Matcha được bán nhiều tại Nhật Bản, và từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ có Nhật Bản mới sản xuất được Matcha. Song thực tế tại Thái Nguyên, một chàng trai 9x đã chế tạo thành công sản phẩm này, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Matcha từ chè Việt

Khoảng 3 năm trước, xu hướng sử dụng bột trà xanh Nhật Bản, hay còn gọi là matcha, nở rộ tại Việt Nam. Sản phẩm được biết đến như một dược liệu quý từ thiên nhiên, có nhiều công dụng trong làm đẹp, giảm cân, ngăn chặn lão hóa và sử dụng trong thực phẩm.

Cũng như Nhật Bản, Việt Nam nổi tiếng về chế biến và xuất khẩu trà. Nhưng, riêng với sản phẩm Matcha, chúng ta không chế biến được mà hàng năm vẫn phải nhập khẩu, trong khi nhu cầu sử dụng tại thị trường nội địa ngày càng lớn.

{keywords}
Búp chè non, nguyên liệu chính được dùng làm Matcha
{keywords}
 Vùng nguyên liệu dùng trong sản xuất bột trà xanh

Nhận thấy tiềm năng to lớn, cùng với sự tò mò, ham học hỏi và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Tùng Dương - chàng trai sinh năm 1995, khi đó đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, quyết tìm hiểu để chế tạo được matcha từ chè Việt.

“Lúc đó tôi luôn tự hỏi, trà Nhật khác gì trà Việt mà người tiêu dùng lại ưa chuộng đến thế? Trong khi nước ta có vùng nguyên liệu hoàn toàn có thể sản xuất được mà lại đi nhập khẩu” - anh chia sẻ.

Từ đó, Dương bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu những đặc tính về trà, đặc biệt là dây chuyền làm Matcha của Nhật.

“Thực ra lúc đó tôi nào có biết tiếng Nhật, cứ dùng Google dịch, thi thoảng có chỗ nào không hiểu lại nhờ vài người bạn biết tiếng chỉ cho”, Dương kể.

Sáu tháng sau, chàng trai trẻ đã sản xuất thành công sản phẩm bột trà Matcha. So sánh với bột trà của Nhật thì thấy chất lượng khá tương đồng từ màu sắc cho đến mùi vị.

{keywords}
Bột trà xanh Matcha ‘made in Vietnam’ không thua kém Nhật

Nguyên liệu sử dụng làm Matcha được Dương thu mua trực tiếp từ Thái Nguyên - vùng trà nổi tiếng ngon nhất cả nước. Ban đầu, Dương sử dụng lá bánh tẻ làm nguyên liệu chính. Sau này, khi tiến hành chuyên môn hóa, phần lá bánh tẻ được thay thế bằng búp chè non.

Chu trình sản xuất bột trà như sau: Búp trà sau khi được hái về sẽ trải qua một chu trình làm sạch, hấp, sấy, tách bỏ gân lá, cuống lá, phần thịt theo công thức chuyên biệt. Sau đó, trà được nghiền mịn với cối xay bằng đá grannit tạo thành bột.

Dương tâm sự: “Tôi thấy việc hấp và nghiền là hai công đoạn đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị và màu sắc của trà. Trước kia, do tôi chưa kiểm soát được khâu này nên hiệu quả kém. Đó cũng chính là câu trả lời tại sao người tiêu dùng lại chuộng sản phẩm Nhật hơn”.

Dương cho biết, năm đầu tiên, anh vẫn sử dụng máy nghiền bột khô để xay nguyên liệu. Mặc dù cho ra sản phẩm khá mịn nhưng kích thước hạt còn to, chỉ phù hợp để đắp mặt, chưa sử dụng được trong thực phẩm.

Vì thế, Dương quay sang nghiên cứu để chế tạo ra chiếc máy nghiền bột hữu hiệu. Anh quyết định đi Nhật Bản để tham khảo và học hỏi quy trình sản xuất cối xay.

{keywords}
 Cối xay bột trà xanh làm bằng đá grannit

“Về nước, tôi phải đi khắp các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng để tìm ra loại đá làm cối. Hành trình làm ra chiếc cối xay thấm đẫm khó khăn, vất vả và không ngừng nghỉ, tiêu tốn của tôi hàng trăm triệu đồng”, anh tâm sự.

