năm 2011 chỉ được 120 tỷ đồng, năm 2012 giảm xuống còn 100 tỷ đồng, năm 2013 chỉ còn 70 tỷ đồng, năm 2014 và 2015 mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Dẫn đến hệ lụy mới có 3 dự án cơ bản được hoàn thành, 25 dự án chưa có kinh phí triển khai hoặc chưa được phê duyệt, các dự án còn lại đang triển khai hoặc đề xuất chuyển sang giai đoạn tiếp theo hay chuyển sang hình thức khác.
Bên cạnh "nút thắt" về tài chính, hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn tồn tại nhiều năm như nhiều cán bộ, công chức chưa có thói quen, kỹ năng ứng dụng CNTT, đặc biệt là các ứng dụng CNTT đặc thù, chuyên ngành, chưa hình thành văn hóa chia sẻ thông tin; trình độ cán bộ chuyên trách về CNTT còn hạn chế; năng lực tổ chức triển khai các dự án CNTT quy mô quốc gia của các cơ quan Nhà nước còn yếu.