- Rất nhiều bạn đọc quan tâm tới các bài viết “Nói và làm: Cháy nhà, chết người mới ra trách nhiệm” , “Trả giá vì thói quen xấu sử dụng xe máy” . Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Cháy xe: Xăng khó vô can?

Email [email protected] viết: “Tôi không hiểu vì sao cả 20 năm nay xe không cháy? Chẳng lẽ trước đây họ có biết cách sử dụng xe, còn bây giờ thì không? Xe bây giờ cháy chỉ có 2 nguyên nhân: Một là nhà sản xuất có vấn đề, hai là nhiên liệu có vấn đề. Nếu phía Nhật bảo xe không thấy vấn đề gì thì 99% còn lại là xăng có vấn đề.”

Theo email [email protected] thì: “Báo Thanh niên điều tra được khi các xe bồn chở xăng từ tổng kho Nhà Bè ra đến một địa điểm bí mật trộn thêm một tí gì vào, mà các cơ quan chức năng không kiểm soát được. Vậy bó tay rồi.”

Email [email protected] Như thế nào là xăng an toàn? Chúng tôi phải mua xăng an toàn ở đâu? Nếu nói như bài báo này, thì ở nước ta bán toàn xăng rởm (còn không thì tiếp tay cho kẻ xấu) vì tất cả xăng đều do doanh nghiệp của nhà nước cung cấp.

Bạn đọc Bùi Thái Nguyên Khang (email [email protected]) Tại sao cái gì cũng đổ lỗi cho ý thức, nhưng chỉ là ý thức của người dân? Cháy xe hơn 30 ngày kể từ vụ cháy đầu tiên được đăng tải, các cơ quan chức năng của nhà nước làm gì? Các cơ quan giám định lập ra để làm gì?

Email [email protected] Nguyên nhân cháy xe không có gì khó xác định cả. Có những xe mới mua đã cháy, có những xe chạy cả chục năm nay bây giờ mới cháy. Cùng một thói quen sử dụng xe, xe sản xuất bất kì thời gian nào mà bây giờ đồng loạt cháy từ ô tô đến xe máy, ai cũng nghi là xăng có vấn đề. Đừng đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng.

Email [email protected] Ở quê tôi (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có những chiếc xe được sản xuất năm 1967-1968 (Hon da 67) được các bác dùng kéo xe lôi chở 7-8 người. Dên được dôn lên 5ly, nòng mở đến 72ly, đầu bò 100, dây từ mobin đến bugi được nối bằng dây điện đèn, xăng nhớt chảy ròng ròng, máy bốc khói hơn tàu hỏa phải giải nhiệt bằng chai nước cho nhiễu xuống lốc máy (gọi là vô nước biển). Chạy một ngày 3-4 tua, mỗi tua 25km, đến chiều quăng xe đi nhậu sáng sau chạy tiếp, thấy hư đâu sửa đó. Cuộc mưu sinh kéo dài trên 25 năm đến lúc cấm xe tự chế mới nghỉ, thấy có cháy đâu?

Email [email protected] Tình trạng xe máy, ô tô cháy hay tình trạng ngộ độc thực phẩm ... đều thể hiện rất đúng kết quả tất yếu của sự quản lý kinh doanh dịch vụ thương mại rất kém của cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm với đời sống người dân. Theo tôi, đấy là nguyên nhân chính.

Trách nhiệm: Trăm “dâu” đổ đầu…quản lý?

Email [email protected] viết: “Bây giờ nhiều vụ cháy xe quá, người dân vô cùng hoảng sợ. Ngồi trên xe mà cứ như ngồi trên “bom”. Gần đây, đã có nguời chết, sợ quá. Vậy Bộ Công thương đã làm gì khi hàng loạt vụ cháy ô tô, xe máy xảy ra?”