Bứt phá, tăng tốc, lăn xả để thành công

Năm 2013, giá mỗi cân bột trà xanh ở Việt Nam dao động ở mức 700.000-1 triệu đồng, còn bột trà xanh Matcha của Nhật có giá thành cao gấp 2-3 lần.

Thấy được lợi thế cạnh tranh, Dương bắt đầu tiến sâu vào thị trường nội địa, trong đó anh chú trọng 2 phân khúc.

Đầu tiên, anh mang sản phẩm  đi giới thiệu tại các quán cắt tóc, gội đầu, spa nhỏ ở Thái Nguyên có dịch vụ đắp mặt nạ. Anh thuyết phục người tiêu dùng về công dụng của bột trà xanh, đồng thời cũng chỉ cho khách thấy điểm tương đồng giữa hai dòng sản phẩm trong và ngoài nước.

Dương chia sẻ: “Không chỉ đơn thuần là đi bán hàng mà tôi còn phải học cách pha chế, đắp mặt để hướng dẫn cho khách. Tính tôi hay xấu hổ nên đến những nơi nhiều con gái đúng là cực hình, nhưng vì công việc nên tôi phải học cách làm quen”.

{keywords}
Dương (bên trái) đang giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm

Để tạo dựng niềm tin, khi có sản phẩm mới, anh thường đem tặng mọi người dùng thử. Đây vừa là cách quảng cáo, vừa là cách thu thập phản hồi từ phía người dùng để cải tiến chất lượng.

Anh kể: “Ban đầu có khi cả tuần tôi chỉ bán được 100g, tính ra là không có lãi nhưng lúc đó quyết tâm cao lắm nên nhất định không bỏ cuộc”.

Sau 2 tháng nỗ lực, Dương bắt đầu có khách đặt mua, với 4-5 kg bột trà/tháng, thu 2-3 triệu tiền lãi. Dần dần, lượng khách hàng ổn định, từ chỗ chỉ lấy một vài cân cho đến chục cân và hiện nay có thể lên tới hàng tấn.

Phân khúc thứ hai, Dương tập trung đánh mạnh vào nhóm đối tượng là các xưởng gia công mỹ phẩm, công ty thực phẩm qua hình thức bán buôn ở hai thành phố lớn là Đà Nẵng và TP.HCM.

Vào cao điểm, mỗi tháng Dương xuất xưởng 1-2 tấn Matcha, thu lời 200-300 triệu đồng, cao điểm có tháng còn kiếm được 600-700 triệu đồng.

Năm 2016, doanh thu từ bột trà xanh đem lại cho anh 2 tỷ đồng, năm 2017 hơn 3 tỷ đồng, lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đối với Dương, đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất bởi mô hình cũ bắt buộc phải bước vào thời kỳ chuyển giao và chuyên môn hóa. Cùng lúc đó, thị trường Matcha đang là chiếc bánh pizza béo ngậy rất nhiều ông lớn muốn nhảy vào.Nhận thấy thị trường còn nhiều khoảng trống chưa khai thác, anh bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời lập website, fanpage để tiếp cận khách hàng và chuyên môn hóa dây chuyền.

Việc chế tạo ra cối xay bằng đá grannit là một trong những dấu ấn quyết định, mở đường cho công cuộc chuyên môn hóa sản xuất của Dương. Đây là bước nhảy quan trọng để Matcha “made in Vietnam” có thể ganh đua với bột trà xanh Nhật Bản.

Theo Dương, bí quyết để khởi nghiệp thành công trước hết phải có đam mê, thứ hai phải kiên trì, thứ ba là không ngừng nỗ lực. Với khách hàng, cần luôn chân thành, đặt mình vào vị trí của họ, sẵn sàng lắng nghe phản hồi dù tốt hay xấu. Với đối tác, hai bên phải coi nhau như người nhà, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn để cùng giải quyết, như vậy thì hợp tác mới thuận và lâu dài.

Ông Ngô Văn Hậu, giám đốc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, cho rằng, đây là một trong những mô hình khởi nghiệp điển hình, kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người mua, từ vùng nguyên liệu đến xưởng sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tham khảo mô hình trên để phát triển”.

Hoàng Dung