* Xin chào Trung Hiếu. Cảm xúc của bạn thế nào khi được cả Shark Dũng và Shark Liên cùng đồng ý đầu tư?
Khi biết có 2 Shark xuống tiền thì mình rất vui. Như vậy không chỉ có mình mà những người khác cũng nghĩ rằng Telepro là sản phẩm tốt, tạo ra giá trị cho xã hội và doanh nghiệp. Từ đó, mình có động lực lớn hơn để phát triển Telepro đạt đúng những gì mình kỳ vọng từ đầu.
* Shark Liên đưa ra con số 1 triệu USD nhưng cuối cùng các bạn lại chọn Shark Dũng với mức đầu tư cam kết là 300.000 USD. Các bạn tính toán thế nào để ra phương án này?
Thực ra mình có nói trên sóng đó, ý tưởng của Telepro từ đầu là go global (đi ra nước ngoài, PV) chứ không muốn chỉ là một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Nếu nhận deal Shark Liên, chủ yếu là chúng mình có một khách hàng lớn về bảo hiểm. Nhưng Telepro không chỉ làm một mảng như vậy mà mình muốn toàn bộ agent-các bạn tư vấn viên cua Telepro có thể có thêm thu nhập từ những gì các bạn ấy thích, nghĩa là làm nhiều ngành nghề khác nữa.
Hướng thứ 2 là go global. Riêng việc anh Dũng đưa offer đã ảnh hưởng quan trọng tới Telepro vì anh Dũng làm về công nghệ rất lâu rồi. Nhất là việc anh nói muốn lead vòng gọi vốn tiếp theo cho Telepro cũng rất quan trọng vì 1 triệu USD với Telepro chưa phải con số đủ lớn để phát triển được. Điều chúng mình muốn là về sau gọi được nhiều vốn hơn, thậm chí không dừng lại ở mức 1,5-2 triệu USD như anh Dũng nói mà phải gọi lên rất nhiều vòng tiếp theo. Để làm điều này, mình cần người đồng hành có hiểu biết sâu về công nghệ, làm startup lâu năm và sở hữu mối quan hệ rộng. Anh Dũng là người phù hợp với tất cả tiêu chí đó.
* Được biết trước đây Telepro đã từng nhận vốn đầu tư 150.000 USD từ Shark Thuỷ. Theo bạn đâu là là điểm hấp dẫn của mô hình?
Theo mình đánh giá yếu tố Shark Thủy đầu tư chính là ở đội ngũ sáng lập-founding team. Thời điểm ấy Telepro mới ra mắt nên chỉ có vài khách hàng, thậm chí chưa chính thức vào thị trường nhưng Shark Thủy có lẽ nhận thấy đây là một ý tưởng hay, có tiềm năng để scale nhanh cộng với đội ngũ sáng lập đủ mạnh nên đã quyết định đầu tư.
* Nhưng trong chương trình, Shark Linh có nói "Công nghệ này đã phát triển nhiều, mà ở bọn em chị không thấy có nhiều điểm khác biệt". Bạn nghĩ sao về ý kiến này?
Đương nhiên những gì nói trên trường quay sẽ không thể mô tả đầy đủ về một startup. Shark Linh chưa nhìn rõ khác biệt lớn nhất của Telepro so với các đơn vị truyền thống là Telepro không có các agent in-house, vì thế startup có khả năng tăng quy mô nhanh chóng. Nếu các đơn vị truyền thống muốn mở rộng quy mô sẽ phải tuyển dụng nhiều người mới, trang bị chỗ ngồi cộng thêm các công cụ làm việc nên sẽ không dễ. Ví dụ giờ tìm được địa điểm làm việc cho 1.000 người tại Hà Nội cũng tương đối khó.
Còn Telepro không cần như vậy. Telepro có thể tăng số lượng agent rất nhanh: Các bạn ấy chỉ cần có điện thoại thông minh, đăng ký vào dịch vụ, làm qua bài test và tham gia đào tạo là trở thành agent của Telepro. Đó là khác biệt khiến mô hình này có thể tăng trưởng nhanh so với công ty truyền thống.
* Vậy nhưng khi số lượng tư vấn viên tăng nhanh, bạn làm thế nào để kiểm soát chất lượng của họ?
Bên mình xây dựng hệ thống để agent làm việc trực tiếp trên đó nên sẽ kiểm soát được. Ví dụ khi agent gọi điện sẽ có băng ghi âm, có công cụ phát hiện lỗi họ mắc phải. Khi hệ thống cảnh báo lỗi của agent thì bên mình có đội ngũ riêng, sẽ gọi điện lại và đào tạo agent ngay sau khi họ mắc lỗi. Việc này khiến agent tiến bộ rất nhanh trong khi tại các công ty khác, có thể phải hết tuần, hết tháng mới đánh giá và cuối cùng người sales không nhớ mình mắc lỗi gì. Đây chính là điểm mạnh của công nghệ.
* Trong chương trình Shark Tank, bạn có nói 3 năm nữa sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và đi ra toàn cầu?
Thực ra chúng mình muốn dẫn đầu thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nữa. Khoảng 1 năm gì đó rồi mở rộng sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, dùng agent tại chính nước họ. Sau khoảng 3 năm sẽ tính đến chuyện gọi cho các khách hàng Châu Âu và Mỹ, sử dụng agent người Phillipines hoặc những người nói tiếng Anh bản xứ.
* Theo bạn để gọi vốn thành công trên Shark Tank, các startup cần chuẩn bị những gì?
Bản thân mình từng chuẩn bị khá nhiều nhưng mình nghĩ cơ bản là các startup đi gọi vốn nên xác định trước nhà đầu tư nào phù hợp, tập trung nói đúng vấn đề mà họ quan tâm. Thực ra câu chuyện gọi vốn giống như bán hàng vậy, bán hàng hiểu đúng là mình giúp khách hàng mua, chứ không phải mình đang bán sản phẩm. Startup lên gọi vốn là giúp nhà đầu tư có cơ hội rót tiền vào những dự án phát triển nhanh nên lý lẽ đưa ra phải giúp nhà đầu tư "mua" dễ dàng hơn.
Ngày tư đầu mình xác định hướng tới hai Shark là Shark Dũng và Shark Liên. Thật may cuối cùng có vẻ đã đạt được mục tiêu ấy.
*Xin cảm ơn Hiếu!
Theo Trí Thức Trẻ