Ảnh minh họa 
Email [email protected]
Gia đình tôi là người dân đã sống nhiều đời ở Hà Nội nhưng mỗi khi có người phải tham gia giao thông, nhất là các cháu học sinh thì mọi người đều phải lo lắng nhắc nhở nhau đi thế nào cho an toàn, kẻo bị xe máy, ô tô nó đâm chết. Ngoài tai nạn giao thông ở Việt nam đang đứng thứ nhất nhì thế giới, người dân còn phải cảnh giác cao độ với các loại giàn giáo xây dựng tự tạo ở trên đầu, dưới chân thì thường gặp vỉa hè suốt ngày bị đào lên, hạ xuống làm cho bẩn thỉu, gồ ghề không thể đi bộ được.

Đa số những con phố người đông nghẹt thở... Gần đây lại thêm nạn nổ bình gaz chết người, cháy xe máy thiệt tính mạng và tài sản...Chắc còn nhiều bất ổn mới nữa sẽ sinh sôi trong tương lai! Tất cả ở đâu mà ra? có phải do con người? Tất nhiên rồi, nhưng là do người nào? Có phải do dân hay do quản lý nhà nước? Dân không có quyền điều hành nên chắc chắn là do quản lý nhà nước. 

Xã hội phát triển thì tương ứng các nhu cầu phải tăng lên, đằng này ngành điện thì bảo dân là nhà nước không khuyến khích dân dùng nhiều điện, còn ngành giao thông đang tìm mọi cách hạn chế phương tiện giao thông, lưu lượng giao thông, tức là hạn chế máu chảy trong huyết quản vì giao thông được ví là huyết mạch của cơ thể mà. Cứ vòng vèo luẩn quẩn như vậy đất nước sẽ còn nghèo nàn lạc hậu, người dân sẽ còn khổ cực trong khi đóng thuế và phí ngày càng nhiều lên. Biểu hiện là: tính cách của người dân, trong đó có cả người dân Tràng An ngày càng xấu đi, hơi một tí là cà khịa, chửi đánh nhau tơi bời nơi công cộng. Trong gia đình thì cha mẹ cáu bẳn, con cái hỗn hào. Chung quy là tại cuộc sống căng thẳng do quản lý nhà nước yếu kém mà ra.

Bạn đọc Dương Toàn (mail [email protected]) Dù cho đến nay nguyên nhân nhiều vụ cháy xe máy, ô tô vẫn chưa được xác nhận và nhiều cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc, thì một hiện tượng cần rút kinh nghiệm, đó là phản ứng của các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan trước những vấn đề bất thường xảy ra trong đời sống xã hội. Nếu ở ngôi nhà gia đình, người chủ gia đình luôn quan tâm đến sự an toàn của gia đình mình sẽ ngay lập tức tìm nguyên nhân hỏng hóc các phương tiện sinh hoạt và tự sửa hay gọi thợ. Với tư cách là những người quản lý Nhà nước các Bộ,ngành, ngoài những chức năng khác, việc trông nom cuộc sống của xã hội đương nhiên là trách nhiệm thường xuyên, chẳng khác gì người chủ gia đình. Vậy tại sao lại thờ ơ, trông chờ bộ phận "trách nhiệm" nào đó vào cuộc chứ không phải việc của mình? Phải tới khi Thủ tướng chỉ việc thì mới làm ư? Rất cần những quan chức lãnh đạo biết quan tâm tới cuộc sống của dân vào những lúc như thế này.

Email [email protected]
Theo tôi trách nhiệm chủ yếu là Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu. Trong Bộ Công thương đề nghị ông Bộ trưởng Hoàng xem lại cách làm việc liệu có vấn đề về lợi ích nhóm nên buông lỏng quản lý đối với ngành xăng dầu để ngành xăng dầu muốn làm gì thì làm gây thiệt hại khôn lường cho người tiêu dùng? Tôi đề nghị trong đợt chỉnh đốn Đảng lần này theo Nghị quyết của Trung ương Đảng cần xem xét lại tư cách đảng viên của các cán bộ chủ chốt trong quản lý xăng dầu ở Bộ Công thương hiện nay.

Email [email protected] Bộ chịu trách nhiệm trên lý thuyết nhưng khi cháy xe thì chủ xe vẫn tự chịu, có thấy cơ quan nào đền cho dân đâu?

