Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra

Công nghiệp tiến gần top 4 ASEAN

Nói về lộ trình tái cơ cấu để cạnh tranh quốc tế, đại diện một DN sản xuất lớn cho biết: "Trước đây chúng tôi chủ yếu làm nhà thầu xây lắp cho các công trình xây dựng. Nhưng chúng tôi hiểu rằng để tạo ra được sự phát triển bền vững phải đi vào sản xuất. Đó là lý do 5 năm nay, chúng tôi thành lập hàng loạt công ty sản xuất, kết hợp với các đối tác nước ngoài, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để sản xuất ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt, được khách hàng Việt Nam đón nhận, tiến tới là xuất khẩu ra nước ngoài".

“Chúng tôi là những người ra đời sau, cho nên chỉ có ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, đi thẳng vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ theo xu hướng CMCN 4.0 tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá cả phải chăng thì mới có thể tồn tại và phát triển được”, vị này chia sẻ.

{keywords}
Việt Nam đã sản xuất được ô tô thương hiệu Việt

Vài năm gần đây, sự trỗi dậy của nhiều DN trong nước đã đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ với những tên tuổi lớn. Các sản phẩm đã không dừng lại ở những ngành giản đơn.

Việc BKAV, Vingroup sản xuất điện thoại, Vinfast cho ra đời những chiếc ô tô thương hiệu Việt... đã chứng minh cho bước tiến của ngành công nghiệp trong nước.

Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, LG, các nhà cung cấp của Apple... đưa tên tuổi nước ta dần trở thành “điểm sáng” trên bản đồ thế giới.

Trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng ngày 28/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: Đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 (2009) lên vị trí 42 (2019) theo xếp hạng của UNIDO, trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất khu vực ASEAN, tiệm cận vị trí thứ 5 (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Trong 10 năm qua 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Con đường thịnh vượng của quốc gia

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy,... tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Trong suốt lịch sử phát triển của các nền kinh tế, ngành sản xuất chế biến chế tạo đã chứng minh được tầm quan trọng của nó trong quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế: Từ sự trỗi dậy của Anh trong thế kỷ 19, đến sự trỗi dậy của Mỹ, Đức, Nhật vào giữa thế kỷ 20, đến các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan vào cuối thể kỷ 20, và gần đây là Trung Quốc. Sự thành công của các quốc gia này trong quá trình công nghiệp hoá, trở thành nước có thu nhập cao là bằng chứng cho thấy sản xuất chế biến chế tạo là con đường phát triển, là chìa khoá để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

{keywords}
Trong 10 năm qua 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Tại Việt Nam, sự phát triển của công nghiệp đã làm đổi thay nhiều vùng đất. Ngoài các địa phương có sẵn các nền tảng công nghiệp từ lâu như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, nhiều tỉnh khác ở miền Trung - vùng đất vốn được coi là khắc nghiệt - cũng vươn lên thành ngôi sao sáng trên bản đồ công nghiệp Việt Nam.

Đó là Quảng Ngãi với khu kinh tế Dung Quất, Thanh Hóa với khu kinh tế Nghi Sơn, Hà Tĩnh với khu kinh tế Vũng Áng. Ngoài ra, có thể kể đến Thái Nguyên với sự xuất hiện của Tổ hợp Samsung, gần đây nhất là Bắc Giang với sự có mặt của hàng loạt nhà cung cấp của Apple... đã tạo thành động lực để đưa các địa phương này giàu có hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cũng nhìn nhận một thực tế: Sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững. 

"Ngoài ra, động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước", ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Trọng tâm của ngành là tập trung thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao

Để có một nền công nghiệp mạnh, trở thành động lực đưa đất nước tiến lên, một trong những giải pháp quan trọng là tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên nền tảng công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số,... ), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số.

Lương Bằng

Không cam phận làm thuê

Không cam phận làm thuê

Khi chỉ chiếm lĩnh được vỏn vẹn công đoạn gia công lắp ráp, chúng ta đã thất thế ở các khâu quan trọng nhất của chuỗi giá trị, từ phát minh, sáng chế, thiết kế, phân phối…