Bạn đọc Tuấn Anh (email [email protected]) Ít nhất phải có ‘ông’ nào nói có đại ý giống Bộ trưởng Thăng "không làm rõ nguyên nhân, mà đánh trống bỏ dùi thì tôi cử người khác thay anh" thì chắc lúc đó người tiêu dùng mới được đảm bảo quyền lợi.

Dân “ngán” chính hãng?

Cháy xe liệu có liên quan đến chất lượng xe? Khi bảo dưỡng, sửa chữa xe có nên chọn “chính hãng”?

Email [email protected] viết về cách ứng xử của chính hãng với khách hàng: “Khách hàng vào chính hãng mua xe thì bị hành, đi mua mà cứ như đi xin, giá cả thì lộn xộn. Phụ tùng mua trong hãng thì giá trên trời, thời gian đợi sửa chữa thì lâu. Chất lượng xe hay phụ tùng khi đưa ra lưu thông thì đâu có đảm bảo (có lỗi thì cũng giấu nhẹm đi). Các hãng xe nổi tiếng trên thế giới phải thu hồi xe để sửa chữa các lỗi, mà toàn thu xe sản xuất ở các nước phát triển. Còn xe sản xuất tại Việt Nam có lẽ “quá xịn” nên không bao giờ có lỗi mà phải thu hồi! Thế nhưng thử hỏi các cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn ngừa chưa? Hay chỉ đưa ra khẩu hiệu kêu gọi “Người dân hãy tự bảo vệ lấy chính mình”.

Email [email protected] đồng cảm: “Cũng muốn vào đại lý chính hãng bảo đưỡng, sửa chữa lắm, nhưng họ "bóp" lần nào là lè lưỡi tắc thở lần ấy.

Thợ sửa chữa xe ngoài, không chứng chỉ, nhưng làm nghề một hai chục năm rồi thì chắc chắn hơn hẳn các thợ có chứng chỉ ở các đai lý. Tôi toàn sửa ngoài, chưa lần nào vào đại lý cả, đi xe 30 năm nay chẳng sao.
Có điều tiền nào của ấy, đừng mua linh kiện rởm, đã không an toàn lại chuốc lấy bực mình!”

Còn email [email protected] chia sẻ: “Tôi không bao giờ mang xe máy vào hãng bảo dưỡng. Ra ngoài kiếm cơ sở nào tin cậy mà làm thì tốt hơn. Lý do đơn giản là những thợ trong hãng luôn luôn nhăm nhe luộc đồ. Xe bạn họ dẫn đi lung tung nên không kiểm soát được. Sửa ở ngoài, ngồi ngay cạnh xe, có gì mình còn nhìn thấy nó hỏng ra sao.”

Đây là ý kiến của bạn Mai Lan (email [email protected]): “Chính hãng cũng nhiều kiểu làm ăn lắm, chứ cũng chẳng vì khách hàng đâu. Có lần tôi vào chỉnh phanh xe, họ bảo cần thay cả xích nữa. Là con gái, nên cứ thấy họ bảo thay cái gì cho an toàn là tôi thay liền. Đến khi về nhà mới biết xe đi chưa lâu, thật ra chưa cần phải thay, chỉ cần tra dầu cho xích trơn là được.”

“Gần đây tôi vào đại lý chính hãng bảo dưỡng xe, nhìn bề ngoài thì rất chuyên nghiệp, nhưng nhân viên lén lút đánh tráo dầu máy mới thay trong xe của tôi bằng dầu máy bẩn của họ, mặc dầu tôi không yêu cầu thay dầu máy. Ngay hôm đó, khi đi trên đường bỗng nhiên xe chạy yếu quá, không tải được người, tôi cứ nghĩ do xăng chất lượng kém, bị pha nước gì đó. Ra thợ sửa xe ngoài phát hiện là dầu máy quá bẩn, lại phải thay dầu máy, thế là xe lại chạy tốt”, đó là ý kiến của email [email protected].

Ban Bạn đọc